1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tôn vinh 200 người hiến thận tại BV Trung ương Huế

(Dân trí) - Ngày 16/11, BV Trung ương Huế đã tổ chức chương trình “Tôn vinh người hiến thận tự nguyện” nhân kỷ niệm 200 ca ghép thận thành công tại bệnh viện này trong thời gian vừa qua.

Hơn 20 năm, Việt Nam mới chỉ có 1.000 ca ghép thận

Đến dự có PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Thứ trưởng Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và đông đảo y bác sĩ cùng các người hiến thận, được ghép thận thành công tại BV Trung ương Huế.

Ở Việt Nam, ghép thận trên người được tiến hành đầu tiên vào ngày 4/6/1992 tại Học viện Quân y 103 dưới dự hỗ trợ của GS Chue Shue Lee - Chủ tịch Hội ghép tạng Đài Loan. Sau đó tháng 12/1992 Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ghép thận, tiếp sau đó là Bệnh viện Việt Đức thực hiện giữa năm 2000. Tại Bệnh viện Trung ương Huế sau một thời gian dài chuẩn bị chu đáo, được sự chấp thuận của Bộ Y tế và Ủy ban ghép tạng quốc gia cùng các chuyên gia ghép thận trong nước và các chuyên gia Bệnh viện ERASME - Bỉ, Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép đầu tiên vào 31/7/2001.

Tôn vinh 200 người hiến thận tại BV Trung ương Huế

Chương trình “Tôn vinh người hiến thận tự nguyện” nhân kỷ niệm 200 người hiến thận và 200 ca ghép thận thành công ở BV Trung ương Huế

Đến tháng 10/2003, BV đã thực hiện thành công 9 cặp ghép thận và cũng trong năm này Bộ Y tế cho phép BV được độc lập ghép thận. Tuy vậy, sau khi luật hiến tạng ra đời, tình hình hiến tạng từ người cho chết não vẫn không có sự chuyển biến đáng kể do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc ghép thận từ người cho còn sống vẫn là chủ yếu và số ca ghép thận được thực hiện cũng không nhiều.

Theo GS.TS.AHLĐ. Bùi Đức Phú, Giám đốc BV Trung ương Huế, cho đến thời điểm xuất hiện 2 sự kiện quan trọng, khẳng định BV Trung ương Huế là địa chỉ tin cậy trong lãnh vực ghép tạng, từ đó đã gia tăng số ca ghép thận tại BV: Trước tiên là ca ghép tim trên người lấy từ người cho chết não: lúc 22h ngày 1/3/2011, ca phẫu thuật ghép tim được thực hiện tại trung tâm tim mạch bởi chính đội ngũ y bác sĩ BV Trung ương Huế. Bệnh nhân được phẫu thuật ghép tim là Trần Mậu Đức (26 tuổi, trú TP Huế). Cuộc mổ kéo dài trong 5 giờ và kết thúc lúc 3h rạng sáng 2/3/2011 - ngày đi vào lịch sử của bệnh viện.

Tiếp theo đó, ngày 10/7/2012, BV đã phẫu thuật  thành công cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (Cần Thơ) đã cắt hai thận (thận móng ngựa) được chuyển từ một bệnh viện phía Nam chuyển ra Huế để điều trị. Đây là trường hợp hiếm gặp ở Việt Nam, quá trình điều trị kéo dài trải qua 10 lần mổ và kết quả thành công mỹ mãn.

Tôn vinh 200 người hiến thận tại BV Trung ương Huế

GS.TS.AHLĐ. Bùi Đức Phú cho biết, hiện BV chiếm 1/5 tổng số các ca phẫu thuật ghép thận trong nước dù triển khai chậm hơn gần 10 năm

“Từ đây việc ghép thận đã đi vào thường quy, nếu tính từ khi triển khai 2001 đến 2012 chỉ có 63 cặp ghép thận, thì từ 2013 đến tháng 9/2014 có 137 cặp ghép thận. Qua 200 ca mổ lấy thận với tỷ lệ an toàn 100% và 200 ca mổ ghép thận có tỷ lệ thành công 100% với chức năng thận ghép hoạt động tốt trong năm đầu tiên là 100%, là một kết quả hết sức thuyết phục có thể so sánh với các trung tâm ghép thận thế giới. Từ năm 1992 đến nay, các trung tâm ghép ở Việt Nam đã tiến hành khoảng 1.000 ca ghép thận; trong đó, BV Trung ương Huế chiếm 1/5 tổng số ca phẫu thuật dù bệnh viện triển khai chậm hơn gần 10 năm” – GS Phú cho hay.

Còn rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn thận

Tuy nhiên, việc ghép thận cũng đang còn nhiều trăn trở. Theo GS.TS. Bùi Đức Phú, ghép tạng là lựa chọn cuối cùng của bệnh nhân suy tạng giai đoạn cuối. Ở các nước phát triển trình độ văn hóa cao, nguồn tạng hiến chủ yếu lấy từ người chết não, còn ở nước ta chủ yếu từ người sống. Luật Hiến tạng ra đời chưa thật sự đi vào cuộc sống nên sau bao năm chỉ có 12 người chết hiến tạng. Người bệnh thì mòn mỏi suy kiệt lấy bệnh viện làm nhà, thầy thuốc thì sẵn sang cứu chữa nhưng bất lực vì không có nguồn tạng hiến. Sự chênh lệch quá lớn về cung - cầu là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng cò mồi mua bán tạng xuất hiện trong xã hội khá phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta.

Cho nên đã đến lúc cần có sự điều chỉnh về luật định, chính sách, chế độ nhằm đẩy mạnh chương trình tự nguyện hiến tạng khi còn đang sống, quyền cá nhân tự nguyện hiến tạng sau khi chết não. Cần có quy định để hỗ trợ bù đắp một cách thiết thực hơn cho người hiến tạng khi còn sống, bảo đảm họ được duy trì sức khỏe và ổn định đời sống.

Thực tế cho thấy người nhận được hưởng quá nhiều lợi ích, thì tại sao người cho lại chỉ được coi là làm việc thiện, trong khi họ cũng chịu rủi ro về sức khỏe; dù là có mối quan hệ huyết thống hay không huyết thống. Đồng thời cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người dân cởi mở hơn với việc hiến tạng. Việc hiến tạng cho y học hết sức ý nghĩa để cứu giúp những người bệnh đang phải ngày ngày chiến đấu với bệnh tật.

Ê kip các y bác sĩ BV Trung ương Huế đang tiến hành 1 ca ghép thận

Ê kip các y bác sĩ BV Trung ương Huế đang tiến hành 1 ca ghép thận

Một thực tế là nguồn tạng từ người cho chết não là hết sức phong phú nhưng do nhiều vấn đề, quan niệm về tâm linh tôn giáo tín ngưỡng nên chưa được cộng đồng thông hiểu… Vấn đề đặt ra là: nếu vận động được thân nhân của những người chết não hiến tạng, thì sẽ có nguồn tạng quý giá cứu sống cho biết bao người đang mắc những bệnh nan y hiểm nghèo. Nhưng việc động viên được người thân đồng ý hiến tạng của người chết não còn rất khó khăn.

Ví dụ như 1 người chết do chấn thương sọ não vì tai nạn giao thông có thể cứu sống được 7 người bệnh với thận, gan, tim, phổi và tụy tạng của mình. Nhưng thật không dễ dàng cho lời đề nghị hiến tạng, nhất là vào những lúc gia đình người xấu số đang đau buồn nhất, đặc biệt đối với các trường hợp tai nạn giao thông. Và thời gian để có quyết định của gia đình đồng ý hiến tạng cũng là yếu tố quyết định, với tạng người chết não đạt chỉ số kỹ thuật ghép, yêu cầu phải lấy ngay từ lúc chết não được chẩn đoán nghiêm ngặt theo quy trình, vì nếu lấy một thời gian sau chết thì sẽ không còn tác dụng.

GS Phú tâm sự: “Làm thế nào để vận động người thân dễ dàng vượt qua ràng buộc về tâm lý, tâm linh, những rào cản của phong tục, tập quán… cho việc thực hiện nghĩa cử cao đẹp này là một công việc rất khó khăn cho ngành y tế mà ngành đang nỗ lực kêu gọi toàn thể cộng đồng có trách nhiệm trong việc vận động hiến tạng nhân đạo để cứu người.

Vì vậy chương trình hôm nay cũng không ngoài mục đích góp phần tác động cộng đồng thấu hiểu được hành động tự nguyện hiến tạng mang nghĩa cử cao đẹp này xứng đáng được tôn vinh trong xã hội. Nhờ đó có thể thay đổi nếp nghĩ, quan niệm để hình thành phong trào và nhận thức cụ thể việc ‘Hiến tặng tạng, hiến tặng sự sống’ ".

Ê kip các y bác sĩ BV Trung ương Huế đang tiến hành 1 ca ghép thận

Các cá nhân hiến thận được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tiến Quyết (thứ 4 từ phải sang) tặng bằng khen, kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" của Bộ và Bảo hiểm Y tế

Trong buổi lễ, 200 người hiến thận tự nguyện để mang lại kết quả tốt đẹp cho 200 ca ghép thận thành công tại BV Trung ương Huế (tỷ lệ 100%) đã được Bộ Y tế trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” và Thẻ Bảo hiểm y tế. Đồng thời, các thầy giáo, bác sĩ có công đóng góp trong quá trình ghép thận trong hơn 10 năm qua tại BV này cũng đã được khen thưởng, tặng hoa và tôn vinh.

Đại Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm