Trẻ chậm nói do xem tivi

Số trẻ chậm nói đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM ngày càng tăng. Ít ai biết, một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm nói là do xem truyền hình quá nhiều.

Anh T.H.B, ngụ ở quận Tân Bình,TPHCM, đưa con trai đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 khám với lý do đã 3 tuổi mà con anh vẫn chưa nói được tiếng nào. Không chỉ vậy, cháu ngày càng tỏ ra nóng nảy, hung hãn. Muốn người khác làm gì, cháu lấy tay chỉ, nếu không làm theo, hoặc không hiểu ý là cháu xông vào cắn. Các bác sĩ tìm hiểu những thông tin liên quan đến cháu bé thì được biết cha cháu thường xuyên xem các phim kinh dị, đánh đấm. Ngay từ nhỏ, cháu thường cũng cùng cha xem những loại phim này.

 

Ở đâu cũng xem truyền hình

 

Chị M.T.T, ngụ ở Q1, TPHCM đưa con đến BV Nhi Đồng 1 khám với lý do con chị mới được 5 tháng tuổi nhưng ngày nào cũng thức đến 12 giờ đêm mới chịu ngủ. Khi bác sĩ tìm hiểu về chế độ sinh hoạt của gia đình thì được biết chồng chị thường xuyên chơi game online ngay trong phòng ngủ đến tận khuya. Bác sĩ cho rằng chính âm thanh, ánh sáng của màn hình đã làm trẻ khó ngủ. Nghe bác sĩ phân tích, chị T. công nhận có một số ngày chồng chị đi ngủ sớm thì con chị cũng ngủ sớm theo.

 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, BV Nhi Đồng 1, cho biết số trẻ em bị chậm nói đến BV Nhi Đồng 1 điều trị ngày càng gia tăng, trong đó 100% trẻ chậm nói đều được các gia đình kể đã cho trẻ xem truyền hình nhiều. Chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp, Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 2, xác nhận: Thời gian gần đây, khoa cũng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ chậm nói do xem truyền hình quá nhiều. Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận, trẻ mới được vài tháng tuổi đã được cho “làm quen” với truyền hình.

 

Nhiều người còn nghĩ truyền hình là một công cụ tốt để giúp trẻ trở nên ngoan hơn. Trẻ hơn 1 tuổi (khi đã biết đi) thường rất hiếu động, quậy phá, tuy nhiên, khi cho xem truyền hình lại ngoan ngoãn ngồi yên. Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận truyền hình đã đi song hành cũng với bữa ăn của trẻ. Họ cho rằng trẻ chỉ chịu ăn khi đã mải say sưa với tiếng hát của Xuân Mai hoặc những bộ phim hoạt hình. Một số ông bố cũng thành thật kể với bác sĩ, chuyên gia tâm lý là họ rất mê phim đánh đấm, chơi game online... nhưng chỉ nghĩ dành riêng cho họ mà không biết rằng đã làm ảnh hưởng đến con họ cạnh đó.

 

Hiện nay, tại các nhà trẻ và trường mẫu giáo, trẻ cũng được cho xem truyền hình quá nhiều.

 

Ảnh hưởng xấu đến tâm, sinh lý

 

Bác sĩ Ngọc Thanh cho biết Hàn lâm Viện Nhi khoa Hoa Kỳ đã khuyến cáo trẻ dưới 2 tuổi không được xem truyền hình vì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Trẻ 2-5 tuổi cũng chỉ nên xem tối đa 1 giờ/ngày. Bác sĩ Thanh cho rằng ở lứa tuổi mẫu giáo, trẻ có thể được tiếp cận với chữ số và âm nhạc trong các chương trình dành cho thiếu nhi với điều kiện là phải có người thân giao tiếp với trẻ chứ truyền hình không thể thay thế được việc đọc cho nghe hoặc chơi - những điều rất cần thiết cho lứa tuổi này. Với trẻ nhỏ, tuyệt đối không nên cho xem truyền hình vì những âm thanh thường kích thích quá đáng tới màng nhĩ của trẻ. Trẻ bị kích thích liên tục sẽ có biểu hiện khóc đêm, rối loạn giấc ngủ, biếng ăn, không tăng trưởng, chậm phát triển nhận thức.

 

Chuyên gia tâm lý Ngô Xuân Điệp phân tích, trẻ xem truyền hình nhiều sẽ chỉ có thông tin một chiều. Có thể trẻ vẫn nghe hiểu tốt nhưng không có phản xạ ngược lại và lâu dần sẽ làm chậm nói. Trẻ chậm phát triển về ngôn ngữ sẽ kéo theo chậm phát triển về trí tuệ do không có điều kiện phản ứng. Trẻ xem truyền hình quá nhiều còn có nhiều nguy cơ mắc bệnh béo phì, cận thị, hiếu động,...

 

Nhiều người cho rằng trẻ xem phim hoạt hình sẽ không có hại. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thanh, ngay trong phim hoạt hình mà có những cảnh đấm đá, giết hại nhau cũng gây ảnh hưởng xấu tới trẻ. Còn với những hình ảnh bạo lực trong những bộ phim nhiều giờ trong tuần sẽ khiến trẻ có những hành vi bạo lực như đánh, đấm, cắn cha mẹ, anh chị em, bạn bè. Mặt khác, trẻ không chỉ có những hành vi bạo lực mà cảm xúc sẽ bị cùn mòn. Với những bộ phim có hình ảnh khơi dục sẽ làm trẻ có những hành động kích dục như thích sờ bộ phận sinh dục, thủ dâm khi lớn.

 

Video, trò chơi điện tử, Internet cũng có tác hại tương tự

 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh khuyên, khi cho trẻ trên 2 tuổi xem truyền hình, cha mẹ cần chọn lọc chương trình phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Khi hết chương trình cho trẻ nhỏ thì nên tắt TV. Dù là phim hoạt hình nhưng có những cảnh bạo lực cũng không nên cho trẻ xem. Những hình thức khác như video, trò chơi điện tử, Internet cũng có những tác hại tương đương với truyền hình.

 

Nên cho trẻ giải trí bằng những sinh hoạt bổ ích như: đọc sách, kể chuyện, chơi thể thao ngoài trời, tô màu, nấu ăn, trò chơi lắp ráp, chơi với bạn cùng lứa tuổi.

 

Theo Thùy Dương

Người lao động