Khánh Hòa:
Thả muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết: Phương pháp Wolbachia là gì?
(Dân trí) - Theo dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”, vi khuẩn Wolbachia được đưa vào cơ thể muỗi vằn giúp muỗi tăng “sức đề kháng” với vi-rút gây bệnh nên có thể ví phương pháp này giống như “tiêm vắc-xin” cho muỗi.
Wolbachia là vi khuẩn cộng sinh
Liên quan đến kế hoạch thả thí điểm muỗi mang Wolbachia tại xã Vĩnh Lương (TP Nha Trang, Khánh Hòa) dự kiến vào tháng 3 tới, theo đại diện dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”, Wolbachia là một loại vi khuẩn sống cộng sinh trong khoảng 60% các loài côn trùng có trong tự nhiên, ví dụ như ruồi giấm, chuồn chuồn, bướm và một số loài muỗi. Tuy nhiên, muỗi vằn (trung gian truyền bệnh SXH và Zika) thì lại không có sẵn vi khuẩn này.
Các nhà khoa học đã cấy thành công vi khuẩn Wolbachia vào trứng muỗi vằn (Aedes aegypti), từ đó nở ra muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia và chúng tiếp tục sinh sản ra các thế hệ muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia.
Trong cơ thể muỗi, vi khuẩn Wolbachia sẽ ức chế (ngăn chặn) sự xâm nhập và nhân lên của một số loại vi-rút, bao gồm vi-rút Dengue (gây bệnh SXH) và vi-rút Zika.
Tiêm khuẩn Wolbachia - "vắc xin" cho muỗi
Theo dự án này, vi khuẩn Wolbachia được đưa vào cơ thể muỗi vằn giúp muỗi tăng “sức đề kháng” với vi-rút gây bệnh, do đó có thể ví phương pháp này giống như “tiêm vắc-xin” cho muỗi.
Muỗi vằn mang Wolbachia sau khi được thả ra thực địa sẽ cặp đôi, sinh sản và tự duy trì trong môi trường tự nhiên. Muỗi cái mang Wolbachia giao phối với muỗi đực mang hoặc không mang Wolbachia thì cũng đều sinh ra trứng nở thành thế hệ muỗi tiếp theo mang vi khuẩn Wolbachia, theo cơ chế mẹ truyền sang con.
Trong khi đó, muỗi cái không mang Wolbachia (muỗi truyền bệnh) nếu giao phối với muỗi đực có Wolbachia thì trứng do con cái sinh ra sẽ không nở (do cơ chế bất hợp dịch bào), nhờ đó làm giảm số lượng muỗi truyền bệnh.
Theo dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam”, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia không “tiêu diệt” muỗi vằn tự nhiên mà chúng cặp đôi/giao phối lẫn nhau. Việc thả cả muỗi đực và muỗi cái mang Wolbachia giúp cho loại muỗi này tự duy trì qua nhiều thế hệ, giúp phòng bệnh SXH và Zika.
Muỗi vằn mang Wolbachia sử dụng để thả ở thực địa là muỗi có nguồn gốc địa phương, có vi khuẩn Wolbachia nhờ quá trình lai nhiều thế hệ muỗi đực địa phương với một số muỗi cái mang Wolbachia ban đầu.
Không có phương pháp tuyệt đối
Theo các nhà khoa học dự án này, phương pháp Wolbachia có thể áp dụng đồng thời với các biện pháp khác nhằm phòng bệnh SXH và Zika. Vì không có phương pháp nào có hiệu quả tuyệt đối (100%) và trong cộng đồng vẫn có thể tồn tại một tỷ lệ muỗi vằn không mang Wolbachia, các nhà khoa học khuyến cáo người dân vẫn nên áp dụng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt và xua, diệt muỗi thường áp dụng trong gia đình (cũng không cần lo giết nhầm muỗi “lành” mang Wolbachia).
Thủy Nguyên