1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ tự tử, trầm cảm vì... cách dạy của cha mẹ

(Dân trí) - Vào facebook của cô con gái 12 tuổi, người cha bàng hoàng khi đọc dòng chữ “tôi thù cha mẹ tôi”. Phương pháp giáo dục lệch lạc của nhiều phụ huynh đang khiến con trẻ rơi vào trạng thái khủng hoảng, trầm cảm hoặc “tuyên chiến” với chính cha mẹ mình.

Những phản ứng tiêu cực của con trẻ

Nghiện game nên học hành xuống dốc, bé gái N.T.T (13 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) bị cha mẹ la rầy bắt bỏ game. Tức tối với việc bị phụ huynh cấm đoán, bé T.T mua xăng tưới lên người tự thiêu. Cháu được chuyển tới bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu hồi đầu tuần qua trong tình trạng bỏng 90% cơ thể. Do bị bỏng quá nặng không thể phục hồi nên gia đình xin cho bé về.

Một trường hợp khác là bé N.N.T (13 tuổi, ngụ tại Long An) đã nhảy từ lan can lầu 1 xuống đất sau khi bị bố giằng điện thoại và “bợp tai” để răn dạy vì nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn liên tục nhắn tin trong đêm khuya. May mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng hành động dại dột khiến bệnh nhi bị gãy, lún đốt sống thắt lưng với nguy cơ gặp di chứng nặng nề.

Tự tử có thể là hệ quả của việc thiếu ý thực tự lập
Tự tử có thể là hệ quả của việc thiếu ý thực tự lập

Theo Thạc sĩ tâm lý Kiều Thanh Hà (khoa Tâm lý, bệnh viện Nhi Đồng 2), bên cạnh những phản ứng quyết liệt và tiêu cực ở trẻ, trong quá trình điều trị bà gặp nhiều bệnh nhi bị trầm cảm vì các giáo dục của gia đình. “Hiện tôi đang điều trị cho trường hợp của bệnh nhi N.T.T. (12 tuổi, ngụ tại TPHCM) theo thông tin từ gia đình, thời gian gần đây bé có biểu hiện khác thường, lầm lì ít nói, ít tiếp xúc với người khác”.

Tìm hiểu nguyên nhân được biết, cha mẹ cháu rất kỹ lưỡng trong việc nuôi dạy con. Từ nhỏ, tất cả những gì liên quan đến bé đều được kiểm soát, thức ăn của cháu cha mẹ cũng nếm thử trước khi cho con ăn, quần áo cũng ngửi mùi trước khi cho cháu mặc… Khi con đi học, phụ huynh mở rộng phạm vi giám sát sang các hoạt động khác như điện thoại, thư từ, bạn bè kể cả trang thông tin cá nhân trên internet của trẻ.

“Khi thấy trẻ có biểu hiện lạ, người cha vào kiểm tra facebook của con. Anh bàng hoàng đọc dòng chữ con mình viết “Tôi thù cha mẹ tôi”. Sau những thương lượng bất thành với bé, họ cho rằng con mình đang gặp vấn đề về tâm lý nên đưa vào bệnh viện.”, Thạc sĩ Thanh Hà cho biết.

Cần tế nhị trong cách giáo dục trẻ

Trẻ em như búp trên cành, tâm hồn các bé như tờ giấy trắng. Tuy nhiên, không phải người lớn muốn uốn, muốn vẽ như thế nào cũng được. Theo phân tích của Thạc sĩ Kiều Thanh Hà: “Từ khi được mẹ sinh ra, trẻ đã khẳng định sự độc lập của mình. Người lớn cần tôn trọng sự độc lập của con trẻ và định hướng cho các bé phát triển. Việc giáo dục không thể theo công thức, mọi hành vi giáo dục theo hướng bạo lực, áp đặt hoặc nuông chiều… đều có thể bị phản tác dụng.”

Thạc sĩ Thanh Hà khuyến cáo cha mẹ nên tế nhị trong cách giáo dục con trẻ
Thạc sĩ Thanh Hà khuyến cáo cha mẹ nên tế nhị trong cách giáo dục con trẻ

Thạc sĩ Thanh Hà cho biết, hiện thế giới đã công nhận và phát triển giáo dục theo 8 loại hình trí thông minh và năng lực ở trẻ (ngôn ngữ; suy luận - tư duy; không gian - thị giác; âm nhạc – thính giác; vận động – xúc giác; tương tác; nội tâm; tự nhiên). Tuy nhiên, đến nay tại Việt Nam mới chỉ phổ biến hai loại hình trí thông minh ngôn ngữ và suy luận - tư duy. Chính vì thế, khi trẻ có thiên hướng phát triển trí thông minh theo những loại hình còn lại đã không được hiểu đúng và định hướng đúng. Khi đến trường, nhiều trẻ còn bị giáo viên liệt vào dạng cá biệt bởi những suy nghĩ và hành động bị cho là “khác người”.

Lý giải cho xu hướng tự tử và phản ứng tiêu cực ngày càng xuất hiện nhiều ở con trẻ, Thạc sĩ Kiều Thanh Hà cho rằng: Hầu hết các trường hợp đáng tiếc đều xảy ra ở trẻ trong tuổi dậy thì (bé gái 9 đến 14, bé trai 12 đến 15). Đó là hành động nông nổi mang tính cấp thời khi trẻ bị tác động bởi gia đình hoặc xã hội. Trẻ chưa ý thức được những nguy hiểm trong hành động của mình, hành vi tự tử chỉ đơn thuần là sự bắt chước trên phim ảnh hoặc thông tin báo chí. Phản ứng tiêu cực cho thấy trẻ đang phải sống trong môi trường không phù hợp, thiếu tự tin, thiếu lựa chọn. Đây có thể là hệ quả của việc trẻ không được giáo dục ý thức tự lập”.

Trẻ trong độ tuổi dậy thì thường muốn khẳng định cái tôi của mình và có nhu cầu được người khác tôn trọng nên muốn thảo luận, thương lượng với cha mẹ như người lớn. Các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên trao đổi để nắm bắt tâm sinh lý của trẻ, đồng thời xem lại phương pháp giáo dục của mình, thay đổi nhận thức để đánh giá đúng tâm lý ở trẻ từ đó có định hướng cho phù hợp với thiên hướng phát triển của con em mình.

Vân Sơn