1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ bị bạo hành rất dễ bị trầm cảm

Trong các ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc về việc hai bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, phường Hiệp Bình, quận Thủ Đức, TP HCM đã đối xử rất thô bạo với các trẻ em. Các chuyên gia tâm lý đều khẳng định, việc trẻ bị bạo hành tại cơ sở này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm lý của trẻ sau này.

Phóng viên VOV online phỏng vấn Ths - BS Quách Thúy Minh, nguyên Trưởng khoa Tâm bệnh Bệnh viện Nhi Trung ương liên quan đến vấn đề này.

 

Bác sĩ có thể cho biết cụ thể việc trẻ bị bạo hành sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý sau này như thế nào?

 

BS Quách Thúy Minh: Là bác sĩ tâm lý trẻ em, tôi thấy rằng, việc bạo hành trẻ em ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý đứa trẻ. Đó là tổn thương về thể xác lẫn tinh thần.

 

Tổn thương về thể xác chúng ta có thể dễ dàng quan sát còn tổn thương về mặt tinh thần được thể hiện như: trẻ hoảng sợ, ngủ không ngon giấc, sợ đi học, rối loạn tâm lý và cảm xúc; thu mình, sợ hãi hoặc hung hăng, chống đối, mất thăng bằng…

 

Trẻ bị bạo hành rất dễ bị trầm cảm

Hình ảnh bảo mẫu tại cơ sở mầm non tư thục Phương Anh, phường Hiệp Bình, quận Thủ Đức bạo hành trẻ (ảnh: GDXH)

 

Nếu lạm dụng đánh đập như vậy về lâu dài đứa trẻ cảm thấy sợ hãi môi trường xung quanh không an toàn, làm cho trẻ mất lòng tin, lo âu, tự ti, trầm cảm. Sau này lớn lên, trẻ sống khép kín, ngại giao tiếp, có thể có hành vi chống đối xã hội, bạo lực (tham gia các băng nhóm xã hội, đua xe, nghiện điện tử, bỏ nhà đi…). Những trẻ khác nặng nề hơn có thể bị bệnh trầm cảm, mất khả năng trong cuộc sống.

 

Vậy làm thế nào để phòng ngừa trẻ khỏi bị bạo hành, thưa bác sĩ?

 

Để phòng và tránh cho trẻ khỏi bị bạo hành, các bậc phụ huynh nên gửi con đến cơ sở trông giữ trẻ, mẫu giáo có điều kiện vật chất khang trang, giáo viên được đào tạo bài bản, có tình thương yêu đứa trẻ…

 

Điều đặc biệt, giáo viên và phụ huynh phải thường xuyên trao đổi với nhau để nắm được tình hình của đứa trẻ. Phụ huynh nên thông báo giáo viên về tình trạng của con em mình cũng như tính cách của đứa trẻ.

 

Hiện các cơ sở mầm non, tình trạng học sinh quá đông, mỗi lớp 40-50 học sinh mà chỉ có 2 cô giáo như thế là quá tải. Các cháu lười ăn, nghịch ngợm làm cho các cô mất thời gian, vất vả, quá sức trong khi muốn hoàn thành công việc nhanh chóng nên dễ có hành vi bạo lực. Vì vậy, giáo viên phải có biết kiềm chế và có tình thương yêu con trẻ là điều cần thiết.

 

Về phía gia đình, nếu con mình có những hành vi như trên thì chúng ta có thể trao đổi với giáo viên, giúp các cháu chấp hành nội quy sinh hoạt của nhà trường.

 

Nếu cháu ăn uống chậm chúng ta cũng nên tập luyện ở nhà, hướng dẫn con, dạy bảo con đến lớp nghe lời cô. Ví dụ: nếu cháu khóc chúng ta nên hỏi con tại sao con khóc? Con có thích học không? Khuyến khích các cháu kể chuyện ở trường, lớp...

 

Nói tóm lại, nếu con bị vết thâm tím hay thể lực yếu, có vấn đề chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra còn về mặt tâm lý thì cha mẹ khó nhận biết.

 

 Nếu thấy cháu có các biểu hiện như: thay đổi tính tình, không thích đi học, hung hăng chống đối, ác mộng, giật mình quấy khóc… hay các biểu hiện: rối loạn ăn ngủ, rối loạn sinh lý bình thường, hành vi, cảm xúc… chúng ta phải hỏi cô giáo ngay hoặc cho con đi khám chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa tâm lý.

 

Chúng ta phải thường xuyên quan tâm, theo dõi con trẻ và biện pháp giáo dục tốt nhất để trẻ phát triển về thể chất và tấm lý sau này lớn lên con trở nên tự tin, trở thành người có ích cho xã hội.

 

Thưa bác sĩ, đối với những trẻ không may bị bạo hành, việc chăm sóc nên như thế nào?

 

Đối với các cháu không may bị bạo hành, chúng ta tạm thời cho trẻ nghỉ học (nếu nhẹ) hoặc chuyển trường (nếu nặng).

 

Ngoài ra, chúng ta cũng dành thời gian cho cháu thích nghi dần dần, gần gũi, có tình thương và cùng chơi với trẻ (kể chuyện, đi bộ, nghe nhạc cùng con…).

 

Chúng ta cũng có thể rủ các trẻ em khác đến chơi với con em mình, tránh làm cho con căng thẳng.

 

Thông qua những sinh hoạt hàng ngày giúp con giải tỏa stress, hoạt động bình thường, vui chơi với các bạn quên dần sang chấn tâm lý mà cháu gặp phải.

 

Bên cạnh đó, nếu việc giải tỏa gặp khó khăn, chúng ta có thể đưa con đến bác sĩ tâm lý, giúp con giải tỏa những bức xúc, giải tỏa căng thẳng, vui vẻ trở lại bình thường.

 

Ths - BS Quách Thúy Minh là chuyên gia về Nội nhi và Thần Kinh Nhi và có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc tại khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung Ương.

 

Bác sĩ là chuyên gia về: Khám và đánh giá về tâm bệnh lý trẻ em như: tự kỷ, rối loạn lo âu, trầm cảm, chậm phát triển trí tuệ...

Thưa bác sĩ trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh rất khắc nghiệt trong việc dạy dỗ con cái vì cho rằng muốn con nên người thì phải dùng biện pháp cứng rắn, đôi khi họ cũng mắng chửi hay đánh đập con cái. Liệu các biện pháp đó có ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ sau này hay không?

 

Chúng tôi từng có các điều tra trong cộng đồng: tỷ lệ cha mẹ hay đánh mắng con cái vì không chịu học hoặc không chịu ăn, áp lực quá mạnh với con... rất cao.

 

 Thực ra, chúng ta hay nêu ra hiện tượng là bạo hành do người khác thực hiện nhưng chính các cha mẹ cũng không ý thức được việc mình đối xử với con mình như thế (mắng mỏ, đánh đập…) đấy chính là bạo hành - bạo hành với trẻ nhỏ trong gia đình.

 

Các bậc phụ huynh cứ nghĩ rằng, dạy con cái phải nghiêm khắc. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, sự nghiêm khắc khác hẳn khắc nghiệt. Khắc nghiệt chưa chắc mang lại hiệu quả tốt. Chúng ta phải làm thế nào để con trẻ nhận ra khuyết điểm chứ không phải "đánh cho nó chừa". Cách làm này sẽ làm cho trẻ cảm thấy ghét bố mẹ, không yêu mình, tâm lý bức xúc dồn nén và trở nên lì lợm dẫn đến không nghe lời bố mẹ.

Cho nên, chính cha mẹ chúng ta phải ý thức được hành vi của mình, hành vi giáo dục con cái, tránh mắng mỏ, tránh búc xúc dồn nén ở nơi khác rồi về lại đánh mắng con. Bản thân chúng ta có điều gì không vừa ý lại đánh con. Điều đó nên tránh.

 

Theo tôi, chúng ta nhẹ nhàng khuyên bảo con sẽ hiệu quả hơn là đánh, mắng. Trước khi chúng ta làm gì, chúng ta nên nói trước cho con hiểu, chuẩn bị tâm lý trước cho con thì sẽ tốt hơn.

 

Trong quá trình khám và điều trị tâm lý cho trẻ, chúng tôi gặp nhiều trường hợp cha mẹ mắng mỏ, trừng phạt con cái. Những trường hợp như vậy, chúng tôi dùng thuốc ít hiệu quả mà phải liệu pháp tâm lý giúp trẻ nhận thức và gia đình hợp tác với bác sĩ để giúp trẻ.

 

Xin cảm ơn bác sĩ!.

 

Theo Thu Thủy

VOV online