1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc trị viêm mũi dị ứng

Mục tiêu điều trị bệnh này là giảm đến mức tối thiểu các triệu chứng và chọn lựa các thuốc vừa hiệu quả vừa ít có tác dụng phụ độc hại. Các nhóm thuốc trị viêm mũi dị ứng có thể phân loại như sau:

Loại thuốc uống

 

Nhóm thuốc kháng histamin: Gọi đầy đủ là thuốc kháng histamin ở thụ thể H1. Thuốc giúp giảm triệu chứng ngứa mũi, nhảy mũi, sổ mũi, chảy mũi, ngứa mắt nhưng không có tác dụng đối với nghẹt mũi.

 

Thuốc có 2 thế hệ: Thế hệ 1 (clorpheniramin, promethazin, diphenhydramin) thông dụng nhưng có tác dụng phụ gây buồn ngủ, khô miệng, táo bón, khó tiểu và giảm tác dụng nếu dùng lâu dài; Thế hệ 2 (fexofenilin, cetirizin, loratidin, acrivastin) không gây buồn ngủ, thời gian tác dụng kéo dài nhưng đắt tiền. Một số thuốc thế hệ 2 bị nhiều nước cấm dùng là terfenadin, astemizol do gây rối loạn nhịp tim.

 

Nhóm thuốc cường giao cảm gây co mạch: Gồm ephendrin, pseudocphedrin, phenylpro-panolamin. Thuốc giúp thông mũi, chống phù nề nên trị nghẹt mũi tốt, thường được phối hợp với thuốc kháng histamin. Lưu ý thuốc gây tác dụng phụ như tăng huyết áp, hồi hộp, run tay…

 

Nhóm thuốc corticosteroid (gọi tắt là corticoid): chỉ uống khi bị viêm mũi nặng và mạn tính. Cần dùng liều thấp nhất và trong thời gian ngắn (5-7 ngày) do có nhiều tác dụng phụ (loãng xương, làm suy tuyến thượng thận…).

 

Ngoài các thuốc uống kể trên, bác sĩ chuyên khoa còn chỉ định thuốc kháng sinh (khi có nhiễm khuẩn).

 

Loại thuốc dùng tại chỗ (Nhỏ hoặc phun xịt vào mũi)

 

Thuốc co mạch nhỏ mũi: Chứa dược chất như naphtazolin, xylometazolin, oxymetazolin. Có tác dụng thông mũi tốt nhưng chỉ nhỏ mũi trong thời gian ngắn 7 ngày. Lý do dùng lâu bị quen thuốc, bị hiệu ứng “dội” phải tăng liều, nếu không tăng liều bị nghẹt mũi nặng hơn, đưa đến vòng lẩn quẩn gọi là “viêm mũi do thuốc”. Đối với trẻ nhỏ, không nên dùng thuốc nhỏ mũi loại này vì có thể sẽ gây choáng, tím tái.

 

Thuốc corticoid xịt mũi: Chứa dược chất fluticason (Beconnase). Do cho tác dụng tại chỗ nên có lợi điểm: Tác dụng trực tiếp trên niêm mạc mũi-xoang mạn tính và phòng ngừa các cơn dị ứng (như dùng Flixonase xịt 2 cái/lần/ngày xịt vào sáng sớm có thể ngừa viêm mũi dị ứng cả ngày).

 

Thuốc nhỏ mũi NaCl 0,9% (nước muối sinh lý): có tác dụng rửa mũi, giải tỏa dịch nhầy trong mũi, giúp thông thở và giảm sổ mũi. Nên dùng thuốc nhỏ mũi này cho trẻ nhỏ tuổi giúp thông, sạch mũi.

 

Một số lưu ý trong điều trị viêm mũi dị ứng

 

1. Chỉ chữa khỏi bệnh khi loại trừ dị ứng nguyên, tức cách ly khỏi các yếu tố gây dị ứng. Điều này rất khó, tuy nhiên, các biện pháp sau cũng giúp được nhiều: Giữ ấm khi trời trở lạnh, tránh dùng thuốc và thực phẩm gây dị ứng, làm sạch thông thoáng môi trường, tuyệt đối không nuôi hoặc tiếp xúc với vật nuôi gây dị ứng...

 

2. Nên dùng thuốc phòng ngừa hơn là chữa phản ứng khi đã bị dị ứng (nên dùng thuốc corticoid xịt mũi an toàn hơn là dùng loại uống).

 

3. Nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chữa trị đúng cách, bởi vì:

 

- Thường phải dùng kháng sinh cho các trường hợp viêm mũi bội nhiễm.

 

- Có khi phải dùng đến liệu pháp miễn dịch đặc hiệu, tức tìm cách giải dị ứng bằng nhiều đợt tiêm chích dị ứng nguyên, nhằm giúp cơ thể thích ứng quen dần để không còn phản ứng dị ứng nữa.

 

- Có khi phải phẫu thuật để giải quyết các lệch lạc trong cấu trúc của mũi.

 

4. Tránh nhỏ mũi với thuốc co mạch lâu ngày sẽ bị viêm mũi do thuốc và nghiện thuốc nhỏ loại này, rất khó điều trị.

 

Theo TS.DS Nguyễn Hữu Đức

Sức khỏe và đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm