Triệu chứng cũ và nguy cơ bệnh mới
(Dân trí) - Khi ở độ tuổi 20, 30 bạn thường rất dễ bỏ qua một số triệu chứng như chóng mặt, đau bụng hay thường xuyên khát nước. Tuy nhiên, sau tuổi 40, bạn nên thận trọng hơn với những triệu chứng tương tự.
Dưới đây các bác sĩ chỉ ra cách nhận biết các triệu chứng cũ nhưng lại có thể là dấu hiệu của những căn bệnh mới:
1. Thường xuyên khát nước
Leann Olansky, bác sĩ nội tiết tại Bệnh viện Cleveland (Mỹ) cho biết nếu không phải vào ngày hè nóng bức thì hiện tượng thường xuyên khát nước có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguyên nhân là do cơ thể bị mất nước khi glucose tăng cao tràn vào nước tiểu.
Khi nào cần khám bác sĩ: Khi xuất hiện thêm các triệu chứng như liên tục thấy đói, giảm cân, mất nước, đi tiểu nhiều.
2. Lo lắng bất ngờ
Sự căng thẳng ở độ tuổi 20 có thể chỉ đơn giản là những lo lắng của buổi hẹn hò đầu tiên, nhưng ở độ tuổi trung niên, nó có thể là triệu chứng của cơn đau tim, bác sĩ Kevin R. Campbell, chuyên gia tim mạch tại Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill cho biết. Bên cạnh những triệu chứng thường gặp như đau ngực, khó thở và buồn nôn, phụ nữ cũng có thể cảm thấy lo lắng, có lẽ do những khác biệt về hóc-môn và sinh học.
Khi nào cần khám bác sĩ: Tiến sĩ Campbell khuyên rằng nếu bạn có các yếu tố nguy cơ bệnh tim và cảm thấy lo lắng không rõ nguyên nhân thì hãy đến khám bác sĩ.
3. Đỏ mặt
Theo bác sĩ Jessica Krant, giáo sư trợ giảng lâm sàng về da liễu tại Trung tâm Y SUNY Downstate ở Brookly, NewYork, bạn thường bị đỏ mặt khi tất cả các ánh mắt đổ dồn về mình nhưng đây cũng có thể là chứng đỏ da mặt. Các mạch máu bị phá vỡ, thường ở trung tâm của mặt, bản thân nó không nguy hiểm. Ăn những thực phẩm cay, uống rượu và cà phê có thể khiến mặt đỏ. Nhưng đỏ mặt cùng với đổ nhiều mồ hôi, tim đập nhanh hoặc huyết áp cao có thể báo hiệu những rối loạn về hoóc-môn.
Khi nào cần khám bác sĩ: Hãy tới gặp bác sĩ nếu bạn muốn tìm hiểu rõ nguyên nhân và điều trị. Bác sĩ da liễu có thể chỉ ra cho bạn các nguyên nhân gây bệnh để phòng tránh và bôi kem tại chỗ hoặc thử các trị liệu bằng laser.
4. Đau bụng
Bác sĩ Phiet Phung, chuyên gia về tiêu hóa ở Torrance, California cho biết: “Đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân từ các rối loạn lành tính như không dung nạp lactose tới những bệnh nghiêm trọng hơn như ung thư tuyến tụy hoặc các bệnh loét đường tiêu hóa, viêm ruột”.
Khi nào cần khám bác sĩ:
- Cơn đau kéo dài liên tục và tăng dần
- Cơn đau khiến bạn tỉnh giấc kèm theo sốt
- Nôn khiến cơ thể không hấp thụ đủ thực phẩm và nước
- Phân có màu đen hoặc đi tiêu ra máu
5. Tê tay
Đi xe đạp lâu có thể gây đau dây thần kinh trụ ở bàn tay, dẫn đến yếu và đau cơ. Theo bác sĩ Numb David Geier, Jr., Phụ trách về y học thể thao tại Đại học Y Nam Carolina thì đây cũng có thể là triệu chứng do hội chứng ống cổ tay.
Khi nào cần khám bác sĩ: Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị tê tay trong khi ngủ hoặc trong các hoạt động thường ngày chứ không phải do chơi thể thao hoặc tập luyện. Điều trị có thể bao gồm các thuốc chống viêm, tiêm steroid hoặc tập luyện. Bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật trong trường hợp nặng.
6. Gãy xương do áp lực thường xuyên
Loãng xương khiến cho xương yếu đi và dễ bị gãy. Theo bác sĩ Steven Gausewitz, “Gãy xương do áp lực thường xuất hiện ở bàn chân và cẳng chân do việc chơi thể thao áp lực cao lặp đi lặp lại (như chạy, nhảy) hoặc tập aerobic”.
Khi nào cần khám bác sĩ: Nếu bạn bị gãy xương hoặc bạn từng bị gãy xương do áp lực thường xuyên, hãy làm xét nghiệm kiểm tra mật độ xương. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có các yếu tố nguy cơ bị loãng xương.
7. Chóng mặt
Tiến sĩ Campbell cho biết cảm giác có thể rất giống với hạ đường huyết song đây cũng có thể là triệu chứng do rối loạn nhịp tim. Ăn thực phẩm có đường hoặc uống nước ép có thể giúp xử trí các vấn đề do hạ đường huyết nhưng không điều trị được các rối loạn nhịp tim vốn có thể đe dọa đến tính mạng.
Khi nào cần khám bác sĩ: Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn bị chóng mặt tái phát hoặc kéo dài.
Khi còn trẻ, bắp chân đau nhức có thể do bạn đi giày cao gót. Song khi lớn tuổi hơn, nó có thể là dấu hiệu của chứng huyết khối tĩnh mạch sâu. Các cục máu đông có thể gây tắc mạch hoặc di chuyển tới phổi và gây tắc mạch phổi. Phẫu thuật, thuốc tránh thai hoặc ngồi lâu trên ôtô, máy bay có thể thúc đẩy bệnh.
Khi nào cần khám bác sĩ: Nếu kèm theo triệu chứng khó thở thì đây có thể là dấu hiệu của tắc mạch phổi cần được can thiệp kịp thời.
Anh Khôi
Theo WD