Tham gia BHYT tự nguyện đa số là người bệnh
(Dân trí) - “Đối tượng mua BHYT tự nguyện thường rơi vào những đối tượng thực sự có nhu cầu khám chữa bệnh liên tục. Vấn đề vỡ quỹ là chuyện đã nhìn thấy trước. Tuy nhiên, không vì vấn đề này mà ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh của người đã mua bảo hiểm”.
Ông Hoàng Kiến Thiết (ảnh), Trưởng Ban BHXH tự nguyện (Bảo hiểm xã hội VN) cho biết.
Thưa ông, mới chỉ 4 tháng đầu năm nay, số tiền chi khám chữa bệnh (KCB) cho đối tượng tham gia mua BHYT tự nguyện đã bội chi tới 151,99 tỷ đồng. Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Cụ thể là mới hết quý I năm nay mà số người mua số người mua BHYT tự nguyện đã lên tới 1,6 triệu, bằng số người mua của cả năm 2007. Thế nhưng, đây không phải là con số đáng mừng đối với chúng tôi, bởi trên thực tế, đa số những người mua BHYT tự nguyện đều rơi vào tình trạng ốm, bệnh và có nhu cầu khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, chứ người khoẻ có mua bảo hiểm đâu!
Vì vậy, chuyện bội chi đã là điều nhìn thấy trước! Hiện, qua số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến hết quý I/2008, số chi KCB nội trú và ngoại trú BHYT tự nguyện khoảng 322,9 tỉ đồng, trong đó chi KCB cho đối tượng nhân dân là 210,3 tỉ đồng, HSSV (HSSV) là 112,6 tỉ đồng. Với mức chi này, chi phí KCB BHYT tự nguyện đã vượt so với quỹ KCB được sử dụng là 151,99 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, càng ngày quỹ BHYT ngày càng bị nhiều bệnh viện lợi dụng bằng các hình thức tinh vi. Nhiều nhất là tình trạng lạm dụng các kỹ thuật cao, xét nghiệm liên tục trong điều trị. Có nhiều tỉnh khi thanh toán tiền chi KCB BHYT thì có tới 40% - 50% tổng chi dành cho các dịch vụ liên quan tới xét nghiệm bằng thiết bị máy móc. Thuốc ngoại giá cao cũng được chỉ định sử dụng rộng rãi, đặc biệt là ở các bệnh viện tuyến T.Ư. Qua khảo sát tình hình KCB tại 20 địa phương, chúng tôi nhận thấy số lần KCB ngoại trú, ca điều trị nội trú đều tăng rất cao so với các năm trước. Mức chi bình quân cho một lần KCB ngoại trú, một ca điều trị nội trú cũng tăng.
Tình trạng một số người dân mượn thẻ (nhờ chính quyền xác nhận mất chứng minh thư) để được hưởng quyền lợi KCB BHYT tuyến trên, thậm chí hiện tượng đi KCB để lấy thuốc cho người không phải là chuyện hiếm gặp.
Cơ sở y tế biết đấy, bệnh viện biết đấy nhưng họ cũng làm lơ bởi kiểu gì chả được thanh toán!
Với những bất cập mà ông đưa ra thì có thể thấy từ nay đến cuối năm, vấn đề bội chi đối với BHYT tự nguyện sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Liệu cơ quan phát hành thẻ có chịu nổi mức thâm thủng nghiêm trọng này?
Năm 2007 mức bội chi là 1.600 tỷ. Theo tính toán của chúng tôi, 5 năm nay quỹ chi trả cho đối tượng BHYT tự nguyện sẽ âm khoảng 2.000 tỷ
Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là đơn vị triển khai theo chính sách đã được hoạch định. Quỹ chi KCB cho đối tượng tham gia mua BHYT có bội chi thì Nhà nước cũng phải tăng cường nguồn chi từ các quỹ khác như: Bảo hiểm bắt buộc hay các nguồn ngân sách khác của Nhà nước. Thẻ đã phát hành ra thì phải đảm bảo quyền lợi cho người mua.
Có thể nói rõ, dù có vỡ quỹ thì quyền lợi của người mua BHYT tự nguyện vẫn được đảm bảo đầy đủ?
Đúng vậy, đây là chính sách của Nhà nước.
Với tình trạng này rõ ràng ngân sách Nhà nước cũng không thể gánh mãi các khoản âm của BHYT tự nguyện. Đã có hướng mới để giải quyết vấn đề này chưa, thưa ông?
Bộ trưởng Bộ Y tế vừa đệ trình lên Quốc hội dự án Luật BHYT. Theo đó, từ năm 2010, học sinh - sinh viên sẽ tham gia đóng BHYT bắt buộc và sau đó là nông dân, ngư dân cùng các đối tượng khác, tổng cộng khoảng 25 nhóm. Lộ trình thực hiện quy định học sinh - sinh viên đóng BHXH bắt buộc từ năm 2010, thân nhân thuộc hộ gia đình của cán bộ, công chức... là từ năm 2012. Năm 2014, đến lượt nông dân, ngư dân, xã viên, hộ kinh doanh cá thể...
Như vậy, chúng ta sẽ mở rộng đối tượng phải mua BHYT bắt buộc. Theo đó, số tham gia BHYT tự nguyện theo cũng giảm đi.
Vấn đề quan trọng đối với BHYT tự nguyện là phải có người khoẻ gánh người yếu, chứ không phải là toàn người bệnh mới mua BHYT tự nguyện như hiện nay. Vì vậy, chúng tôi đang phối hợp với Trung ương Hội Nông dân tuyên truyền vận động các hộ gia đình tham gia BHYT tự nguyện nhằm mở rộng đối tượng mua và cấn đối nguồn quỹ.
Xin cảm ơn ông!
P. Thanh (thực hiện)