Trí tuệ nhân tạo giúp hạn chế sai sót trong điều trị ung thư
(Dân trí) - Bệnh viện Ung Bướu đã thí điểm ứng dụng thử nghiệm phần mềm trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, hỗ trợ bác sĩ lựa chọn, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với người bệnh. Trí tuệ nhân tạo được đánh giá giúp hạn chế tối đa sai sót trong điều trị ung thư.
Đây là phần mềm trí tuệ nhân tạo nổi bật được xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn về y khoa tiên tiến giúp đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh. Hiện nay, phầm mềm này đã được triển khai áp dụng hiệu quả tại nhiều bệnh viện trên thế giới.
Tại Việt Nam, Bệnh viện Ung bướu TPHCM là một trong 3 bệnh viện (Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) được Bộ Y tế chọn tham gia thử nghiệm ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo này.
Từ tháng 4/2019 Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã tổ chức đợt tập huấn cho các bác sĩ trẻ thực hành ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo. Đây là đợt tập huấn nhằm ứng dụng phổ biến phần mềm này ở tất cả các khoa lâm sàng, trừ khoa Khám bệnh, Khoa Tầm soát Ung thư và Khoa Y học Hạt nhân.
Các bác sĩ đã được cung cấp những thông tin chuyên sâu về hệ thống và kỹ năng sử dụng hệ thống phần mềm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại khoa; cách tạo ca bệnh mới trên phần mềm và cách chuyển đến hệ thống chính thức để nhập ca bệnh; hướng dẫn thực hành các bước để nhập một ca bệnh vào hệ thống với việc sàng lọc ca bệnh mà hệ thống hỗ trợ...
Trong chương trình bác sĩ đã thực hiện bước lựa chọn một hồ sơ bệnh án để sàng lọc mà hệ thống có hỗ trợ và tiến hành nhập dữ liệu bệnh án vào hệ thống.
BS-CKII Võ Đức Hiếu, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của bệnh viện cho biết: Bệnh viện Ung bướu đã thử nghiệm phần mềm này trên 103 bệnh nhân ung thư vú và 126 bệnh nhân ung thư đại trực tràng. Kết quả cho thấy tỷ lệ tương đồng giữa phác đồ của bệnh viện và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%; trong đó tương đồng về phác đồ điều trị ung thư vú là 71%, ung thư đại trực tràng là 88,1%.
Để phát triển ứng dụng trong thời gian tới, TS.BS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu cho rằng: “Bước đầu, bệnh viện có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo trong tư vấn, hỗ trợ bác sĩ chuyên ngành ung thư lựa chọn phác đồ điều trị ung thư cho người bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện.
Tuy nhiên, để ứng dụng phần mềm hiệu quả hơn trong thực tiễn, hệ thống cần nguồn lực đúng mức về cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm, nhân sự đào tạo đúng mức, có thời gian, vận hành dưới hình thức Hội đồng chuyên gia đa chuyên khoa (Tumor board) để quyết định phác đồ phù hợp thực tiễn nhất cho bệnh nhân”.
Sau tập huấn các khoa lâm sàng của Bệnh viện Ung Bướu sẽ triển khai ứng dụng phần mềm trong các buổi hội chẩn hàng tuần. Trong tuần, mỗi khoa sẽ chọn và nhập dữ liệu bệnh án ít nhất 5 trường hợp bệnh lý lâm sàng để có thể đưa vào ứng dụng sử dụng phần mềm. Trước mắt, các khoa: Nội 1, Nội 4, Ngoại 2, Ngoại 4, Xạ 4, Chăm sóc giảm nhẹ sẽ được ưu tiên triển khai ứng dụng phần mềm trong điều trị cho người bệnh.
Với những dữ liệu ứng dụng phần mềm này, bệnh viện sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá việc tư vấn và hỗ trợ của phần mềm cho các bác sĩ trong việc lựa chọn, đưa ra phác đồ điều trị bệnh ung thư phù hợp với người bệnh. Từ đó, Hội đồng chuyên gia thẩm định và quyết định phương án triển khai trong thời gian tới tại bệnh viện. Việc ứng dụng này sẽ mở rộng trên các bệnh lý được phần mềm hỗ trợ như các bệnh ung thư: vú, đại tràng, trực tràng, phổi, gan, dạ dày, tuyến giáp, cổ tử cung.
Đánh giá hiệu quả bước đầu thử nghiệm phần mềm trí tuệ nhân tạo, Hội đồng chuyên gia của bệnh viện cho rằng: hệ thống phần mềm có ưu điểm giúp các bác sĩ có thể cập nhật những phác đồ mới, bổ sung thêm thông tin và hạn chế những sai sót trong quá trình điều trị; đưa ra được các gợi ý điều trị cho hầu hết các giai đoạn, có hỗ trợ khá chuyên sâu về các phác đồ hóa trị, nội tiết; hỗ trợ tìm kiếm tài liệu một cách nhanh nhất; phát huy tối ưu hiệu quả khi áp dụng mô hình hội đồng chuyên gia.
Vân Sơn
(Ảnh: bệnh viện cung cấp)