1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trị bệnh bằng cua bể

Cua bể có thể trị đái dầm, liệt dương... nhưng phải được chế biến ngay khi còn tươi, nếu để cua chết, chất đạm trong cua dễ bị thối nát làm giảm hẳn hương vị và có thể gây độc hại cho cơ thể. Những người hay bị dị ứng cua, nổi mẩn ngứa ngáy không nên dùng.

Mang cua biển

(lớp xốp hình vảy dài phủ lên mình cua, nằm dưới mai)

 

Gỡ mang khỏi mình cua, rửa sạch, lấy 20 - 30g, luộc chín cho trẻ ăn đều đặn hàng ngày (liền 15 - 30 ngày) để chữa chứng đái dầm.

 

Thịt cua bể

 

Có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, sinh huyết, tán ứ, giảm đau, thông kinh lạc, bổ xương tủy. Ăn nướng hoặc luộc đều rất tốt cho cơ thể đang phát triển ở trẻ nhỏ và tình trạng suy yếu ở người cao tuổi.

 

Thịt cua bể nấu với hoài sơn, ý dĩ, sâm bố chính, hạt sen là món ăn - vị thuốc rất thích hợp với cơ thể nóng trong, kém ăn, đái rắt. Cua bể làm sạch, ngâm vào rượu khoảng 5-10 phút, rồi vớt ra, luộc ăn hàng ngày là thuốc tăng cường khí huyết, sinh lực chữa chứng liệt dương.

 

Mai cua bể

 

Đập vỡ vụn, sao tồn tính, tán bột, uống với rượu hâm nóng làm 2 - 3 lần trong ngày chữa chứng đau bụng ở phụ nữ sau khi đẻ. Để chữa sưng tấy, lấy mai cua biển 5 cái phối hợp với xuyên sơn giáp 10g, gai bồ kết 7 cái. Tất cả sao vàng, tán nhỏ, rây bột mịn, uống trong ngày với rượu hâm nóng.

 

Vỏ cua bể

 

Có chất cyanocristalin có màu xanh ở cua sống, khi bị đun nóng, chất này sẽ chuyển thành hỗn hợp caroten là zooerythrin có màu  đỏ gạch. Ngoài ra, vỏ cua còn chứa polysaccharid là chitin mà khi chiết tách đem diacetyl hóa thành chitosan được dùng làm thuốc chữa bỏng và kích thích miễn dịch.

 

Theo Sức khỏe & Đời sống