Tiêm chủng - Giải pháp hiệu quả phòng bệnh lây truyền ở trẻ nhỏ
(Dân trí) - Trong 2 tiếng diễn ra giao lưu, TS.Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ và ThS. BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ, đã giải đáp hơn 20 băn khoăn về bệnh lây truyền mùa đông xuân, tiêm chủng như thế nào để hiệu quả nhất.
Xin mời bạn đọc theo dõi Tư vấn trực tuyến cho các khách mời TẠI ĐÂY
Nguyễn Kiều Anh - Nữ 36 tuổi: Xin hỏi BS Đỗ Thiện Hải, khi bị mắc thuỷ đậu có nhất thiết phải nhập viện không? Tôi thấy hàng xóm nhà tôi chỉ cho con ở nhà bôi xanhmetilen xanh lè khắp tay chân mặt mũi mà lo con mình cũng lây theo. Xin cảm ơn bác sĩ.
ThS. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương): Khi mắc bệnh thủy đậu không nhất thiết phải nhập viện, chỉ nhập viện khi có các biến chứng như viêm phổi, viêm da nhiễm khuẩn, viêm não hoặc sốt cao liên tục không hạ được nhiệt độ, hoặc trẻ sơ sinh...
Bôi xanhmetilen nhằm sát trùng ngoài da, tránh bội nhiễm vi khuẩn và hạn chế lây lan cho trẻ khác.
Dương Lan Chi - Nữ 36 tuổi: Xin hỏi bác sĩ làm cách nào để không bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện? Bởi con tôi rất hay phải đi viện. Mới đây cháu phải nhập viện do viêm phổi nhưng đến ngày thứ 3 thì cháu mắc thêm tiêu chảy. Xin cảm ơn bác sĩ.
ThS. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương):
Khi nằm trong bệnh viện, nguy cơ lây chéo là rất cao. Khi chăm sóc trẻ, phải rửa tay sạch sẽ trước khi pha sữa cho trẻ ăn, thay đồ cho trẻ và hạn chế người ra vào; sử dụng các đồ tiệt trùng của bệnh viện...
Trịnh Hà Linh - Nữ 36 tuổi: Tôi bị viêm gan siêu vi B và con tôi được tiêm vắc xin ngay khi ra đời. Xét nghiệm lúc 12 tháng tuổi cho thấy cháu có sức khoẻ tốt, không có vi rút viêm gan B. Xin hỏi, giờ cháu có phải xét nghiệm để kiểm tra lại không? Xin cảm ơn bác sĩ.
ThS. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương):
Không rõ xét nghiệm lần trước em bé được làm là xét nghiệm gì. Nếu muốn xác định rõ ràng, với trường hợp con chị, nên cho cháu đi làm xét nghiệm xác định tại các trung tâm bệnh nhiệt đới, có xét nghiệm sâu, xác định rõ tình trạng nhiễm vi rút của cháu.
Phan Lệ Hà - Nữ 39 tuổi: Bé nhà em được 25 tháng, đã đi học nhưng rất hay viêm họng, sổ mũi. Có những đợt cháu phải uống kháng sinh hơn 2 tháng liên tục. Cho bé uống nhiều vậy có ảnh hưởng gì tới sức khỏe sau này không? Cách nào phòng bệnh tốt nhất cho cháu?Chân thành cám ơn bác sĩ Hải.
ThS. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương): Không nên cho trẻ uống kháng sinh quá một tuần. Nếu trường hợp phải dùng dài hơn thì phải có các xét nghiệm chứng minh có tình trạng nhiễm khuẩn.
Có thể phòng bệnh cho trẻ bằng cách vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Chú ý khi trẻ ngủ trưa ở trường tránh không để trẻ bị lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột khi từ phòng điều hòa ra ngoài. Ban đêm tránh để trẻ bị lạnh hoặc vã nhiều mồ hôi, đặc biệt là vào lúc nửa đêm, nếu trẻ có mồ hôi phải lau khô cho trẻ ngay. Cần tiêm phòng cho trẻ đầy đủ.
Vũ Hồng Hạnh - Nữ 36 tuổi: Viêm màng não thì trẻ phải có dấu hiệu ói, có phải không? Viêm màng não có sốt không? Khác với sốt ở những loại bệnh khác như thế nào?
ThS. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải – Phó Trưởng khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương): Triệu chứng sốt giống nhau ở hầu hết các bệnh nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm vi rút. Bệnh viêm màng não có sốt. Trong bệnh viêm màng não, hầu hết sẽ có biểu hiện nôn khan (nôn không liên quan đến ăn uống).
Phạm Ánh Linh - Nữ 33 tuổi: Xin hỏi chuyên gia khi xuất hiện dịch bệnh như thuỷ đậu, trẻ có nên đi học? Nếu đi học cần phải làm gì để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh từ bạn cùng lớp?
TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương:
Khi trẻ bị nghi ngờ mắc các bệnh truyền nhiễm nói chung (trong đó có thủy đậu), các bà mẹ nên cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp, đồng thời cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.
Khi trẻ đến lớp cần giữ ấm, giữ vệ sinh cá nhân tốt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đặc biệt, trẻ cần được phải tiêm chủng đầy đủ các loại văc xin theo lịch tiêm chủng để chủ động phòng bệnh.
Trong trường hợp có trẻ bị ốm trong lớp thì nhà trường cần thông báo cho các cơ sở y tế để được hướng dẫn phòng chống dịch bệnh.
Báo Dân trí