Biện pháp chiến lược sức khỏe toàn cầu:

Tăng cường tiếp cận, phổ cập các dịch vụ chăm sóc SKSS

Nhờ nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về DS-KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản; thực hiện cam kết quốc tế về dân số và phát triển và các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đã đạt những kết quả khả quan.

Tăng cường tiếp cận, phổ cập các dịch vụ chăm sóc SKSS

Ngay từ năm 1994, Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới thực hiện mục tiêu nhằm tiếp cận, phổ cập kiến thức chăm sóc SKSS vào năm 2015. Ảnh: Dương Ngọc.

 

Quyền được nhận thông tin, tiếp cận dịch vụ

 

“Sức khỏe sinh sản là sự thoải mái hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội, không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hoặc tàn phế của hệ thống sinh sản. Điều này cũng hàm ý là mọi người, kể cả nam và nữ, đều có quyền được nhận thông tin và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các biện pháp KHHGĐ an toàn, có hiệu quả và chấp nhận được theo sự lựa chọn của mình, bảo đảm cho người phụ nữ trải qua quá trình thai nghén và sinh đẻ an toàn, tạo cho các cặp vợ chồng cơ may tốt nhất để sinh được đứa con lành mạnh”.

 

Chương trình Hành động Dân số và Phát triển đã chỉ rõ như thế. Chương trình cũng xác định : Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục (SKTD), sức khỏe sinh sản nằm trong nội dung chăm sóc sức khoẻ cơ bản, gồm có: Kế hoạch hoá gia đình; Chăm sóc trước và sau sinh, làm mẹ an toàn; Phòng ngừa và điều trị vô sinh Phòng chống phá thai và quản lý hậu quả do phá thai; Điều trị các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản; Phòng, chăm sóc và điều trị  HIV/AIDS; Thông tin, giáo dục, tư vấn về SKTD, SKSS; Phòng chống và giám sát bạo lực đối với phụ nữ, chăm sóc cho những nạn nhân bạo lực và các hành động khác để xoá bỏ phong tục cổ hủ, có hại, như cắt bỏ bộ phận bên ngoài của cơ quan sinh sản nữ;  Chuyển tuyến thích hợp cho việc chẩn đoán và quản lý các trường hợp trên.

 

Phấn đấu đến 2015 giảm 3/4 tỷ suất tử vong mẹ

 

Ngay từ năm 1994, Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới thực hiện mục tiêu nhằm tiếp cận phổ cập kiến thức chăm sóc SKSS vào năm 2015.

 

Mở rộng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản cho toàn dân là hướng tới “một thế giới mà mỗi phụ nữ một lần mang thai đều được mong muốn, mỗi trẻ sinh ra đều an toàn, tiềm năng của mỗi thanh niên được thực hiện”.

Những kiến thức này bao gồm KHHGĐ tự nguyện, hỗ trợ sinh sản và phòng ngừa nhiễm khuẩn qua đường tình dục, kể cả HIV. Bước sang thế kỷ XXI, trong các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) có một mục tiêu rất đáng chú ý : “Từ năm 1990 đến 2015 giảm 3/4 tỷ suất tử vong mẹ” và “Đạt được tiếp cận phổ cập tới sức khoẻ sinh sản vào năm 2015”.

 

Tuy nhiên, tại thời điểm năm 2012, việc thực hiện các mục tiêu này đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải rất cần sự nỗ lực của các tổ chức, các quốc gia. Một trong những khó khăn đó là an ninh hàng hóa sức khỏe sinh sản chưa bảo đảm. Nhiều phụ nữ muốn chậm mang thai hoặc ngừng mang thai bị thiếu các phương tiện tránh thai hiện đại hiệu quả.

 

Ở một số nước đang phát triển, phụ nữ tiếp tục tử vong do bị hạn chế tiếp cận tới các phương tiện tránh thai. Mỗi lần thai nghén làm tăng nguy cơ tử vong mẹ do biến chứng thai sản. Tử vong mẹ đặc biệt cao ở phụ nữ trẻ và nghèo, những người khó tiếp cận tới các dịch vụ tránh thai. Ở nhiều quốc gia, ngân sách cho các dịch vụ KHHGĐ bị cắt xén, không đủ cung ứng các phương tiện tránh thai. Các nước thu nhập thấp và trung bình lệ thuộc nhiều vào cộng đồng các nhà tài trợ, chủ yếu là UNFPA, nhà tài trợ đã cung cấp bao cao su nam trị giá 3,2 tỷ USD vào năm 2007 cho các nước đang phát triển, nhưng đã giảm xuống còn 2,8 tỷ vào năm 2010.Việc đầu tư cho vấn đề chăm sóc SKSS chưa tương xứng. Tình trạng tử vong mẹ và trẻ sơ sinh gây ra nỗi đau cho các gia đình, làm chậm tăng trưởng kinh tế và dẫn tới tổn thất năng suất lao động toàn cầu, khoảng 15 tỷ USD mỗi năm.

 

Có một thực tế đáng lo ngại tại khá nhiều quốc gia- Đó là dịch vụ cung cấp thông tin và chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là đối tượng phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Những hạn chế về tiếp cận thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục, SKSS cho vị thành niên/thanh niên có chất lượng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới nhu cầu lớn về phương tiện tránh thai. Nữ vị thành niên/thanh niên đối mặt với tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao do nạo phá thai không an toàn.

 

HIV/AIDS và biến chứng trong khi mang thai và sinh đẻ vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Có thể phòng ngừa được nhiều trường hợp tử vong trong số này nếu những phụ nữ đó được tiếp cận tới các phương tiện tránh thai hiện đại và chăm sóc sức khỏe bà mẹ.

 

UNFPA phấn đấu cho việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản, bao gồm quyền có sức khỏe tình dục và sinh sản theo tiêu chuẩn cao nhất có thể đạt được, thông qua áp dụng các nguyên tắc của phương pháp tiếp cận dựa trên quyền, bình đẳng giới và nhạy cảm văn hóa trong khuôn khổ sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.

 

Hiệu quả đầy tính nhân văn của chương trình sàng lọc sơ sinh

 

Sàng lọc sơ sinh trong hơn 4 thập kỷ qua được công nhận là chương trình sức khỏe cộng đồng thiết yếu nhằm giảm tỷ lệ tử vong và chậm phát triển thể chất, tinh thần. Sàng lọc sơ sinh thường lấy mẫu máu gót chân để xét nghiệm, việc lấy máu vào giấy thấm chuyên dụng để gửi mẫu từ những nơi xa xôi đến trung tâm xét nghiệm  là bước tiến vượt bậc trong y học. Theo số liệu ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) : Mỗi năm, trên toàn thế giới có 140 triệu trẻ em sinh ra, trong số đó có 5 triệu trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 1 tháng đầu ở các nước đang phát triển. Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh là những biện pháp hiện đại trong y tế dự phòng, dự phòng sớm, dự phòng chu sinh có ý nghĩa kinh tế, xã hội to lớn, góp phần nâng cao chất lượng dân số được WHO đề xướng là một biện pháp chiến lược sức khoẻ toàn cầu trong thế kỷ XXI.

 

Bên cạnh những ích lợi to lớn của sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh còn có những vấn đề đòi hỏi các quốc gia thực hiện công tác này cần giải quyết.Về truyền thông giáo dục : Cần nâng cao nhận thức và hiểu biết của nhân viên y tế, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng.Về kinh phí : Cần bố trí ngân sách cho truyền thông giáo dục, các xét nghiệm trong sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh. Về tổ chức cung ứng dịch vụ : Cần xây dựng các quy trình xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, theo dõi và điều trị. Về chính sách : Cần có những quyết định về mức độ quan tâm của nhà nước liên quan đến mục đích của chương trình, hệ thống tổ chức, kinh phí và sự đảm bảo bí mật cá nhân. Về văn hóa: Cần sự nhạy cảm đối với vấn đề văn hóa đạo đức, mối quan tâm chăm sóc y tế và nuôi dạy con cái.

 

Hoạt động ưu tiên số 1

 

 

Từ năm 2006, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã trở thành một trong những hoạt động ưu tiên trong công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam. Từ năm 2007 đến 2010, ngành Dân số đã thực hiện sàng lọc trước sinh, siêu âm chẩn đoán cho gần 30.000 thai phụ, trong đó có 3.400 thai phụ có bất thường, chiếm trên 11% và sàng lọc sơ sinh cho hơn 143.000 trẻ. Hiện nay, Dự án sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã được triển khai tại 430 quận, huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Trong năm 2011 khoảng 20.000 phụ nữ mang thai được chẩn đoán trước sinh và 90.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh.

 

Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đơn giản, dễ áp dụng, có độ chính xác tương đối cao để phát hiện các cá thể trong một cộng đồng nhất định có nguy cơ hoặc sẽ mắc một bệnh lý nào đó được tiến hành trong thời gian mang thai. Chẩn đoán trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu được tiến hành trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh thông qua việc sàng lọc.

 
Theo Võ Anh Dũng

Trung tâm Thông tin và tư liệu dân số - Tổng cục DS-KHHGĐ

Gia đình