Thực hiện 4 loại khám sàng lọc này, nguy cơ mắc ung thư sẽ giảm đến 50%

(Dân trí) - 1/3 số ung thư nếu biết phòng bệnh có thể không mắc; 1/3 số ung thư còn lại nếu phát hiện sớm có thể khỏi hẳn. Vì vậy, đối với bệnh ung thư, khám sàng lọc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Dưới đây là 4 loại khám sàng lọc quan trọng, giúp giảm đến 30-70% nguy cơ tử vong do các loại ung thư mà người Việt thường gặp:

Phết tế bào cổ tử cung

Thực hiện 4 loại khám sàng lọc này, nguy cơ mắc ung thư sẽ giảm đến 50% - 1

Phết tế bào cổ tử cung là một phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả. Bằng cách xét nghiệm tế bào học để tìm ra những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung, phương pháp này giúp các bác sĩ có thể phát hiện sự xuất hiện của ung thư hoặc sự thay đổi tế bào tiền ung thư.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc phụ nữ có ý thức định kì sàng lọc ung thư cổ tử cung, bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do căn bệnh này đến 70%.

Chụp nhũ ảnh

Thực hiện 4 loại khám sàng lọc này, nguy cơ mắc ung thư sẽ giảm đến 50% - 2

chụp X-quang tuyến vú (Mammography) hay còn gọi là chụp nhũ ảnh là kỹ thuật sử dụng chùm tia X cường độ thấp chiếu vào các mô tuyến vú để thu lại các hình ảnh tại tuyến vú. Qua đó hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phát hiện và phân tích sự hiện diện của các khối tổn thương nghi ngờ trong vú như khối u, nang và vùng vi vôi hóa. Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường, khối u ở giai đoạn sớm ngay cả khi bệnh nhân chưa sờ và cảm nhận thấy.

Đối với các chị em có nguy cơ mắc bệnh ở mức trung bình, nên bắt đầu chụp nhũ ảnh sàng lọc ung thư vú mỗi 1-2 năm/lần, kể từ lúc 40 tuổi và không quá 50 tuổi. Xét nghiệm sàng lọc nên thực hiện định kỳ cho đến ít nhất là năm 75 tuổi. Theo tính toán, định kì chụp nhũ ảnh 2 năm/lần sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong do ung thư vú đến 41%.

Xét nghiệm máu ẩn trong phân

Thực hiện 4 loại khám sàng lọc này, nguy cơ mắc ung thư sẽ giảm đến 50% - 3

Nhiều bệnh về đường tiêu hóa, trong đó có ung thư đại trực tràng sẽ gây ra hiện tượng có lẫn máu trong phân. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của bệnh, lượng máu này thường rất nhỏ để mắt thường có thể nhìn thấy.

Xét nghiệm máu ẩn trong phân nhằm mục đích xác định lượng máu trong phân chính là phương pháp giúp nhận diện lượng máu này, từ đó làm căn cứ để quyết định thực hiện các kỹ thuật y học chuyên sâu hơn như nội soi đại tràng, chụp cắt lớp xác định vị trí chảy máu. Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư đường ruột, người có tiền sử mắc polyp ruột, bệnh nhân tiểu đường, người xuất hiện các triệu chứng liên quan đến bệnh đường tiêu hóa là những đối tượng nên thực hiện xét nghiệm máu ẩn trong phân. Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng, loại ung thư phổ biến thứ 5 ở nước ta, có thể giảm đến 35% nhờ xét nghiệm máu ẩn trong phân.

Kiểm tra niêm mạc miệng

Thực hiện 4 loại khám sàng lọc này, nguy cơ mắc ung thư sẽ giảm đến 50% - 4

Ung thư khoang miệng là bệnh ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như lợi, lưỡi, môi, má, vòm việng, sàn miệng. Do triệu chứng bệnh khá giống với các bệnh lý viêm nhiễm tại miệng nên người bệnh thường đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, do đó việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém mà hiệu quả không cao. 

Kiểm tra niêm mạc miệng là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, hoặc phát hiện sớm ung thư miệng để tăng hiệu quả điều trị. Mục đích của việc này là tìm kiếm các dấu hiệu của ung thư miệng hoặc tình trạng tiền ung thư như các màng đỏ, trắng hoặc lở miệng. Những người có thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá hay ăn trầu là đối tượng hàng đầu nên tập thói quen sàng lọc ung thư miệng ít nhất 2 lần/ năm. Theo chuyên gia, việc người dân thường xuyên kiểm tra niêm mạc miệng có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư miệng đến 26%.

Minh Nhật

Theo Cancer, Aboluowang