1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thảm kịch tâm dịch Ebola qua lời kể người Việt

VietNamNet đã kết nối được với những người Việt Nam đang sinh sống tại Lagos (Nigeria) – nơi đang có dịch bệnh Ebola nguy hiểm.

Tình hình dịch tại Nigeria và Sierra Leone

Nigeria là 1 trong 4 nước Tây Phi đang có dịch Ebola. Trao đổi với VietNamNet, ông Đào Mạnh Đức, Phụ trách bộ phận Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Lagos (Nigeria) cho biết, tính tới ngày 12/8/2014, tại Lagos có 12 người Việt Nam, bao gồm cả cán bộ Thương vụ.

Tại các nơi khác ở Nigeria, bao gồm cả cán bộ Đại sứ quán, còn khoảng 10 người nữa (Đại sứ quán Việt Nam đặt tại Abuja - là thủ đô của Nigeria, còn Thương vụ thì đặt tại thành phố Lagos, một thành phố đông dân với 21 triệu người).
Thảm kịch tâm dịch Ebola qua lời kể người Việt






Thảm kịch tâm dịch Ebola qua lời kể người Việt


Dịch Ebola đang xảy ra tại Lagos, đến ngày 13/8/2014, theo thống kê được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng thì tại đây đã có 3 người chết, 12 ca nhiễm mới, gần 100 người bị cách ly theo dõi.

Ngày 14/8, báo chí đưa tin có 21 người bị cách ly theo dõi vì nghi nhiễm Ebola tại bang Enugu – bang phía Đông Nigeria. Hiện có 2 người Việt Nam ở bang này. Như vậy hiện đã có 2 bang tại Nigeria công bố thông tin dịch.

Ông Đào Mạnh Đức cho biết, sau khi có dịch Ebola xảy ra, Thương vụ Việt Nam tại Lagos (Nigeria) đã nhận được Công điện của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời nhận được sự quan tâm rất lớn từ Bộ Công thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nigeria.

Thương vụ đã chủ động thực hiện một số biện pháp phòng dịch như liên hệ với công dân Việt Nam tại Lagos; Phổ biến thông tin, quy trình chống dịch tới mọi cán bộ Thương vụ và công dân VN tại đây; Mua xà phòng diệt khuẩn, nước rửa tay, găng tay, khẩu trang, ... và phát cho tất cả mọi người; Hạn chế đi lại, tiếp xúc…
 
Cuộc sống thường nhật của người dân Nigeria
Cuộc sống thường nhật của người dân Nigeria

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 4 nước có dịch Ebola thì Nigeria là nước có 12 ca mắc, 3 ca tử vong; Guinea có 510 ca mắc với 377 ca tử vong; tại Liberia có 670 ca mắc với 355 tử vong; tại Sierra Leone có 783 ca mắc với 334 ca tử vong.

2 ngày có thêm 56 người chết vì Ebola

Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 2 ngày (từ 10 - 11/8/2014), Bộ Y tế của 4 quốc gia Tây Phi đang có dịch bệnh đã thông báo ghi nhận thêm 128 trường hợp mắc mới Ebola, trong đó có 56 tử vong.

Tích lũy từ đầu vụ dịch tới ngày 11/8/2014: ghi nhận 1.975 trường hợp mắc, trong đó có 1.069 tử vong.

Tuy nhiên, là một quốc gia với dân số đông nhất châu Phi (trên 170 triệu người), và cũng là nền kinh tế lớn nhất châu Phi hiện nay, lưu lượng xuất nhập cảnh lớn, việc dịch Ebola bùng phát diện rộng tại Nigeria là rất dễ xảy ra.

Thương vụ cũng đã liên hệ được với một số công dân Việt Nam tại Sierra Leone. Ước tính có khoảng 20 người Việt Nam tại quốc gia đang là điểm nóng của dịch Ebola, tập trung chủ yếu tại Freetown - thủ đô của Sierra Leone.

“Bà con vẫn đang theo dõi sát sao tình hình dịch và chủ động đối phó dù điều kiện y tế tại Sierra Leone là rất kém. Công việc kinh doanh bị ảnh hưởng và tâm trạng lo lắng.  Tuy nhiên sức khoẻ mọi người đều tốt và thường xuyên giữ liên lạc với Thương vụ”, ông Đức cho biết. 

Cuộc sống đảo lộn, công việc đình trệ, tâm lý lo lắng

Trao đổi với VietNamNet từ Nigeria, anh Nguyễn Văn Long (quê ở Đồng Nai) – doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại Lagos (Nigeria) – khu vực đang có dịch Ebola hoành hành, cho biết: “Chúng tôi chỉ biết thông tin về dịch Ebola nhờ đọc báo mạng Việt Nam. Hiện bà con vẫn khoẻ và tự lo được cho mình”.

Anh Long chụp ảnh cùng người dân bản địa.
Anh Long chụp ảnh cùng người dân bản địa.

Theo anh Long, kể từ khi có thông tin về dịch Ebola ở Nigeria, thương vụ Việt Nam tại Lagos (Nigeria) đã liên hệ phổ biến thông tin về tình hình dịch bệnh, hướng dẫn biện pháp phòng ngừa và phát thuốc phòng bệnh. Thuốc mua ở Lagos giá rất cao mà chất lượng không được như của Việt Nam, muốn mua cũng khó khăn chứ không dễ dàng, dịch vụ y tế ở đây cũng rất đắt đỏ mà thiếu thốn.

Trao đổi với VietNamNet ngày 14/8, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau cuộc họp với các Bộ ngành vào ngày 9/8, Bộ Y tế đã cung cấp đầy đủ các thông tin về dịch, khuyến cáo và hướng dẫn phòng chống cho các công dân Việt Nam sinh sống trong vùng có dịch.

Bộ Ngoại giao sẽ làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để phổ biến thông tin cho công dân của mình. Các công dân Việt Nam cũng có thể liên hệ với các Đại sứ quán để nhận được sự trợ giúp cần thiết, kịp thời.

“Tôi nghĩ đây là tấm lòng người Việt Nam xa xứ giúp nhau lúc khó khăn hoạn nạn, chứ chúng tôi chưa biết liệu có sự tiếp viện y tế nào từ nhà không” - anh Long cho biết.

Anh Long kể: Mỗi lần đi làm việc anh và mọi người thường gặp người dân bản địa nằm ngoài đường phố. Dường như y tế địa phương và người dân nơi đây thờ ơ như không có chuyện xảy ra khiến anh và mọi người càng hoang mang.

Từ khi có dịch Ebola xảy ra, công việc của những người Việt Nam sinh sống tại Lagos và Enugu (Nigeria) bị đình trệ do tâm lý lo lắng, nhiều người sợ nên muốn cách ly, ở trong nhà, sự lo lắng nhân lên khi họ không nghĩ có ngày được về nước vì dịch bệnh này nguy hiểm quá.

Tuy nhiên, tới thời điểm này anh Long cho biết bà con người Việt tại Lagos vẫn bình tĩnh, phương án trở về nước cũng được tính tới song chưa thực hiện.

Dịch vụ y tế nghèo nàn, đắt đỏ

Theo ông Đào Mạnh Đức, cho đến nay, tại Lagos chưa có bất kỳ chương trình hỗ trợ hay phổ biến y tế từ phía chính quyền đối với người dân để phòng chống dịch.

Các loại thuốc khử trùng, sát khuẩn đều không có. Thương vụ Việt Nam tại Lagos đã chủ động đi tìm những loại cồn, thuốc khử khuẩn như hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tình hình chống dịch tại Lagos, theo nhận xét của ông Đức, là không tốt do cơ sở hạ tầng về y tế tại đây rất kém; Ý thức và nhận thức người dân về việc bảo vệ sức khoẻ thấp và rất chủ quan; Tập quán khi bị bệnh không đi tới bệnh viện, thường tự chữa tại nhà. Nguyên do là chi phí điều trị tại bệnh viện cao, và không đầy đủ trang thiết bị cũng như thuốc men để chữa trị.

Chăm sóc y tế yếu, cuộc sống thiếu vệ sinh là nguyên nhân khiến bệnh dịch bùng phát mạnh.

Ngoài ra, một số tâm lý cố hữu kiểu "điếc không sợ súng" vì những lý do đơn giản: chưa thấy xung quanh có ai bị mắc bệnh, cho rằng thành phố đông dân như thế bị có vài người thì chẳng sao…

Hơn nữa, thông tin về dịch đang được cho là thiếu và không chính xác. Một số ý kiến tại các báo địa phương đều chỉ trích sự thờ ơ, không quan tâm, không có khuyến cáo mạnh mẽ hay hành động thích ứng để đối phó dịch của chính quyền.

“Nhìn chung, công việc và sinh hoạt của cán bộ bị ảnh hưởng khá nhiều. Một mặt do người dân nơi đây, có nghĩa là đối tác, doanh nghiệp, khách Nigeria không có bất kỳ chuẩn bị hay tâm lý, hành động nào để đối phó với dịch, mặt khác, các loại thuốc men đã mua tại đây cũng không dám chắc chắn là đảm bảo chất lượng.

Một số doanh nghiệp Nigeria đã liên hệ với Thương vụ để tới Việt Nam ký kết hợp đồng dịp này, chúng tôi cũng đang cân nhắc khuyến cáo họ hoãn lại dù việc này có thể ảnh hưởng đến giao thương 2 nước đang rất phát triển thời gian gần đây”, ông Đức cho hay.

Ông Đức cũng nói rõ: “Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc động viên và cung cấp thông tin cho bà con, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó nếu diễn biến dịch xấu đi, sẽ báo cáo phương án sơ tán cán bộ và công dân khi cần thiết”.

Chị Huyền Sâm (nhà báo VietNamNet, có người nhà đang làm việc tại Nigeria) cho biết: Có người thân phải sống ở một nơi dịch bệnh nguy hiểm với điều kiện y tế kém phát triển, kinh tế chính trị bất ổn, an sinh xã hội thiếu thốn đủ thứ... mới thấy hết sự lo lắng và bất lực!

Dặn người thân ở Nigeria đi mua vài chai cồn 90 độ, nước muối sinh lý cũng không có, mua khẩu trang, găng tay y tế cũng khó khăn, các dung dịch khử khuẩn, xịt khuẩn chuyên biệt hơn một chút thì là điều không thể, trong khi ở VN thì luôn sẵn sàng có bán đầy đủ ở khắp nơi trên đất nước.

Ở Nigeria dịch vụ y tế đắt đỏ, không có mạng lưới y tế rộng khắp, chủ yếu chỉ là các bệnh viện tư nhân, cho nên dịch bệnh nguy hiểm như vậy mà tuyệt đối không thấy một băng rôn áp phích nào trên đường phố, không có tuyên truyền địa phương, không có chuyện có đội y tế dự phòng vệ sinh dịch tễ đến nhà dân phun thuốc khử khuẩn chống dịch...

Mạng lưới y tế từ các trạm y tế xã phường, các bệnh viện tuyến dưới từ huyện, tỉnh đến các bệnh viện lớn Trung ương của Việt Nam, hệ thống y tế dự phòng, các viện nghiên cứu có thể sản xuất vắc-xin, đủ điều kiện thử nghiệm, xét nghiệm, bất hoạt virus, động thái vào cuộc nhanh chóng của Chính phủ, sự tích cực khẩn trương của cơ quan y tế của nước mình, trong khi dịch Ebola còn xa chưa tới, là điều mơ ước đối với người Việt Nam ở Tây Phi giờ này...

Theo Cẩm Quyên

Việtnamnet