1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thịt thối đâu mà nhiều thế!

Sáng 19/4, Công an thị xã Thuận An (Bình Dương) kết hợp lực lượng thú y và QLTT địa phương kiểm tra một cơ sở “vô danh” ở khu phố Bình Đáng, phường Bình Hòa, phát hiện cơ sở này chứa hơn 8 tấn chân trâu bò và lòng heo thối trong 2 container đông lạnh...

Thịt thối đâu mà nhiều thế!

Container chứa hàng tấn chân trâu bò và lòng heo thối bị cơ quan chức năng Bình Dương bắt giữ

 

 

Lòng heo, chân bò thối qua mặt thú y

 

Khám xét container thứ nhất, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 900kg lòng heo đang bốc mùi thối nồng nặc. Khui container thứ hai, lực lượng chức năng phát hiện thêm khoảng 4.000 kg lòng heo và khoảng 3.400 kg chân trâu bò cùng 50kg pín bò cũng bốc mùi hôi thối không kém.

 

Ông Nguyễn Hiệp Hương (quê Hà Nội) cho biết cơ sở ông chuyên thu mua lòng heo ở các chợ đầu mối TPHCM với giá 8.000 đồng/kg, về rửa rồi cho vào container đông lạnh, bán ra Lạng Sơn để xuất qua Trung Quốc làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, cơ sở ông Hương không có giấy phép kinh doanh, việc mua bán lòng heo không có hóa đơn, chứng từ và hàng tấn lòng heo thối này cũng không hề có một mảnh giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y.

 

Riêng số chân trâu bò thối, ông Hương cho rằng đây là hàng của một người bạn tên Hòa (quê Hải Phòng) gửi vào nhờ trữ lạnh giùm trong thời gian chờ bán. Ông Hương bảo không rõ chân trâu bò này bạn mình bán đi đâu nhưng theo ông, chúng chỉ dùng làm thức ăn chăn nuôi. Theo giấy tờ ông Hương cung cấp cũng như khai báo, 3.400 kg chân trâu bò trên nằm trong số hơn 17 tấn chân trâu bò thối được vận chuyển bằng một xe container từ Hà Nội vào. Giấy kiểm dịch do Chi cục Thú y Hà Nội cấp cho thấy trước khi vào Bình Dương, số hàng này đã được niêm phong chì. Theo quy định, chỉ có lực lượng thú y các địa phương mới được phép tháo niêm chì để xuống hàng hoặc kiểm tra. Tuy nhiên, chiếc xe chở hơn 17 tấn chân trâu bò này đã bị chủ hàng tự ý tháo niêm chì bán hơn 14 tấn ở Nha Trang. Ngoài ra, trên đường từ Hà Nội vào Bình Dương, chiếc xe này cũng không ghé bất kỳ trạm kiểm dịch nào, trong khi theo quy định, qua mỗi tỉnh, hàng phải được thú y kiểm tra, đóng dấu phúc kiểm.

 

Ông Khiếu Quang Lần, Trạm trưởng Trạm Thú y thị xã Thuận An, cho rằng những vi phạm là rất lớn nên quyết định tiêu hủy hơn 8 tấn chân trâu, lòng heo trên. Chủ hàng phải chịu mọi chi phí tiêu hủy.

 

Làm rõ trách nhiệm

 
Thịt thối đâu mà nhiều thế!

Nhiều chân trâu bò chứa trong bao tải bị cháy nham nhở, Công an tỉnh Bình Dương nghi ngờ là bị “cướp” lại trong quá trình tiêu hủy ở Đồng Nai
 

Đáng lưu ý, trong 3.400 kg chân trâu bò thối, có nhiều chân đựng trong các bao tải đã bị cháy nham nhở. Công an thị xã Thuận An nhận định nhiều khả năng số chân trâu bò này đã bị cơ quan chức năng Đồng Nai tiêu hủy hôm 18/4, nhưng bị “cướp” lại.

 

Cụ thể, sáng 18/4, lực lượng chức năng của tỉnh Đồng Nai phát hiện một xe tải chở khoảng 2,2 tấn chân bò thối lưu thông trên Quốc lộ 1A, đoạn qua TP Biên Hòa. Do toàn bộ số hàng này đã bốc mùi và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, kiểm dịch nên đã bị đào hố đốt tiêu hủy. Tuy nhiên, lúc tiêu hủy, chân trâu bò chưa cháy hết thì lực lượng chức năng đã bỏ về. Thừa lúc đó, tài xế xe hàng đã dập lửa, bốc các bao chứa chân trâu bò cho lên xe đưa về cơ sở của ông Hương ở Bình Dương.

 

Đoàn cán bộ tiêu hủy số chân trâu bò hôm 18/4 gồm 4 người của Chi cục QLTT tỉnh Đồng Nai và một cán bộ thú y của Trạm Thú y TP Biên Hòa. Ông Dương Minh Dũng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ tổng hợp Chi cục QLTT Đồng Nai và ông Trần Ngọc Sơn, Trạm trưởng Trạm Thú y TP Biên Hòa, cho biết đã yêu cầu các cán bộ trên làm tường trình, sau đó sẽ làm rõ trách nhiệm từng cá nhân để xử lý.

 

Dễ trở thành thức ăn cho người

 

Ông Khiếu Quang Lần cho biết tất cả số hàng trên sẽ buộc phải tiêu hủy. Mặc dù người quản lý cơ sở khai hàng thối này chỉ làm thức ăn chăn nuôi nhưng với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, ông Lần lo ngại chúng sẽ được “biến tấu” để thành thực phẩm cho người. “Với kiểu kinh doanh không đăng ký, buôn bán trôi nổi khắp nơi thì chuyện thịt thối này bán ra làm thực phẩm cho người ăn là hoàn toàn có cơ sở”, ông Lần nói.

 

Theo Như Phú

Người lao động