TPHCM: Báo động tình trạng thừa cân béo phì
(Dân trí) - Người dân thành phố ăn nhiều chất đường, chất béo bão hòa nhưng ít ăn chất xơ… Sự mất cần đối trong khẩu phần ăn khiến tình trạng thừa cân béo phì tăng nhanh. Phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ em là hai đối tượng dẫn đầu danh sách thừa cân béo phì.
Theo thống kê của Trung tâm Dinh dưỡng thành phố trong những năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng trên địa bàn liên tục được cải thiện, cuối năm 2012 chỉ còn 5,3% trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thấp còi. Nhưng đối lập với bức tranh trên tình trạng thừa cân béo phì của người dân thành phố đang tăng nhanh.
Chỉ tính riêng trẻ dưới 5 tuổi tỷ lệ thừa cân béo phì đã ở mức 11%, trẻ trong độ tuổi đi học bị thừa cân béo phì lên tới 38,5%. Bên cạnh đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì phụ nữ ở tuổi sinh đẻ lên đến 35,7%.
Ngoài ra, thành phố đối diện với một số các bệnh mãn tính không lây như: Đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp, ung thư... Riêng tỷ lệ đái tháo đường ở người trưởng thành lên đến 7%.
Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp Theo Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng cho biết: “Mô hình ăn uống của người dân thành phố đang có chiều hướng phát triển phức tạp, mất cân đối về chất và lượng. Người dân có xu hướng ăn nhiều chất béo bão hòa, chất đường, ít ăn chất xơ. Việc thiếu tập luyện thể dục thể thao đang tạo điều kiện thuận lợi cho tình trạng thừa cân béo phì gia tăng”.
Bên cạnh đó, thành phố đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khác về sức khỏe khi tỷ lệ gia đình dùng muối i-ôt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ đạt 64% thấp so với mục tiêu quốc gia (từ 90% trở lên).
Tại Hội nghị “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tại giai đoạn 2013 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020” thành phố sẽ đầu tư 42,7 tỷ đồng tập trung thực hiện các giải pháp mang tính chiến lược cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng bữa ăn nhằm mục đích nâng cao sức khỏe của người dân.
Vân Sơn