TPHCM: Phát hiện chất phụ gia độc hại trong nước mắm
Chiều 6/6, đoàn kiểm tra của Sở Y tế TPHCM đã tiến hành kiểm tra cơ sở Thanh Phong (441/24 khu phố 6, Bình Trị Đông, Bình Tân) và phát hiện chủ cơ sở dùng đường hóa học Sodium Clymate, loại phụ gia ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, để pha chế nước mắm.
Đoàn đã tịch thu và hủy tại chỗ 2 bịch phụ gia này, trọng lượng 85gr/bịch. Ngoài sodium clymate, hầu hết các cơ sở đều sử dụng siêu bột ngọt và các phụ gia khác như chất tạo màu, chất ổn định, đường hóa học nhưng không công bố hàm lượng trên nhãn hiệu. Ghi nhận của đoàn cũng cho thấy, hầu hết các cơ sở đều vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn trong sản xuất, không đảm bảo quy trình sản xuất khép kín, nhà xưởng còn rất bầy hầy.
Hầu hết sản phẩm được vô chai, đóng gói ngay dưới nền đất, các khu vệ sinh súc chai, sơ chế, đóng gói đều lẫn lộn.
Nhiều nơi, nhà vệ sinh thông với khu để nguyên liệu đầu vào, thậm chí nhiều can nước mắm bán thành phẩm được để ngay trên lối vào nhà vệ sinh rất nhếch nhác.
Việc súc rửa chai không đảm bảo theo đúng quy định, tại cơ sở Thanh Phong, các vỏ chai chỉ được súc rửa sơ bằng nước lạnh và phơi qua rồi vô chai, đóng gói, không qua khâu hấp chai.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở cơ sở Thuận Hiệp cũng không khá hơn. Khu súc rửa chai ở đây rất bẩn và ẩm thấp. Ngay trong khu làm sạch chai khoảng 20 m2, giẻ lau được treo khắp nơi. Bên cạnh đó là thang leo, dây xích, bếp gas, thùng giấy, máy móc, axít... Ngoài những chai lọ dơ, nơi đây còn có nhiều hóa chất khác như soda, caramen, màu và cả... nhớt. Kinh khủng nhất là hồ nước cao quá đầu người dùng làm nước súc chai, nhưng bên trong có nhiều xác gián. Trong góc phòng ẩm thấp này là một bao axít khô, đang dùng dở mà phần bao ngoài đã mục, còn phần miệng bao thì bám đầy cáu bẩn. Cả cống thoát nước cũng không có nắp đậy trong khi nước mắm chưa ra thành phẩm, chờ đóng chai để dọc hành lang và nhà vệ sinh.
Đa số các cơ sở sử dụng nguyên liệu, phụ gia không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu.
Ngoài ra, trên bao bì của nhiều nhãn hiệu nước mắmghi thành phần gồm cá cơm, muối, acid amin, iode, vitamin B1, vitamin B12 và độ đạm. Có nhiều độ đạm khác nhau như 35 độ đạm, 42 độ đạm. Tuy nhiên, khi người trong đoàn hỏi làm sao biết được độ đạm ở mức nào, chủ cơ sở không trả lời được.
Được biết, đến 30/6/2007, nếu các cơ sở không khắc phục kịp thời những yếu kém này, sẽ bị phạt theo quy định.
Theo Sài Gòn giải phóng & Người lao động