Tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong đã giảm xuống dưới 75%

(Dân trí) - “Tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam đã giảm 75% so với năm 1990, hầu hết được đi học tiểu học. Tỉ lệ tiêm chủng cao đã giúp loại trừ bệnh bại liệt vào năm 2000, bệnh uốn ván ở bà mẹ và trẻ sơ sinh vào năm 2005”.

Trẻ em tới nhà trẻ được đảm bảo các điều điện chăm sóc, ăn ở tốt (Lào Cai)
Trẻ em tới nhà trẻ được đảm bảo các điều điện chăm sóc, ăn ở tốt (Lào Cai)

Đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) về một số thành tích nổi bật của Việt Nam nhân Kỷ niệm 25 năm ra đời Công ước bảo vệ quyền trẻ em trên thế giới, chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Unicef tổ chức ngày 4/12 tại Hà Nội,

Theo ông Youssouf Abdel-Jelil, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam, trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện tình hình quyền trẻ em.

Unicef ghi nhận một số giải pháp sáng tạo của Việt Nam thời gian qua: Sản xuất thực phẩm chức năng trị bệnh ăn liền với sự hỗ trợ của Unicef, góp phần tích cực trong điều trị suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em; xây dựng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú ở nơi hẻo lánh; phát động cuộc thi lập trình trên thiết bị di động đầu tiên của Unicef vào năm 2013…

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo với chủ đề “Hình dung mới về tương lai: Đổi mới sáng tạo cho mọi trẻ em” do Unicef công bố ngày 4/12 cũng cho thấy những “bước lùi”: Trên thế giới, quyền của hàng triệu trẻ em vẫn bị vi phạm mỗi ngày, trong đó nhóm 20% trẻ em nghèo nhất có tỷ lệ tử vong dưới 5 tuổi cao gấp hai lần nhóm 20% trẻ em giàu nhất.

Tại Việt Nam, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra việc chưa đạt được những tiến bộ trong tăng trưởng công bằng, vẫn còn những công việc chưa hoàn thành trong phát triển con người liên quan đến người dân tộc thiểu số ở vùng xa, những người di cư lên thành phố và nhóm người dễ bị tổn thương khác.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là sự chia sẻ với trẻ em chưa công bằng, cụ thể: Sự phát triển kinh tế xã hội có lúc chưa tỷ lệ thuận với những ưu đãi dành cho trẻ em; sự thụ hưởng giữa các vùng miền, dân tộc; trẻ bị buộc lao động sớm…

“Chúng ta sống trong một xã hội luôn thay đổi nhanh chóng và Việt Nam đang xây dựng kế hoạch cho trương trình phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020. Trong quá trình này, để giải quyết được những thách thức hiện nay trong công tác chăm sóc bảo vệ trẻ em, chúng ta cần có những suy nghĩ và tư duy mới mẻ, những biện pháp sáng tạo vượt ra khỏi những cách thức truyền thống” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Hoàng Mạnh

Năm 1990, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực châu Á và thứ 2 thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế Quyền trẻ em. Điều này Việt Nam đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt với vấn đề này.