1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ phải trả phí khi sử dụng ngân hàng sữa mẹ

(Dân trí) - Nguồn sữa mẹ cung cấp cho ngân hàng được tình nguyện hiến tặng từ cộng đồng. Tuy nhiên, những trẻ muốn sử dụng ngân hàng sữa mẹ sẽ phải trả phí. Phía bệnh viện cho biết, khoản phí được thu là để bù đắp cho các dịch vụ xử lý, bảo quản từ sữa thô đến thành phẩm.

Ngân hàng sữa mẹ là phi lợi nhuận, không phải miễn phí

Sữa mẹ, cứu cánh cho trẻ sinh non tháng

Tại Bệnh viện Từ Dũ, TPHCM mỗi năm có khoảng 70.000 ca sinh, hàng nghìn trẻ sinh non tháng tại bệnh viện và các tuyến (từ Đà Nẵng tới Cà Mau) chuyển đến chăm sóc, điều trị. Trẻ sinh non là nhóm bệnh nhi phải đối mặt với nguy cơ viêm ruột hoại tử, tỷ lệ tử vong cao hoặc để lại nhiều hậu quả cho sự phát triển cả thể chất và trí tuệ suốt phần đời còn lại.

Trẻ phải trả phí khi sử dụng ngân hàng sữa mẹ - 1

Nhiều trẻ sinh ra không có may mắn được bú sữa mẹ

GS.TS Nguyễn Viết Tiến Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay: “Trong thực tiễn rất nhiều trẻ sinh ra nhưng không có may mắn được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mẹ vì nhiều lý do khác nhau như người mẹ qua đời, người mẹ không có điều kiện cho con bú hoặc mẹ có những bệnh lý không thể cho con dùng nguồn sữa của mình... đây là những thiệt thòi rất lớn cho thế hệ tương lai của đất nước”.

Ngoài những giá trị về dinh dưỡng, trong sữa mẹ còn có nguồn kháng thể vô cùng phong phú, đặc biệt quan trọng đối với trẻ trong 6 tháng đầu đời khi hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh. Với những trẻ sinh non tháng, điều đó càng trở nên quan trọng, là tiền đề giúp các bé vượt qua được bệnh tật nguy hiểm. Ngay cả những trẻ chào đời khỏe mạnh nếu cha mẹ bỏ tiền mua chất dinh dưỡng, mua sữa công thức để nuôi con thì nguy cơ bị bệnh ở các bé này vẫn cao hơn rất nhiều so với những trẻ được mẹ nuôi bằng chính nguồn sữa của mẹ.

Trẻ phải trả phí khi sử dụng ngân hàng sữa mẹ - 2

Không được bú mẹ sẽ gia tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ nhỏ

Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Y tế Việt Nam và các bệnh viện sản – nhi đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích, tầm quan trọng của việc nuôi con bằng sữa mẹ. Bên cạnh đó, ngành y tế và các tổ chức xã hội đang xúc tiến xây dựng mạng lưới ngân hàng sữa mẹ để tạo điều kiện thuận lợi cho những người mẹ có con nhỏ được nuôi con bằng chính nguồn sữa của mình đặc biệt là những trẻ sinh non, trẻ mất mẹ có cơ hội tiếp cận với nguồn sữa mẹ trong cộng đồng.

Cần Bảo hiểm Y tế trả phí khi trẻ sử dụng ngân hàng sữa

Sau ngân hàng sữa mẹ đầu tiên được triển khai tại Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng, ngày 10/4 ngân hàng sữa mẹ thứ 2 trên cả nước chính thức đi vào hoạt động tại Bệnh viện Từ Dũ. Theo thống kê của ngân hàng sữa mẹ tại Đà Nẵng, sau 2 năm vận hành, tại đây đã cung cấp khoảng 4.000 lít sữa mẹ cho hơn 7.200 trẻ, trong đó có 2.600 trẻ sinh non, nhẹ cân, bị bệnh lý.

Trẻ phải trả phí khi sử dụng ngân hàng sữa mẹ - 3

Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của khu vực phía Nam đặt tại Bệnh viện Từ Dũ

Năm 2016, trước khi có ngân hàng sữa mẹ, khoảng 30% trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý nằm tại khoa nhi sơ sinh Bệnh viện Sản – Nhi Đà Nẵng phải dùng sữa công thức trong hai ngày đầu. Từ năm 2017 tới nay ngân hàng sữa mẹ hoạt động, gần 100% trẻ không phải dùng đến sữa công thức trong 2 ngày đầu sau sinh. Thực tế theo dõi, điều trị của bệnh viện cho thấy, việc sử dụng sữa công thức và sữa bà mẹ khác (chưa qua thanh trùng) trong 14 ngày đầu đời của các trẻ sinh non, nhẹ cân đã giúp trẻ giảm các bệnh lý đồng thời nâng cao nhận thức của phụ huynh về tầm quan trọng từ nuôi con bằng sữa mẹ.

Tại TPHCM ngân hàng sữa mẹ sẽ được vận hành trên cơ sở thu nhận nguồn sữa tự nguyện hiến tặng từ các bà mẹ đang nuôi con nhỏ bằng nguồn sữa của mình và không nhận phí. BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho hay: Nhu cầu sử dụng sữa mẹ rất lớn đặc biệt là nhóm trẻ sinh non. Làm sao có được nguồn sữa mẹ hiến tặng vừa đáp ứng được số lượng ổn định, chất lượng tốt (đã loại trừ sữa từ những bà mẹ bị viêm gan siêu vi, HIV…) là yếu tố rất quan trọng. Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ là hoạt động phi lợi nhuận, không đặt vấn đề lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, người sử dụng nguồn sữa mẹ từ ngân hàng sữa mẹ sẽ phải trả một khoản phí đủ để bù đắp cho quy trình xử lý, bảo quản từ sữa thô đến sữa thành phẩm.  

Trẻ phải trả phí khi sử dụng ngân hàng sữa mẹ - 4

Trẻ sử dụng ngân hàng sữa mẹ cần được Bảo hiểm Y tế thanh toán

Để các ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam hỗ trợ tốt nhất cho trẻ, ông Roger Mathisen, Giám đốc Dự án Nuôi dưỡng và Phát triển (Alive & Thrive) Khu vực Đông Nam Á cho rằng: “Hiện ngân hàng sữa mẹ là dịch vụ được đồng chi trả bởi sản phụ và gia đình sau khi đã có những hỗ trợ vật tư, nhân lực từ bệnh viện cùng Alive & Thrive. Về lâu dài, sữa mẹ thanh trùng cho trẻ nguy cơ cao cần được bảo hiểm y tế chi trả như sản phẩm y tế có nguồn gốc từ con người cho trẻ sinh non, nhẹ cân, bệnh lý”.

“Những người mẹ đang nuôi con nhỏ có nguồn sữa dồi dào nên tình nguyện hiến cho ngân hàng sữa mẹ. Hành động nhân văn, nhân ái này là vô cùng quý giá, giúp các bé cần nguồn sữa mẹ có điều kiện phát triển tốt thể chất, phòng ngừa được bệnh tật. Hành động cho sữa giúp cho các bà mẹ có cuộc sống thoải mái về mặt tư tưởng đồng thời tránh được tình trạng tắc tia sữa, áp xe vú do căng sữa gây ra” – GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Vân Sơn