Té từ trên lầu xuống sàn nhà, bé 4 tuổi bị lõm hộp sọ
(Dân trí) - Trong lúc chơi ở nhà, cháu bé 4 tuổi không may bị trượt chân té từ trên lầu xuống sàn. Bệnh nhi nhập viện cấp cứu trong tình trạng lõm một bên đỉnh hộp sọ.
Tai nạn nguy hiểm vừa xảy ra với cậu bé T.Đ.K. (4 tuổi). Thông tin từ Bệnh viện Quận Thủ Đức ngày 7/4 cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau đớn, hoảng loạn, vùng đỉnh đầu bên trái sưng lớn. Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình cho biết, trước lúc xảy ra tai nạn, cậu bé đang chơi ở nhà với cha. Trong lúc người cha bận việc, cậu bé lên lầu chơi thì không may trượt chân té xuống sàn nhà ở độ cao hơn 3m.
Nghe tiếng động lớn, người cha chạy tới thì tá hỏa phát hiện con đang nằm dưới đất, quằn quại đau đớn. Ngay lập tức, cháu bé được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Qua thăm khám, bác sĩ Bệnh viện Quận Thủ Đức ghi nhận, vị trí vùng đầu đập xuống sàn nhà sưng to, bệnh nhi trong tình trạng choáng và hoảng loạn.
Kết quả chụp CT-Scan sọ não cho thấy bệnh nhi bị bị lõm sọ vùng đỉnh bên trái. Theo BS Trương Long Vỹ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh cho biết: “Bệnh nhi bị lõm sọ kiểm “Ping pong” như quả bóng bàn bị móp một phần. Đây là dạng lõm sọ thường gặp ở trẻ nhỏ, vị trí lõm phần lớn nằm ở chỗ lồi của xương đỉnh. Bệnh nhi mới 4 tuổi, não và hộp sọ đang phát triển, nếu để lâu có nguy cơ bị động kinh, sau khi hội chẩn các bác sĩ quyết định định phẫu thuật nâng sọ lõm cho trẻ.
Cuộc phẫu thuật được các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh và các bác sĩ khoa Gây mê Hồi sức thực hiện. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhi được khoan một 1 lỗ nhỏ quanh vùng lõm với kích thước 0.5cm. Bằng dụng cụ chuyên dụng, ê kíp phẫu thuật đã nâng thành công vùng sọ lõm trở lại vị trí ban đầu cho bệnh nhi. Sau phẫu thuật, cậu bé tỉnh và giao tiếp bình thường, vận động sinh hoạt và ăn uống tốt, vết mổ khô. Hiện, bệnh nhi đang được theo dõi hậu phẫu tại khoa Ngoại Thần kinh.
Từ trường hợp tai nạn nguy hiểm trên, bác sĩ khuyến cáo, tình hình dịch Covid-19 diễn biến nguy hiểm và phức tạp, từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, trẻ phải ở nhà để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Để tránh nguy cơ đối mặt với tai nạn trong thời gian trẻ ở nhà, các bậc phụ huynh cần chú ý, quan tâm đến bé nhiều hơn, tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong trường hợp chẳng may gặp phải các sự cố va chạm vùng đầu do khi té ngã, trẻ cần được theo dõi sát, nếu có dấu hiệu đau đầu, vùng đầu va chạm bị sưng, trẻ ngủ li bì hoặc nôn ói gia đình cần lập tức đưa trẻ đến các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán sớm, can thiệp kịp thời.
Vân Sơn