1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thấp thỏm nỗi lo thiếu máu ngày Tết

(Dân trí) - Những ngày cận Tết, bệnh nhân mắc các bệnh về máu, bệnh nhân ung thư phải truyền tiểu cầu, bệnh nhân không may bị tai nạn lại nơm nớp nỗi lo thiếu máu. Không có máu để truyền, người bệnh mệt mỏi, thậm chí đe dọa tính mạng…

Truyền máu cầm chừng

Đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều bệnh viện, bởi lượng máu thu gom được trong tháng 12 và đầu tháng 1 giảm hẳn so với những tháng trước đó. “Bác sĩ nào cũng muốn truyền máu đúng chỉ định để bệnh nhân mau khỏi. Hay với bệnh nhân ung thư, sau đợt truyền hóa chất tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu rất cao, thậm chí xuất huyết não, nguy hiểm tính mạng nhưng vì thiếu máu để tách lọc tiểu cầu, nhiều bác sĩ cũng chỉ có thể chỉ định cầm chừng cho người bệnh”, một bác sĩ điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương bày tỏ.
 
Nhiều bệnh nhân cần máu nhưng phải điều trị cầm chừng vì thiếu máu.
Nhiều bệnh nhân cần máu nhưng phải điều trị cầm chừng vì thiếu máu.

Theo BS Ngô Mạnh Quân, Trưởng khoa Vận động, tổ chức Hiến máu Tình nguyện, Viện Huyết học và truyền máu TƯ, thời điểm cận Tết và sau Tết Nguyên đán, các bệnh viện luôn rất thiếu máu. Trung bình mỗi tháng, viện Huyết học và truyền máu TƯ cần tiếp nhận tối thiểu 14.600 đơn vị máu/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 12/2012 đến nay, tổng lượng máu tiếp nhận được mới chỉ đạt khoảng gần 10.000 đơn vị/tháng, đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu điều trị”, BS Quân cho hay.

Thực tế, số máu dự trữ trong kho máu hiện chỉ còn khoảng 4.000 đơn vị máu. Số máu này chỉ đủ đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân tại Viện trong vòng 1 tuần. Còn để cung cấp máu  cho gần 100 bệnh viện và 16 tỉnh, thành quanh thành phố Hà Nội sẽ rất khó khăn, dè sẻn.

Vì thế, không có cách nào khác, bệnh viện phải “tiết kiệm” điều trị. Nhiều bệnh nhân đang phải truyền máu rất cầm chừng. Có bệnh nhân phải truyền 2 đơn vị máu mới đủ, nhưng vì thiếu máu, bệnh nhân chỉ được truyền chưa đến một nửa nhu cầu. Có bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, mất chỉ còn 1/3 lượng máu nhưng bệnh viện cũng chỉ thu xếp đủ số máu cấp cứu cho bệnh nhân khỏi nguy kịch, còn để bình phục lại thì phải truyền dần dần vì không đủ lượng máu một lúc.

“Hay với những bệnh nhân mắc bệnh Hemophilia (bệnh máu khó đông), khi phát bệnh, người bệnh bị chảy máu trong cơ thể, có người bị chảy máu tại khớp, đau đớn kéo dài, nguy hiểm hơn, để tình trạng chảy máu kéo dài tại khớp có nguy cơ gây biến dạng khớp, khiến bệnh nhân phải chịu những biến chứng lâu dài không thể hồi phục được, gây tàn tật. Đã từng có bệnh nhân bị chảy máu khớp chân, sau biến dạng gây tàn tật không tự đi lại được, phải dùng nạng gỗ. Hậu quả là hai khớp vai trước vốn rất bình thường, thì nay cũng thường xuyên bị chảy máu do phải tiếp xúc với nạng. Biết rõ nguy cơ, nhưng vẫn phải chờ, biết làm sao được”, BS điều trị đau xót nói.

Lo máu cho Tết

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, ở bất cứ thời điểm nào, máu dự trữ dành cho việc cứu sống bệnh nhân luôn là “của hiếm”. Tuy nhiên, trong những dịp đặc biệt gần Tết như hiện nay, lượng máu thu gom được giảm đột ngột, do học sinh, sinh viên tình nguyện - đối tượng cung cấp đến 80% lượng máu, đang trong giai đoạn tập trung thi hết kỳ nên không tham gia hiến máu. Một khó khăn nữa trong công tác thu gom máu là do thời gian bảo quản máu chỉ từ 35 - 42 ngày nên không thể tiến hành lấy máu sớm hơn.
 
Những giọt máu hồng là món quà quý giá nhất cho người bệnh.
Những giọt máu hồng là món quà quý giá nhất cho người bệnh.

Để chuẩn bị lượng máu phục vụ điều trị, cấp cứu ngày Tết, ngày 20/1 tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Huyết học và truyền máu TƯ sẽ phối hợp cùng báo Tiền Phong tổ chức Ngày hội hiến máu “Chủ nhật đỏ” lần thứ V, hi vọng sẽ tiếp nhận được khoảng 800 - 1.000 đơn vị máu. Đây sẽ là món quà quý giá nhất dành cho các bệnh nhân trong dịp Tết. Đặc biệt, ngày “Chủ nhật đỏ” không chỉ diễn ra tại Hà Nội, mà ngày 20/1, tại trường Đại học Thái Nguyên cũng tổ chức “Ngày Chủ nhật đỏ” tương tự. Đây là tín hiệu mừng của phong trào hiến máu khi năm đầu tiên có trường đại học tại địa phương khác Hà Nội tổ chức ủng hộ phong trào.

Bên cạnh đó, để tiếp tục thu gom máu, Viện Huyết học - Truyền máu TƯ vẫn cặm cụi tổ chức các xe lưu động đi thu gom máu tại các tỉnh thành, tại các điểm thu gom trên địa bàn Hà Nội…Tiếp đó là Lễ hội Xuân hồng kêu gọi hiến máu đầu năm.

“Tuy nhiên, một lễ hội lớn thường tiếp nhận được 6.000 - 7.000 đơn vị máu, trong khi số máu cần đủ cho điều trị là khoảng 20.000 đơn vị. Từ nay đến hết Tết Nguyên đán thì chúng tôi cần khoảng 12.000 - 14.000 đơn vị máu. Sẽ rất khó khăn để đảm bảo máu điều trị cho bệnh nhân”, GS Trí nói.

Tuy vậy toàn viện cũng đang hết sức cố gắng, huy động mọi lực lượng đi hiến máu. Vào thời điểm kho máu “cạn” nhất là dịp cận Tết và sau Tết Nguyên đán, toàn thể nhân viện bệnh viện cũng “ăn Tất niên” và “khai xuân” bằng cách hiến máu của mình để cho người bệnh điều trị.

Bài và ảnh: Hồng Hải