1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Trước thềm năm học mới: Nỗi lo bệnh học đường

“Do điều kiện môi trường trường học không đảm bảo, cộng với việc thiếu cán bộ y tế góp phần dẫn đến sự gia tăng đáng lo ngại một số bệnh học đường như: cận thị, cong vẹo cột sống, suy nhược thần kinh, béo phì, bệnh răng miệng…”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh.

Hơn 27% trường học không có nhà vệ sinh

 

Tại hội nghị triển khai các chương trình hành động thực hiện chiến lược Quốc gia y tế dự phòng Việt Nam tổ chức vào giữa tháng 8, ông Huấn cho biết cả nước hiện có 24 triệu học sinh và 92% trong số này phải ngồi học ở những bộ bàn ghế không phù hợp về kích thước. Thêm vào đó là việc thiếu ánh sáng, sử dụng vi tính hoặc xem tivi quá nhiều… là các yếu tố góp phần làm gia tăng tật cận thị, cong vẹo cột sống trong học sinh, sinh viên.

 

Theo Thông tư hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, mỗi trường học phải có một phòng diện tích từ 12 - 20m2 được trang bị dụng cụ y tế tối thiểu cho hoạt động y tế học đường.

 

Theo một điều tra của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường về quy hoạch, thiết kế xây dựng trường học thì có đến 3/4 cơ sở trường học không đạt yêu cầu. Cụ thể:

 

- Về chiếu sáng có tới 70% số phòng học có tỷ lệ diện tích cửa sổ/diện tích lớp không đạt yêu cầu.

Tỷ lệ lớp chưa đạt yêu cầu về chiếu sáng tự nhiên là 32,1%; về chiếu sáng nhân tạo là 27,6%.

 

- Về bảng viết: 100% lớp học có bảng không đạt yêu cầu về kích thước.

 

- Về bàn ghế: 92% số học sinh phải ngồi học ở những bộ bàn ghế không phù hợp về kích thước.

 

Theo kết quả điều tra mới đây của Bộ Y tế kết hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo được tiến hành với trên 5.536 học sinh tiểu học và trung học cơ sở cho thấy:

 

- Tỷ lệ cận thị ở học sinh tiểu học là 5,52%.

- Trung học cơ sở là 14,38%.

Tỷ lệ cận thị ở học sinh nữ cao hơn nam, đặc biệt là tỷ lệ cận thị ở khu vực nội thành cao hơn so với ở ngoại thành.

 

Không chỉ có bệnh cận thị, cong vẹo cột sống cũng đang có xu hướng gia tăng trong học sinh, sinh viên:

 

- Tỷ lệ chung của cong vẹo cột sống ở Hà Nội là 18,9%, trong đó nam chiếm 19,6% và nữ chiếm 18,3%.

- Phân theo cấp học: tiểu học 17,2%, trung học cơ sở 22,2% và phổ thông trung học là 18,8%.

 

Cong vẹo cột sống còn ảnh hưởng đến hoạt động của tim, phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của khung chậu, do đó cản trở đến việc sinh nở của học sinh nữ khi đến tuổi làm mẹ sau này. Đặc biệt, có bệnh trong một thời gian dài đã không được phát hiện như trường hợp nhiều học sinh tại một số địa phương bị mắc xơ hoá cơ delta đã để lại những di chứng nặng nề ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và tinh thần.

 

Bên cạnh đó, nhiều nơi môi trường học đường chưa được cải thiện, các công trình vệ sinh trong trường học còn thiếu và chưa đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Hiện có tới 27,3% số trường được điều tra không có nhà vệ sinh. Đây cũng là nguyên nhân kéo theo các bệnh giun sán, ngộ độc thực phẩm, bệnh thấp tim... gia tăng trong trường học.

 

Cũng theo điều tra trên, tỷ lệ nhiễm giun đũa và giun tóc ở lứa tuổi học sinh tiểu học cao nhất (có nơi trên 95% số học sinh tiểu học bị nhiễm). Nhiễm giun sán ở trẻ em gây ảnh hưởng lớn cho sự phát triển về cả thể lực và trí lực. Ngoài ra, tại nhiều bếp ăn của các trường học (bán trú và nội trú), vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa thực sự được quan tâm. Vì vậy, có trường đã để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

 

Môi trường tại các trường học không đảm bảo vệ sinh còn dẫn tới bệnh thấp tim (chiếm tỷ lệ 2%). Đây là căn bệnh nguy hiểm do liên cầu khuẩn gây ra ảnh hưởng nhiều đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ em. Nhưng đến nay, chương trình phòng chống bệnh thấp tim vẫn chưa được triển khai tại các trường học trên cả nước.

 

Chỉ 10% Sở GD-ĐT có cán bộ y tế

 

Ông Nguyễn Huy Nga, cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, trong khi các bệnh học đường đang ngày một gia tăng thì các trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cũng như mạng lưới cán bộ y tế trong các trường học hiện đang thiếu về số lượng và chưa đảm bảo về chất lượng.

 

Tại các Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, huyện, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra các yếu tố vệ sinh trường học hầu như không có. Nếu nơi nào có cũng chỉ là những trang thiết bị đã cũ, lạc hậu, thậm chí không sử dụng được. Vì vậy, công tác kiểm tra, đánh giá các yếu tố vệ sinh trường học chưa được thực hiện thường xuyên và chất lượng chưa cao nên không kịp thời phát hiện được các yếu tố có hại ảnh hưởng tới sức khoẻ của học sinh, sinh viên.

 

Tại các tỉnh, hiện chỉ có khoảng 10% Sở GD-ĐT có cán bộ y tế chuyên trách về y tế dự phòng. Ngoài ra, chỉ có khoảng 18,8% số trường học trong cả nước có cán bộ làm công tác y tế trong trường học và chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Trong đó, nếu tính theo bậc học thì 50% số trường thuộc bậc đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và 18,2% số trường thuộc bậc phổ thông có cán bộ y tế.

 

Cũng theo ông Nga, thiếu cán bộ y tế trường học nên các hoạt động chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám sức khoẻ định kỳ, tuyên truyền, giáo dục về phòng chống bệnh tật cho học sinh, sinh viên chưa được thực hiện một cách đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đáng lo ngại của một số bệnh tật học đường.

 

Theo Mai Trang

Sài Gòn tiếp thị