Tối ưu hóa dữ liệu ung thư, giảm gánh nặng chi phí điều trị ung thư vú

Trường Thịnh

(Dân trí) - Xây dựng hệ thống dữ liệu bệnh nhân là yếu tố quan trọng bật nhất trong việc hoàn thiện một chiến lược phòng chống ung thư vú bao quát và toàn diện.

Từng bước giảm gánh nặng chi phí điều trị Ung thư vú

Vừa qua, Đề án "Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 - 2025" vừa được Tổng hội Y học Việt Nam và Roche Việt Nam ký kết tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của các cơ quan, tổ chức y tế, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Bước đầu, 5 bệnh viện chuyên về ung thư lớn trên cả nước cam kết đồng hành cùng đề án gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị. Góp phần vào mục tiêu chung giúp gia tăng tỷ lệ người bệnh ung thư vú được chẩn đoán ở giai đoạn sớm và gia tăng tỷ lệ người bệnh được chẩn đoán có nguy cơ cao được điều trị với các liệu pháp tiên tiến hằng năm, thúc đẩy nhận thức về thực trạng ung thư vú tại Việt Nam toàn diện và đồng bộ trên cả nước.

Tối ưu hóa dữ liệu ung thư, giảm gánh nặng chi phí điều trị ung thư vú - 1
Tổng hội y học Việt Nam và Roche Việt Nam ký kết hợp tác đề án hỗ trợ người bệnh Ung Thư Vú

Sau 5 năm, sự chung tay giữa các bên được hiện thực qua đề án kỳ vọng tạo ra những thay đổi tích cực mang tính bền vững và ảnh hưởng sâu rộng, góp phần nâng cao khả năng ứng phó với ung thư của Việt Nam.

Tại lễ ký kết, TS Phạm Xuân Dũng, GĐ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ, dù hiện nay trong chẩn đoán có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều bệnh nhân cần điều trị hóa trị hỗ trợ toàn thân, tuy nhiên chi phí điều trị còn đắt đỏ. "Tôi hy vọng chương trình này khi triển khai sẽ giải quyết được bài toán đó, tạo ra niềm tin, hy vọng cho nhiều bệnh nhân ung thư vú", TS Dũng nói.

Tối ưu hóa dữ liệu ung thư, giảm gánh nặng chi phí điều trị ung thư vú - 2
TS Phạm Xuân Dũng, GĐ Bệnh viện Ung bướu TP. HCM phát biểu tại Hội nghị

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ:"Chúng tôi rất vui mừng khi chứng kiến đề án này được ký kết và triển khai. Bởi với những mục tiêu đề ra, căn bệnh ung thư vú sẽ được chẩn đoán, điều trị một cách chuyên sâu và toàn diện; đồng thời chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới bệnh nhân ung thư vú sẽ được phát hiện ra ở giai đoạn sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí trong điều trị.".

Tối ưu hóa dữ liệu ung thư, giảm gánh nặng chi phí điều trị ung thư vú - 3
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại Hội nghị

Theo đó, đề án sẽ triển khai nhiều hoạt động trong giai đoạn 2020 - 2025 bao gồm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh ung thư vú, gia tăng số lượng người được chẩn đoán sớm tại các bệnh viện tham gia Đề án; Tăng cường năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư vú đến năm 2025; Tối ưu hóa dữ liệu sẵn có của bảo hiểm và Viện Ung thư Quốc gia nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chẩn đoán và điều trị ung thư vú.

Xây dựng cơ sở dữ liệu để chữa trị ung thư vú hiệu quả

Nhằm tiếp cận, nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, hệ thống cơ sở dữ liệu y tế đóng vai trò quan trọng, là cơ sở nhằm quản lý tốt bệnh tật nói chung và bệnh ung thư vú nói riêng. Hiện nay tại nước ta, các bệnh viện, tổ chức y tế đều xây dựng cơ sở dữ liệu công phu trong quá trình chẩn đoán và điều trị, nhưng đang hoạt động độc lập và chưa có tính liên kết.

Xây dựng và quản lý tốt hệ thống dữ liệu cũng như tối ưu hóa việc sử dụng dữ liệu về dịch tễ học, ngân sách chi tiêu cho việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị… hỗ trợ rất lớn cho việc phân tích và đánh giá hiệu quả của các chương trình hay đề án quản lý bệnh tật cũng như hỗ trợ cho công tác quản lý, nghiên cứu của các cơ quan và tổ chức y tế trên phạm vi cả nước.

Trong khuôn khổ đề án, "bản đồ bệnh ung thư vú" lần đầu tiên được thiết lập tại Việt Nam. Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam cho biết:"Hiện nay việc lập bản đồ đang được triển khai, phối hợp với BHXH Việt Nam để phối hợp về số liệu đã được mã hóa về cơ cấu bệnh tật, nhóm bệnh, từ đó có thông tin về diễn tiến của bệnh, tỉ lệ mắc trong dân cư, phân bố theo địa giới lãnh thổ, từ đó có định hướng để phòng chống bệnh ung thư vú và các ung thư khác".

Đây là một nguồn cơ sở dữ liệu sơ cấp ban đầu to lớn nhưng vẫn chưa được tối ưu trong quản lý bệnh ung thư. Việc xây dựng và quản lý một hệ thống dữ liệu về ung thư vú trên cơ sở tối ưu hóa và hướng tới khái niệm "dữ liệu thế giới thật" là rất hữu ích cho các nhà quản lý, dịch tễ học và lâm sàng. Nhất là mang đến nhiều giá trị thiết thực hơn cho bệnh nhân ung thư vú.