Tăng huyết áp tiến triển âm thầm, hậu quả "chết người" nếu lơ là điều trị

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Theo chuyên gia, bệnh tăng huyết áp có thể không triệu chứng, dễ khiến người bệnh chủ quan. Trong khi đó, bệnh âm thầm làm tổn thương các cơ quan như tim, mắt, não, thận và mạch máu, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Nguy cơ tăng huyết áp từ lối sống thiếu khoa học

Đi làm về, bà L.T.T. (50 tuổi, quê xã Tiền Yên, Hoài Đức, Hà Nội) bất ngờ thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn.

Nghĩ do thiếu máu, bà T. ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc về tự điều trị. Tuy nhiên, các triệu chứng kéo dài một tháng vẫn chưa dứt và bà bắt đầu cảm thấy hoa mắt, mắt nhìn mờ, cảm giác chao đảo khi nhìn mọi vật xung quanh.

Bà T. lúc này mới tới thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Kết quả chẩn đoán bệnh tăng huyết áp khiến bà T. rất bất ngờ.

Bà T. là một trong những bệnh nhân được phát hiện bệnh tăng huyết áp từ chương trình Tháng Kiểm soát huyết áp toàn diện, do Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam cùng dự án Ngày đầu tiên phát động.

Chương trình triển khai mô hình kiểm soát huyết áp toàn diện tại 5 bệnh viện ở Hà Nội, gồm Bệnh viện Đa khoa Mê Linh, Bệnh viện Y học Cổ truyền Bộ Công An, Bệnh viện Giao thông Vận tải, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức và Bệnh viện Nông Nghiệp.

Tăng huyết áp tiến triển âm thầm, hậu quả chết người nếu lơ là điều trị - 1
TS.BS. Đoàn Thịnh Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, chia sẻ tại hội thảo (Ảnh: ngaydautien.vn).

Theo đó, tất cả bệnh nhân đến khám tại bệnh viện trong thời điểm triển khai chương trình đều được khám và tầm soát tăng huyết áp. Trường hợp phát hiện bệnh sẽ tiếp tục các thăm khám chuyên sâu, lập hồ sơ điều trị ngoại trú hoặc đưa vào điều trị nội trú tùy từng trường hợp.

Thống kê tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, từ ngày 15/5/2023, khi chương trình bắt đầu triển khai tới nay, trung bình mỗi ngày phát hiện khoảng 20-30 bệnh nhân mới có chẩn đoán tăng huyết áp. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân từ 50-60 tuổi, trường hợp cao tuổi nhất được phát hiện bệnh là 70 tuổi, trường hợp trẻ nhất là gần 40 tuổi.

Tổng số bệnh nhân tăng huyết áp đang điều trị ngoại trú và nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức là khoảng 2.000 trường hợp.

Theo TS.BS. Đoàn Thịnh Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, hiện nay, hiểu biết về bệnh tăng huyết áp của người dân vẫn chưa thực sự tốt.

"Quan điểm của người dân vẫn là khi nào huyết áp cao mới điều trị. Nhiều người đã được chẩn đoán tăng huyết áp vẫn chưa tuân thủ điều trị theo hướng dẫn, chưa quan tâm tới chỉ số huyết áp của mình. Đa số chưa hiểu hết các biến chứng nguy hiểm của bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận…", TS. Trường cho hay.

Vì sao nhiều bệnh nhân tăng huyết áp không tuân thủ điều trị?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, BS. CKII Phạm Việt Hà - Trưởng phòng Khám A, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; Ủy viên Ban chấp hành Hội Tim mạch Hà Nội cho biết, theo các số liệu thống kê, tại Việt Nam hiện ghi nhận khoảng 17 triệu người tăng huyết áp.

Bác sĩ Hà chia sẻ, vấn đề kiểm soát bệnh huyết áp không quá khó đối với y học hiện đại. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện ra bệnh tăng huyết áp chỉ chiếm khoảng một nửa trên số mắc thực tế, tức là có đến một nửa bệnh nhân hoàn toàn không biết bản thân bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp tiến triển âm thầm, hậu quả chết người nếu lơ là điều trị - 2
Bệnh nhân tăng huyết áp điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Ảnh: ngaydautien.vn).

Bên cạnh đó, số người đã phát hiện tăng huyết áp điều trị chỉ chiếm 1/3 trên tổng số, cũng chỉ 1/3 số bệnh nhân đạt được huyết áp mục tiêu, hay còn gọi là đích huyết áp.

Giải thích lý do của các nghịch lý trên, bác sĩ Hà cho biết, tăng huyết áp vừa là bệnh, vừa là một yếu tố nguy cơ. Do tăng huyết áp rất âm thầm, có thể không có triệu chứng nên người bệnh cảm thấy rằng không điều trị cũng không sao. Trong khi đó, bệnh lại âm thầm làm tổn thương các cơ quan đích như tim, mắt, não, thận và mạch máu.

Bác sĩ nhấn mạnh, việc lơ là điều trị có thể dẫn tới hậu quả nặng nề, nhất là tử vong. Ngoài ra, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ tàn phế do đột quỵ não gây liệt nửa người, hay các biến chứng suy tim, suy thận, xơ vữa mạch máu…

"Chính vì thế, chúng ta cần giáo dục cho cộng đồng tốt hơn để mọi người hiểu về bệnh tăng huyết áp. Việc điều trị tốt sẽ giảm được tỷ lệ tử vong và tàn phế do bệnh", bác sĩ Hà nói.

BS. CKII Phạm Việt Hà khuyến cáo người bệnh tăng huyết áp cần chú ý theo dõi bệnh và tuân thủ điều trị.

"Bệnh nhân cần đặc biệt ghi nhớ mức huyết áp mục tiêu của mình là bao nhiêu và phải cố gắng đạt được mục tiêu. Nếu điều trị mà không đạt mục tiêu cũng giống như không điều trị", bác sĩ Hà nói.

Tăng huyết áp tiến triển âm thầm, hậu quả chết người nếu lơ là điều trị - 3
BS.CKII Phạm Viết Hà (Ảnh: ngaydautien.vn).

Bệnh nhân tăng huyết áp cũng có thể theo dõi bệnh qua ứng dụng miễn phí có tên Elfie. Đây là ứng dụng miễn phí cho bệnh nhân tăng huyết áp để theo dõi và tuân thủ điều trị bệnh.

Tăng huyết áp tiến triển âm thầm, hậu quả chết người nếu lơ là điều trị - 4
Quét mã tải ứng dụng Elfie (Ảnh: Ngaydautien.vn).

Ứng dụng được công nhận và khuyên dùng bởi Hội Tim mạch học Việt Nam. Mục đích của ứng dụng giúp tạo động lực để bệnh nhân theo dõi, lưu trữ chỉ số huyết áp và uống thuốc đều đặn. Từ đó, gián tiếp giúp bác sĩ kiểm soát huyết áp toàn diện cho bệnh nhân ngay từ "ngày đầu tiên".