Tăng huyết áp ở người cao tuổi

GS.TS Nguyễn Lân Việt

(Dân trí) - Cách hữu hiệu nhất để người cao tuổi đối phó với bệnh tăng huyết áp là vừa phải điều chỉnh lối sống (không ăn mặn, hạn chế rượu, bia và các chất kích thích, không hút thuốc lá...) vừa điều trị thuốc giảm huyết áp liên tục và lâu dài.

Tăng huyết áp là một bệnh mạn tính, có thể gây ra biến chứng ở nhiều cơ quan như tim mạch, não, thận và mắt. Có hai loại tăng huyết áp. Loại nguyên phát chiếm khoảng 90%, gặp hầu hết ở lứa tuổi trung niên trở lên chủ yếu do tình trạng xơ cứng động mạch. Tăng huyết áp thứ phát thường gặp ở người trẻ và trẻ em do các bệnh ở thận, nội tiết...

Bệnh tăng huyết áp ở người cao tuổi

Tăng huyết áp là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng và có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Nó không hề là "chuyện bình thường" như quan niệm định kiến của không ít người theo kiểu "hễ già là bệnh", "già có tăng huyết áp là chuyện bình thường".

Tăng huyết áp ở người cao tuổi - 1

1. Tại sao chúng ta phải quan tâm đến bệnh tăng huyết áp?

Một thống kê cho biết, tuổi thọ của chúng ta có thể giảm 15 năm nếu mắc bệnh tăng huyết áp trước tuổi 40.

Theo con số thống kê ở Việt Nam, có đến 25,1 % tỉ lệ người trên 25 tuổi bị tăng huyết áp và phần lớn không biết vì bệnh thường không có triệu chứng gì.

Tăng huyết áp nhiều khi chỉ được phát hiện khi đã gây ra những tai biến nghiêm trọng như hôn mê do tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận..., thậm chí có thể gây tử vong ngay. Do vậy, người ta đã gọi tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng.

2. Tăng huyết áp ở người cao tuổi có đặc điểm gì?

- Tăng huyết áp thường gặp ở người cao tuổi hơn ở người trẻ tuổi.

- Điều trị tăng huyết áp ở người cao tuổi đem lại nhiều lợi ích rõ rệt như: tỷ lệ biến chứng và tỷ lệ tử vong đều giảm xuống rõ rệt. Do vậy, không nên quan niệm rằng đã già rồi không cần chữa. Ở người già, phải dùng thuốc bắt đầu từ liều thấp để hạ huyết áp từ từ, tránh hạ huyết áp đột ngột. Hạ huyết áp nhanh quá dễ gây thêm các biến chứng khác. Huyết áp được hạ xuống dưới 140/90 là tối ưu.

Huyết áp tăng theo tuổi, tăng nhiều huyết áp tâm thu hơn là huyết áp tâm trương. Do có biến đổi sinh lý, trước kia người ta coi những người trên 60 tuổi có tăng huyết áp là chuyện bình thường. Đến nay, quan niệm có khác đi, định nghĩa tăng huyết áp của Tổ chức Y tế thế giới vẫn áp dụng trong cộng đồng là: huyết áp khi nghỉ ngơi thường xuyên 140 mmHg cho huyết áp tâm thu và/hoặc 90 mmHg cho huyết áp tâm trương.

Phổ biến ở người cao tuổi là tăng huyết áp tâm thu do cấu trúc thành mạch máu bị biến đổi và các sợi cơ co giãn được thay thế bằng collagen; biểu hiện xơ cứng thành mạch có hậu quả dẫn đến suy yếu thành mạch, dễ gây ra các biến chứng nguy hiểm như: đột quỵ, nhồi máu cơ tim,…

Đo huyết áp ở người cao tuổi cần thiết phải đo ở tư thế ngồi và tư thế đứng.

Chiến lược điều trị cho người cao tuổi bị tăng huyết áp

Do những hậu quả nặng nề mà tăng huyết áp gây ra, hãy chấp nhận một thực tế về điều trị tăng huyết áp: điều trị cần liên tục, lâu dài để duy trì sự an toàn cho sức khỏe người già.

Với người có tuổi, cơ thể suy yếu, việc dùng các thuốc điều trị cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ. Cách hữu hiệu nhất với người cao tuổi là nên thay đổi lối sống: giảm ăn muối, kiêng rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào, chất kích thích, tăng cường vận động nhẹ nhàng...

Việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp phải cụ thể cho từng cá nhân và sử dụng theo trình tự; cần xác định ngay từ ban đầu khi bệnh nhân có nhiều chứng bệnh kết hợp.

Khuynh hướng chung hiện nay là nên sử dụng phối hợp thuốc trong cùng 1 viên thuốc để tăng sự tuân thủ của người bệnh, đồng thời giảm bớt các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Bệnh tăng huyết áp tiến triển lâu ngày gây tổn thương đến tim, mắt, não, thận, các mạch máu lớn, để lại nhiều di chứng nặng nề, giảm chất lượng sống ở người có tuổi. Vì vậy việc dự phòng bệnh tăng HA là rất quan trọng ngay cả khi chưa mắc bệnh lẫn khi đã mắc bệnh.

Một số biện pháp dự phòng sau đây nhằm giúp người cao tuổi và những người có nguy cơ mắc bệnh tăng HA ngăn ngừa được căn bệnh này và nâng cao chất lượng cuộc sống:

1. Luôn luôn giữ chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, đáng lưu ý nhất là không nên ăn quá mặn vì ăn mặn sẽ làm tăng khối lượng tuần hoàn, từ đó gây ra THA. Các số liệu thống kê trên thế giới cho thấy ở những vùng mà người dân ăn quá nhiều muối thì tần suất mắc bệnh tăng HA cao rõ rệt. Ngoài ra không nên ăn quá nhiều thịt hộp, cá hộp, mì chính (bột ngọt) (chứa Natri Glutamat), nước khoáng có nhiều NaHCO3.

- Tăng huyết áp và xơ vữa động mạch thường hay song hành thúc đẩy nhau làm nặng thêm bệnh nên chế độ ăn cần điều chỉnh không để lượng cholesterol cao quá mức cần thiết trong máu, nên thay thế mỡ động vật bằng dầu ăn thực vật chế biến từ đậu nành, lạc, vừng.

 -Tăng cường thức ăn có nhiều vitamin C, vitamin P có sẵn trong rau quả chín có tác dụng tăng sức bền mạch máu và hạn chế quá trình xơ vữa động mạch. Vitamin Ccó trong quả chín, rau ngót, rau đay, rau dền. Vitamin P có trong hoa hòe, chè tươi, cam quít, bưởi. Đặc biệt Vitamin E chống lão hóa có vai trò bảo vệ sức khỏe ở người lớn tuổi và phòng xơ vữa động mạch có nhiều trong giá đỗ, cà chua chín, dầu lạc, đậu tương.

- Không nên uống rượu bia, cà phê và đặc biệt là không hút thuốc lá.

- Tránh tình trạng thừa cân, béo phì. Khi có nguy cơ này cần phải giảm lượng ca-lo-ri trong chế độ ăn.

2. Rèn luyện thể lực, thể dục thể thao: đây là một yêu cầu hết sức quan trọng đối với tất cả mọi người để giữ vững và nâng cao sức khỏe, cơ thể khỏe mạnh có khả năng chống đỡ với bệnh tật tốt hơn. Hoạt động thể lực và trí lực có hiệu quả, tinh thần sảng khoái sẽ làm cho tim thích ứng với nhu cầu về cung cấp máu. Thể dục thể thao thường xuyên làm tăng HDL-C, là loại cholesterol tốt có tác dụng phòng chống xơ vữa động mạch. Nên tập thường xuyên ít nhất 3 đến 5 ngày mỗi tuần, mỗi ngày ít nhất 30 phút.

3. Chế độ sinh hoạt và làm việc: Nên thu xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý bao gồm cả nghỉ ngơi tích cực như nghe nhạc, xem báo chí… Bảo đảm ngủ đủ thời gian, giữ được tâm hồn thanh thản, tránh stress, căng thẳng thần kinh.

4. Nếu trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột bị bệnh tăng huyết áp thì phải tuân thủ các chế độ trên chặt chẽ hơn, cần phải khám sức khỏe định kỳ hàng năm và giải quyết các yếu tố nguy cơ tim mạch nếu có, đặc biệt khống chế các yếu tố dễ làm huyết áp tăng cao đột ngột.

5. Đối với những người đã mắc bệnh tăng HA cần điều trị liên tục, lâu dài có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc, giải quyết các yếu tố nguy cơ chính là những biện pháp dự phòng tích cực nhất đối với những biến chứng của bệnh tăng HA.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm