TS.BS. Lê Trọng Phát: Tâm huyết chinh phục những ca bệnh khó

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Gắn bó với bệnh viện FV 14 năm qua, số ca bệnh hiếm mà TS.BS. Lê Trọng Phát - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình đảm nhận điều trị gấp nhiều lần so với khoảng thời gian hơn 2 thập kỷ ông làm việc tại Đức.

TS.BS. Lê Trọng Phát: Tâm huyết chinh phục những ca bệnh khó - 1

TS.BS. Lê Trọng Phát - Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bệnh viện FV.

Với bác sĩ Phát, việc điều trị thành công cho những ca bệnh phức tạp, đầy thách thức chính là phần thưởng lớn cho quyết định rời một nền y khoa tân tiến hàng đầu để trở về Việt Nam của ông.

"Sự hồi phục và chất lượng sống của bệnh nhân trở nên tốt hơn sau điều trị chính là thành tựu lớn nhất của tôi. Trở về Việt Nam và làm việc tại Bệnh viện FV, với tôi, cho đến giờ vẫn là quyết định đúng đắn", bác sĩ Phát bày tỏ.

Hành trình trở về đầy bất ngờ

Sống ở Đức gần 4 thập kỷ, làm việc và phát triển sự nghiệp suốt 22 năm, đạt đến vị trí Phó trưởng khoa Ngoại Tổng quát - Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Franzikus, nên quyết định trở về Việt Nam của TS.BS. Lê Trọng Phát khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bên cạnh công việc đầy hứa hẹn tại bệnh viện lớn ở châu Âu, gia đình bác sĩ Phát cũng đã có cuộc sống ổn định tại đây.

"Thời gian làm ở Đức, tôi học hỏi được rất nhiều, tuy nhiên tôi vẫn muốn đặt bản thân vào môi trường nhiều thử thách hơn, có cơ hội phát triển về mặt chuyên môn nhiều hơn. Về Việt Nam là quyết định đã được cân nhắc kỹ lưỡng, tôi trở về để đóng góp cho y học nước nhà, phát triển nghề nghiệp đồng thời muốn trải nghiệm cuộc sống ở quê hương", bác sĩ Phát nhớ lại quyết định về nước làm việc của mình.

TS.BS. Lê Trọng Phát: Tâm huyết chinh phục những ca bệnh khó - 2

TS.BS. Lê Trọng Phát tìm kiếm thử thách chuyên môn khi quyết định về Việt Nam.

Thực tế, điều kiện, môi trường làm việc cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bệnh viện FV được đầu tư theo chuẩn quốc tế cũng đã khiến bác sĩ Phát ấn tượng.

"Bên cạnh cơ sở vật chất hiện đại, bệnh viện còn có quy trình chuyên môn chuẩn quốc tế đáp ứng được mong muốn chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân. Chính những yếu tố này tương đồng với giá trị làm nghề của tôi, phù hợp với định hướng mà tôi theo đuổi nên tôi đồng ý đầu quân cho FV mà không chần chừ", bác sĩ Phát lý giải.

Giống như nhiều người khác khi hòa nhập vào môi trường làm việc mới, bác sĩ Phát phải đối diện với những khác biệt về phương pháp, cách vận hành cũng như khó khăn khi giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ mà ông chưa thực sự thành thạo thời điểm ấy. Tuy nhiên, khi quy trình làm việc được ông phối hợp với đồng nghiệp chuẩn hóa, guồng quay công việc trở nên trơn tru và hiệu quả hơn.

Đồng hành 8 năm tại khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện FV, điều mà điều dưỡng Lê Sỹ Thúy ấn tượng nhất về vị trưởng khoa Lê Trọng Phát đó là tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, luôn tạo được cảm giác an tâm cho người đối diện.

"Là một người cẩn thận trong công việc nhưng không khô khan, bác sĩ Phát luôn giữ được sự hòa ái, ân cần và đồng cảm với bệnh nhân. Tôi đã từng thấy nhiều bệnh nhân buồn, lo hay thậm chí căng thẳng vì bệnh nhưng sau cuộc trò chuyện với bác sĩ Phát họ luôn tìm thấy sự an tâm cho mình", chị Thúy nói thêm.

Trở về Việt Nam vào thời điểm các kỹ thuật y khoa nước nhà vẫn chưa tiệm cận với các quốc gia tiên tiến, TS.BS. Lê Trọng Phát bắt đầu với việc xây dựng quy trình điều trị mới, cùng với đội ngũ FV mang nhiều phương pháp điều trị tiên tiến trên thế giới về áp dụng tại đây.

TS.BS. Lê Trọng Phát: Tâm huyết chinh phục những ca bệnh khó - 3

Bác sĩ Phát cùng đội ngũ chuẩn hóa quy trình điều trị tại FV.

Mặt khác, với những ưu thế về kỹ thuật và năng lực quản trị cùng kinh nghiệm điều trị dày dạn khi còn làm việc tại Đức, bác sĩ Phát cũng đồng thời phát triển mảng điều trị chấn thương thể thao - vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây.

Việc chuẩn hóa quy trình điều trị theo hướng chú trọng không chỉ khi phẫu thuật mà cả quá trình hậu phẫu - như việc hướng dẫn bệnh nhân tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, bác sĩ Phát tự tin khi bệnh viện có thể mang đến những giải pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân.

"Thực tế, nhiều bệnh nhân, thậm chí một số bác sĩ, quan niệm phẫu thuật xong là thôi. Tư duy chưa đúng này phần nào do sự quá tải của hệ thống y tế. Tại FV, chúng tôi theo sát quá trình hồi phục của bệnh nhân sau mổ, đảm bảo người bệnh có được chất lượng sống tốt hơn", bác sĩ Phát nhấn mạnh.

Một lý do khác nữa góp phần vào thành công của ca mổ, theo bác sĩ Phát, đó là các ca mổ được thực hiện trong phòng phẫu thuật đạt chuẩn y tế quốc tế JCI, tỉ lệ nhiễm trùng phẫu thuật tại FV chỉ rơi vào khoảng 0,2% - một con số ấn tượng khi so sánh với ngay cả những nền y khoa phát triển.

Chinh phục những ca bệnh y văn thế giới chưa từng ghi nhận

Tham gia nhiều hơn việc điều hành, chuẩn hóa hệ thống khi làm trưởng khoa tại FV, song TS.BS. Lê Trọng Phát vẫn luôn tâm niệm về một trong những lý do chính để ông trở về Việt Nam: tìm kiếm thử thách về chuyên môn.

Trong hơn 14 năm làm việc tại Bệnh viên FV, vị trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình đã nhiều lần đối mặt với thử thách, không ít bệnh nhân tìm đến ông trong tình trạng rất nặng, khả năng điều trị và phục hồi cũng chỉ vài %. Khao khát chinh phục những ca bệnh khó đã trở thành động lực để TS.BS. Lê Trọng Phát điều trị thành công nhiều trường hợp hy hữu, thậm chí chưa từng được ghi nhận trong y văn thế giới.

Năm 2014, bác sĩ Phát từng điều trị cho bệnh nhi Đỗ Trọng Hiếu (14 tuổi) bị dị dạng khớp gối bẩm sinh, mất khả năng đi lại. Xương bánh chè của em bị trật hoàn toàn ra ngoài, khớp gối chày bị bán trật (trật một nửa). Gân bánh chè và một số dây chằng dính vào nhau, chéo trước, chéo sau, giãn dây chằng chéo trước, thiếu sàn sụn chêm ngoài khớp gối… Các cơ sở y tế trong nước từ chối điều trị cho Hiếu. Tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia hàng đầu tại Đức và Úc, họ cho biết cũng chưa từng gặp các ca bệnh tương tự. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ Úc đề nghị đoạn chi và ghép chân giả cho cậu bé.

TS.BS. Lê Trọng Phát: Tâm huyết chinh phục những ca bệnh khó - 4

Giọng nói của bác sĩ Phát được mô tả là "nhỏ nhẹ như lời ru".

Cắt đi đôi chân của thiếu niên là một quyết định cực kỳ khó khăn. Sau chuỗi ngày trăn trở nghiên cứu bệnh án, cuối cùng bác sĩ Phát tìm ra biện pháp khả thi để điều trị cho bệnh nhân mà không cần phải đoạn chi. Lần lượt chân trái, chân phải của bệnh nhân được phẫu thuật thành công, hồi phục ngoạn mục giúp em có thể đi lại như bình thường, thậm chí có thể chơi bóng đá cùng bạn bè.

Khi được hỏi về cảm xúc khi điều trị thành công những ca hiếm gặp như trên, bác sĩ Phát mỉm cười đáp: "Tôi rất mừng khi bệnh nhân có chất lượng sống tốt hơn sau điều trị. Còn về cá nhân thì với tôi đó là công việc thường ngày cần phải thực hiện tốt nhất có thể và cảm thấy hài lòng vì ca mổ đã diễn ra đúng như những gì mình tính toán trước đó".

Hạnh phúc khi được cống hiến vì sức khỏe bệnh nhân

Khi triển khai chuẩn hóa quốc tế về quy trình điều trị bệnh xương khớp cho bệnh nhân, TS.BS. Lê Trọng Phát có nhiều trăn trở. Ông chia sẻ, quan niệm của nhiều bệnh nhân là vẫn xem nhẹ việc điều trị dứt điểm bệnh cơ xương khớp, thậm chí, rất nhiều ca bệnh tìm đến FV trong tình trạng rất tệ, không còn khả năng điều trị bảo tồn mà phải dùng đến các phương pháp nặng hơn như thay khớp bán phần hay toàn phần.

"Tôi từng nghe nhiều người nói rằng thôi từ từ rồi thay, hoặc uống thuốc cho hết đau là được. Tuy nhiên, quan điểm này khiến những bệnh nhẹ, có thể trị dứt điểm trong thời gian ngắn lại trở thành bệnh kéo dài, đau đớn nhiều năm. Chất lượng cuộc sống cũng tệ hơn rất nhiều, trong khi chúng ta hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm và sống vui sống khỏe", trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình bệnh viện FV nói thêm.

TS.BS. Lê Trọng Phát: Tâm huyết chinh phục những ca bệnh khó - 5

TS.BS. Lê Trọng Phát cùng nhóm phẫu thuật trong phòng mổ.

Ngoài những trăn trở trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Phát cũng tâm huyết trong việc truyền thụ kinh nghiệm quý trong suốt gần 4 thập kỷ làm nghề của mình cho thế hệ kế cận.

"Tôi không chỉ muốn chia sẻ thành công mà cả những điều mà mình đã từng làm sai, làm chưa tốt và đó là kinh nghiệm quý cho các bác sĩ trẻ", bác sĩ Phát bộc bạch.

Bác sĩ Trương Hoàng Vĩnh Khiêm, một bác sĩ trẻ trong khoa Chấn thương Chỉnh hình, bày tỏ niềm vui khi được làm việc cùng bác sĩ Phát - người mà anh coi là người anh, người thầy. "Bác sĩ Phát sẵn sàng đứng sau lưng để hỗ trợ tôi thực hiện những kỹ thuật khó. Anh chỉ cho đàn em hầu như tất cả kiến thức, kinh nghiệm mà anh có, không giữ lại bất cứ điều gì", bác sĩ Khiêm cho biết.

Với vị trưởng khoa đã qua tuổi lục tuần, việc tiếp tục cống hiến tại FV không chỉ mang đến niềm vui, đạt được nhiều hơn nữa các thành tựu về chuyên môn mà còn giúp ông hỗ trợ được nhiều bệnh nhân theo đúng với mong muốn của mình.