Tự dừng thuốc vì sợ khám "dính" Covid-19, bệnh nhân suýt chết vì đau ngực
(Dân trí) - Tự ý ngừng uống thuốc trị tiểu đường, tim mạch, không đến bệnh viện kiểm tra vì sợ dịch Covid-19 khiến nữ bệnh nhân rơi vào tình trạng nhồi máu cơ tim cấp khi đang ngủ, nguy kịch tính mạng.
Ngày 10/6, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Duy Lạc, Phó khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Quận Thủ Đức, TP HCM cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cứu sống nữ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
Nữ bệnh nhân vừa đối mặt với nguy kịch là bà Huỳnh Thị Mai L. (62 tuổi) nhập viện trong tình trạng than đau ngực dữ dội. Qua khai thác nhanh bệnh sử, bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim nhiều năm qua. Trước đó, bệnh nhân được theo dõi, điều trị ngoại trú liên tục tại phòng khám Bác sĩ Gia đình của bệnh viện.
Tuy nhiên khoảng 3 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân tự ý ngừng thuốc điều trị các bệnh lý nền. Gia đình cho biết, do dịch Covid-19 đang diễn ra, bệnh nhân lo ngại bị nhiễm nên không đến bệnh viện thăm khám. Bên cạnh đó, bệnh nhân thấy tình trạng sức khỏe tương đối ổn định nên bệnh nhân chủ quan, tự ý ngừng thuốc.
Trước khi vào viện cấp cứu, bệnh nhân đang chìm trong giấc ngủ thì nửa đêm bất ngờ đau tức ngực, cảm giác đau ngày càng tăng nặng khiến bệnh nhân ôm ngực quằn quại kèm khó thở. Kết quả thăm khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh và thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Đây là tai biến liên quan đến việc ngừng thuốc điều trị khiến tình trạng bệnh trở nặng.
Xác định, người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong cao, ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành chụp mạch vành cấp cứu và xác định nhánh lớn của mạch vành bị tắc nghẽn. Các bác sĩ đã can thiệp cấp cứu, nong mạch vành, đặt stent khai thông vị trí bị tắc nghẽn tận dụng được “thời gian vàng” kể từ khi bệnh nhân bị nhồi máu cấp. Sau phẫu thuật, sức khỏe của người bệnh đã cải thiện rất tốt.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, những bệnh nhân có bệnh lý nền như cao huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim thì bắt buộc phải uống thuốc điều trị suốt đời. Thuốc sẽ giúp kiểm soát đường huyết, kiểm soát huyết áp, dự phòng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Nếu bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc sẽ đối mặt với các nguy hiểm trên.
Thực tế có một vài trường hợp bệnh nhân bị chảy máu hoặc dị ứng thì sẽ được bác sĩ cho ngừng các loại thuốc đang sử dụng để chuyển sang các loại thuốc tương đương. Nếu chưa có ý kiến của bác sĩ, tất cả những bệnh nhân khác có bệnh lý nền tương tự tuyệt đối không được ngừng thuốc điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Trường hợp bệnh nhân vì lý do nào đó cần thay đổi điều trị thì phải tham vấn ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình điều trị nếu xuất hiện các triệu chứng đau tức ngực, khó thở thì phải nhanh chóng nhập viện để được bác sĩ chẩn đoán, can thiệp kịp thời. Những bệnh nhân đã được can thiệp, điều trị sau biến chứng nguy cơ tái nhồi máu cơ tim sẽ ở mức cao hơn, do đó người bệnh phải tuân thủ tuyệt đối việc điều trị theo toa bác sĩ.
BS Duy Lạc cho biết thêm, thời gian qua tại bệnh viện có nhiều trường hợp bỏ điều trị, không tái khám, bên cạnh đó nhiều bệnh nhân thay vì đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, kê toa thì lại tự đi mua thuốc về uống. Các nhóm bệnh nhân trên đều rơi vào nguy cơ rất cao của các tai biến, biến chứng vì người bệnh có thể dùng thuốc quá liều hoặc các loại thuốc thay thế nhưng không bảo đảm hiệu quả điều trị.
Hiện các bệnh viện đã thiết lập hệ thống phòng chống dịch đảm bảo an toàn cho cộng đồng nên bệnh nhân có thể an tâm đến thăm khám, điều trị. Những trường hợp vì lý do bất đắc dĩ không thể đến thăm khám, có thể liên hệ với bệnh viện để được bác sĩ tư vấn trực tiếp trong trường hợp cần thay đổi thuốc hoặc bác sĩ có thể khám qua điện thoại sau đó người nhà sẽ tới bệnh viện để nhận toa thuốc cho bệnh nhân.
Vân Sơn