Thực hư những lợi ích khi cho trẻ bú mẹ
(Dân trí) - Bú mẹ có thực sự giúp giảm cân? Bú mẹ có làm sệ ngực? Tại sao bú mẹ lại tốt cho sức khỏe của bé? Bú mẹ liên quan với vị trí xã hội như thế nào?... Dưới đây là giải đáp của các chuyên gia trên khắp thế giới.
Giảm nguy cơ ung thư vú?
Câu trả lời là đúng.
Năm 2008, Quỹ Nghiên cứu Ung thư thế giới đã phân tích 7 ngàn nghiên cứu trước đó, nếu cho con bú trong 1 năm, nguy cơ ung thư sẽ giảm 4,8%.
Giúp mẹ giảm cân?
Thon thả hơn? Một số phụ nữ tăng cân trong quá trình cho con bú vì họ ăn nhiều.
Mặc dù đa phần phụ nữ giảm cân trong quá trình nuôi con nhưng theo khảo sát của Viện Y học thì vẫn có khoảng 22% chị em tăng cân trong suốt thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ bởi quan niệm sai lầm rằng "ăn cho 2 người" và ăn để sản sinh ra sữa có chất lượng tốt.
Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này cho thấy chỉ bú mẹ không thể bảo đảm rằng sẽ giảm được cân.
Trong cuốn sách Ăn ngon, giảm cân tốt trong khi cho con bú, tác giả Eileen Behan đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu từ 1.423 phụ nữ bị béo phì (1988). Behan tuyên bố: “Dự báo rõ ràng nhất về tình trạng giữ cân là tình trạng lên cân như thế nào khi mang thai, những phụ nữ tăng cân nhiều hơn khuyến nghị (12-18kg) sẽ khó giảm cân sau khi sinh.
Những bà mẹ lớn tuổi cũng có xu hướng giữ cân hơn những bà mẹ trẻ tuổi. Và cuối cùng là chỉ bú mẹ không thể đảm bảo cho sự giảm cân”.
Bú mẹ tốt cho sức khỏe của bé?
Các bà mẹ nuôi con nhỏ sẽ truyền các kháng thể sang cho trẻ thông qua sữa mẹ, giúp ngăn ngừa sự tấn công của vi rút và bệnh tật.
Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích loại protein đặc biệt trong sữa mẹ đã hỗ trợ rất lớn cho hệ miễn dịch của trẻ, cung cấp các chất bảo vệ cực kỳ năng động, giúp trẻ tránh được bệnh tật.
Protein này được gọi là CD14 hòa tan, mà có nhiệm vụ phát triển các tế bào B - vốn là các tế bào miễn dịch nguồn sản xuất ra các kháng thể.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Michael Julius, ĐH Toronto và công tác tại bệnh viện Toronto, đã đăng tải phát hiện này cách đây 8 năm trên tạp chí chuyên ngành National Academy of Science.
Bú mẹ liên quan với vị trí trong xã hội?
Cách đây 3 năm, một nghiên cứu của ĐH London đã đưa ra kết luận rằng sự khác biệt về tầng lớp xã hội ảnh hưởng rất rõ ràng tới tỉ lệ cho con bú.
Những phụ nữ trong nhóm mà lãnh đạo và chuyên viên thường cho con bú lâu hơn những bà mẹ làm công việc bình thường và những công việc có ít điều kiện thuận lợi.
Ngược lại, một nghiên cứu năm 2007 cho thấy những trẻ được bú mẹ cũng sẽ thành đạt hơn khi trưởng thành. Nhóm nghiên cứu của ĐH Bristol đã quan sát 1.400 đứa trẻ sinh từ 1937-1939 trong suốt 60 năm sau đó. Những trẻ được bú mẹ sẽ có nấc thang xã hội cao hơn những trẻ bú bình là 41%. Trẻ được bú mẹ kéo dài cũng sẽ thích nghi nhanh với sự thay đổi hơn, kết quả nghiên cứu chỉ rõ.
Những phụ nữ có nghề nghiệp ổn định cũng có xu hướng cho con bú lâu hơn những bà mẹ làm nhiều công việc khác nhau.
Bú mẹ làm tăng chỉ số IQ của trẻ?
Vào năm 2008, các nhà nghiên cứu ở ĐH McGill phát hiện ra rằng những trẻ đã bú mẹ sẽ có kết quả kiểm tra IQ tốt hơn khi ở tuổi lên 6.
GS Michael Kramer tin tưởng: “Bú mẹ trong một thời gian dài và bú mẹ là chủ yếu sẽ giúp phát triển nhận thức”.
Nghiên cứu gần đây cho thấy những axit béo trong sữa mẹ có thể kích hoạt sự phát triển của não bộ nhưng các nhà khoa học khác lại tin rằng mối quan hệ gần gũi mẹ con được tạo ra trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ đã tạo ra những phản ứng tích cực đối với não bộ của trẻ.
Bú mẹ làm sệ ngực?
Không, theo nghiên cứu được chỉ ra trên những phụ nữ thực hiện phẫu thuật đặt túi nâng ngực.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sệ ngực chính là quá trình mới mang thai.
Các nhà phẫu thuật thẩm mỹ và tác giả Brian Rinker đã chỉ rõ điều này thông qua một nghiên cứu mà có nguồn gốc từ việc nhu cầu của bệnh nhân là “sửa chữa lại bộ ngực đã bị phá hủy do cho con bú”. Cùng với các đồng nghiệp của trường ĐH Kentucky, Rinker đã nghiên cứu 132 phụ nữ có nhu cầu nâng ngực hoặc tăng kích cỡ ngực trong giai đoạn 1998-2006. Phần lớn những phụ nữ này đều đã mang thai ít nhất 1 lần. Gần 60% đã cho con bú ít nhất 1 lần.
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá về tiền sử sức khỏe của bệnh nhân, chiều cao và cân nặng, vòng ngực trước khi mang thai và tình trạng hút thuốc. Không có sự khác biệt nào về mức độ sệ ngực giữa những phụ nữ đã cho con bú và những người không cho con bú.
Bú mẹ là một phương pháp tránh thai hiệu quả?
Vừa đúng, vừa không đúng.
Hormone prolactin có chức năng kích thích tiết sữa và ngăn ngừa trứng rụng. Và vì thế nếu càng cho con bú nhiều, bú thường xuyên, không bỏ cữ bú nào thì nội tiết tố này sẽ càng tăng và đây sẽ là một phương pháp tránh thai hiệu quả. Trong 6 tháng đầu sau sinh, nếu duy trì tất cả những nguyên tắc trên thì hiệu quả tránh thai sẽ đạt tới 99%.