1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thận đột ngột bị suy, vì sao?

Vừa qua, tôi đi khám bệnh thì kết quả cho thấy suy thận độ 2, chỉ số lọc cầu thận chỉ còn gần 70, hẹn vài tháng sau tái khám. Vậy tôi đã bị bệnh thận mạn tính rồi sao?

Nửa năm trước, tôi đi khám thận thì hoàn toàn bình thường, chỉ số này rất tốt nên kết quả mới đây làm tôi rất lo lắng. Tháng trước, tôi có bị chấn thương đầu gối, uống nhiều kháng sinh, thuốc giảm đau, không biết điều đó có ảnh hưởng?

Nếu quả thật do thuốc thì có cách gì ăn uống, chăm sóc để chỉ số lọc cầu thận của tôi trở lại bình thường không, mong bác sĩ tư vấn giúp. Nguyễn Ngọc Hùng (62 tuổi; ngụ quận Tân Bình, TP HCM)

Thận đột ngột bị suy, vì sao? - 1

Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), trả lời:

Trước tiên, xin giải thích đôi điều về bệnh thận mạn. Theo KDIGO 2012 (Kidney disease improving global outcome), đó là những bất thường về cấu trúc và chức năng thận kéo dài trên 3 tháng, ảnh hưởng lên sức khỏe của bệnh nhân.

Theo đó, bệnh nhân bị chẩn đoán bệnh thận mạn khi có một trong các triệu chứng sau, kéo dài trên 3 tháng: đạm niệu trên 30 mg/ 24 giờ, cặn lắng hoặc diện giải bất thường trong nước tiểu, bất thường về mô bệnh học hoặc cấu trúc hình ảnh học, độ lọc cầu thận (GFR) giảm dưới 60 ml/phút/1,73 m2 da.

Như vậy trường hợp của ông chưa đủ tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh thận mạn, đó cũng là lý do bác sĩ yêu cầu tái khám. Ông cần theo dõi các xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận, đạm niệu/24 giờ, tổng phân tích nước tiểu, siêu âm… ít nhất 3 tháng để chẩn đoán bệnh thận mạn.

Nếu may mắn, rất có thể các chuyển biến xấu của chức năng thận mà kết quả khám sức khỏe vừa rồi của ông chỉ là tạm thời, do yếu tố nào đó tác động. Thuốc uống trước đó cũng có thể là nguyên nhân. Tuy nhiên, muốn xác định chính xác, ông nên tuân thủ yêu cầu tái khám, theo dõi của bác sĩ.

Để bảo vệ thận ở tuổi ông, nên tầm soát định kỳ các bệnh lý dễ dẫn đến bệnh thận mạn như: tăng huyết áp, tiểu đường, sỏi thận… Một số thuốc có thể gây độc cho thận nếu dùng kéo dài: kháng viêm non steroid, lithium… Do đó, các thuốc kháng viêm giảm đau ông dùng khi điều trị chấn thương gối phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi kỹ chức năng thận.

Ngoài ra, ông nên có chế độ dinh dưỡng đủ chất, sinh hoạt, tập luyện phù hợp với tuổi và cơ thể của mình. Đó cũng là cách ngăn ngừa các vấn đề về thận cũng như nhiều bệnh lý khác mà người cao tuổi hay gặp phải.

Theo Anh Thư

Người lao động