Trứng cóc và 2 cái chết thương tâm
(Dân trí) - Gặp chúng tôi bên giường bệnh của cậu con trai Triệu Văn Thể (7 tuổi) vừa thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Chị Máy khóc vật vã, “trứng cóc” đã cướp đi hai đứa con mình rồi cán bộ ơi. Mắt chúng tôi cũng nhoè lệ theo nỗi đau tột cùng của chị...
Lùng Trang ngày tang tóc
Đêm 31 tháng 3 rạng ngày 1/4/2008 cả bản Lùng Trang xã Linh Hồ huyện Vị Xuyên bàng hoàng, hoảng loạn trước cái chết tức tưởi, đau đớn của hai đứa con anh Triệu Văn Hùng (tên thường gọi là Hồng) là Triệu Văn Thiềm 9 tuổi và Triệu Thị Sai 3 tuổi mà nguyên nhân là do ăn trứng cóc.Anh Hùng vật vã trong đau đớn bên hai chiếc quan tài của hai con, ánh mắt thất thần.
Cả bản Lùng Trang hoảng loạn, thương xót trước hung tin và trong nhiều người dân bản vẫn không thể tin là hai đứa trẻ kia bị chết do ăn trứng cóc. Di ảnh của hai đứa bé tội nghiệp khiến ai đến viếng cũng không thể kìm được nước mắt. Ông nội của các cháu khóc nức nở, gào lên trong đau đớn tuyệt vọng.
Cái chết của hai cháu Triệu Văn Sinh và Triệu Thị Sai được xác định là do ngộ độc khi ăn trứng cóc. Với người dân miền rừng này thị việc thịt và ăn thịt cóc là thường xuyên, tuy nhiên khi đại hoạ sảy ra đối với nhà Triệu Văn Hùng thì tâm lý hoảng loạn, mất tinh thần bao trùm khắp bản.
Trưởng bản Lùng Trang, Triệu Văn Hào mắt hoe đỏ bảo với chúng tôi: Tội của chúng tôi lớn quá, có lỗi với các cháu nhiều quá. Ai cũng cứ nghĩ con cóc ăn thịt thì cũng không sao. Nào ngờ, giờ đây đã phải đổi bằng sinh mạng của các cháu. Thật là đau xót.
Mất con như bị đánh cắp gương mặt vô hồn của Phùng Thị Máy, mẹ của hai cháu Sinh và Sai. Nỗi đau quá bất ngờ khiến chị suy sụp ủ rũ, hai đứa con cả và út chết còn một đứa đang hôn mê trên bệnh viện tỉnh chẳng biết thế nào. Nỗi đau của người phụ nữ này chồng chất. Nhìn chị mà ai ai cũng rơi lệ.
Cảnh báo những tai hoạ từ thịt cóc, trứng cóc
Báo chí đã không ít lần đưa những tin vùng này, huyện kia có những người chết mất mạng do ăn thịt cóc, trứng cóc. Thế nhưng, công tác cảnh báo tuyên truyền cho người dân về tác hại của của việc ăn cóc có thể dẫn đến ngộ độc vẫn còn bỏ ngỏ ở nhiều vùng miền, nhất là các bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Trở lại cái chết tức tưởi của hai cháu bé con chị Phùng Thị Máy thôn Lùng Trang như là một cảnh báo đối với người dân khu vực nông thôn, miền núi, trong việc sử dụng những nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc để dùng vào bữa ăn. Cũng không thể trách cứ ba cháu nhỏ con anh Triệu Văn Hùng được, bởi các cháu cũng đã từng được ăn thịt cóc, sự hiếu động của các cháu dẫn đến hậu quả đau thương vừa qua cũng có phần trách nhiệm của y tế địa phương trong việc tuyên truyền, giáo dục người dân.
Ông Nguyễn Phúc Cảnh, Giám đốc TT Y tế dự phòng tỉnh cũng thừa nhận sai xót này: “Trong thời gian vừa qua Hà Giang liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, như ăn Nấm và những thực phẩm không rõ nguồn gốc, nay lại xảy ra cái chết của hai cháu con anh Hùng. Về trách nhiệm của ngành, chúng tôi thẳng thắn thừa nhận sai xót trong khâu tuyên truyền, vận động người dân. Ông cũng thừa nhận việc người dân sử dụng thịt cóc ở miền núi là phổ biến, tuy nhiên trường hợp ngộ độc do ăn trứng cóc của các con anh Triệu Văn Hùng, thật đáng tiếc. Các cháu đã nấu ăn trứng cóc khi bố mẹ vắng nhà nên việc xảy ra tai họa là không thể lường trước được.
Ông Nguyễn Duy Hoa, Giám đốc TT Y tế Vị Xuyên cho hay: “Việc người dân các xã vùng sâu vùng xa thường xuyên ăn thịt cóc là có thật”. Ông cũng nhận rõ công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm đến các xã trong huyện còn rất yếu, người dân gần như mù tịt thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là tác hại của việc ăn thịt cóc thì hầu như chưa có buổi tuyên truyền nào.
Theo nhiều chuyên gia y tế khẳng định, hiện nay chưa có tài liệu nào nói thịt cóc có chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Việc người dân sử dụng thịt cóc cho trẻ biếng ăn, chống còi xương chỉ là kinh nghiệm dân gian. Những độc tố từ da cóc, chất nhày, trứng, ruột gan cóc có chứa độc tố cực độc, vậy nên tác hại do ăn phải cóc có dính độc tố là rất nguy hiểm đến tính mạng con người.
Với mặt bằng dân trí thấp, tập quán sống tự cung, tự cấp ở các bản làng vùng cao đang là một trở ngại lớn đối với công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Chuyện con cóc hại người, hay chính chúng ta chưa biết bảo vệ mình đang là câu hỏi lớn đối với ngành Y tế Hà Giang. Mong sao trong tương lai gần sẽ không còn những cái chết tức tưởi kinh hoàng như cái chết vì “trứng cóc” như hai cháu bé tội nghiệp con chị Phùng Thị May nữa. Vâng hy vọng là như thế.
Trường Giang - Việt Dũng