1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tỉ lệ suy dinh dưỡng giảm bền vững tại nhiều tỉnh thành

(Dân trí) - Mặc dù kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em còn thấp, phần lớn dựa vào kinh phí nguồn trung ương nhưng tỷ lệ giảm suy dinh dưỡng cũng đã giảm bền vững tại nhiều tỉnh.

 

Tỉ lệ suy dinh dưỡng giảm bền vững tại nhiều tỉnh thành

Cán bộ y tế đang tư vấn cho người dân về thực phẩm giúp đảm bảo dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn

 

Theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh Ninh Bình ở thể cân nặng/tuổi còn 16,8% (giảm 0,9% so với năm trước), thể chiều cao/tuổi còn 28% (giảm 1,1%)… so với các năm trước, điển hình là các xã Trường Yên, Ninh Vân (Hoa Lư), xã Quảng Lạc (Nho Quan)…

 

Còn tại tỉnh Hà Giang, tỷ lệ trẻ SDD qua các năng giảm trung bình0,2% trong đó tỷ lệ SDDTE dưới 5 tuổi so với năm 2012 theo cân nặng/tuổi giảm 2,94%, chiều cao/tuổi giảm 0,1%.

 

Những thành công này đã góp phần đưa tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm một cách bền vững theo hàng năm từ 36.7% năm 1998 xuống còn 16.2% đối với suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và từ 38.7% xuống còn 26.7% đối với thể thấp còi tính đến năm 2012.

 

Rõ ràng, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ đã luôn được quan tâm thực hiện tốt.

 

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho biết: “Mặc dù kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em còn thấp, phần lớn các tỉnh chủ yếu dựa vào kinh phí nguồn trung ương nhưng tỷ lệ giảm suy dinh dưỡng đã giảm bền vững tại các tỉnh ở cả hai thể là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và suy dinh dưỡng thể thấp còi”.

 

Điển hình là tại Ninh Bình, cùng với việc cung cấp kiến thức về dinh dưỡng, công tác theo dõi tăng trưởng của trẻ được thực hiện thường xuyên tại các xã, phường, thị trấn. Ban chỉ đạo phòng, chống suy dinh dưỡng tỉnh Ninh đã cấp bổ sung 423 thước đo trẻ em và 81 chiếc cân cho các xã, phường, thị trấn để theo dõi sự phát triển của trẻ. Do đó, trẻ em dưới 2 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng được các cộng tác viên y tế thôn, bản theo dõi sự phát triển hàng tháng để kịp thời hướng dẫn cho các bà mẹ về cách nuôi dưỡng trẻ theo từng giai đoạn phát triển. Trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo vào ngày bổ sung uống Vitamin A đợt 1 và 2 để đánh giá thể lực của trẻ và tỷ lệ suy dinh dưỡng hàng năm của các huyện, thành phố, thị xã.

 

Cùng với các hoạt động chuyên môn của ngành Y tế, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng còn nhận được sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp. Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa kiến thức về dinh dưỡng hợp lý vào chương trình giảng dạy trong trường học; phối hợp với ngành Y tế tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, phòng, chống suy dinh dưỡng, phòng, chống thừa cân, béo phì cho đối tượng cán bộ đang làm công tác quản lý tại các trường mầm non. Hội Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cấp Hội lồng ghép các nội dung chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em vào chương trình hoạt động của Hội kết hợp với ngành Dân số, Y tế tổ chức 551 buổi nói chuyện truyền thông về sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc, tổ chức 4 cuộc truyền thông về dân số, kế hoạch hóa gia đình…

 

Công tác phòng, chống suy dinh dưỡng đến được với đối tượng phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các Hội phụ nữ cơ sở đã tổ chức thăm và tặng quà cho trẻ em, đóng góp nhiều ngày công để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường mầm non, vận động các bà mẹ đưa trẻ đi cân, đo và uống Vitamin A. Ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… đã huy động nhiều nguồn lực làm tốt công tác vận động cộng đồng tham gia sản xuất, đặc biệt chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển mô hình VAC tại hộ gia đình nhằm tạo ra nguồn thực phẩm đa dạng cho công tác phòng, chống suy dinh dưỡng.

 

Nhân Hà