Tại sao bị sa dạ con?
(Dân trí) - Chị gái tôi năm nay 33 tuổi, mới sinh con thứ 2 được gần 4 tháng nay. Thời gian gần đây chị cảm thấy nặng nặng nơi âm đạo, nhất là những lúc phải gánh lúa hay mang vác nặng thì thấy cả khối to nhô ra ngoài…
Các cụ có kinh nghiệm cho rằng chị tôi bị sa dạ con. Vì sao chị tôi chỉ sinh hai con đã bị sa dạ con? Xin hỏi bác sĩ, có cách gì để chữa dứt điểm tình trạng này, vì khi bị khối dạ con chèn ra vùng kín thì chị thấy rất khó chịu, khó cả việc tiểu tiện (Phương Dung, Yên Lạc, Vĩnh Phúc).
BS sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Trung tâm Y tế Lao động (Hà Nội) trả lời:
Sa dạ con là tình trạng tử cung sa thấp hơn vị trí bình thường và đây là bệnh lý khá phổ biến ở những phụ nữ lớn tuổi, nhất là khi phải trải qua nhiều lần sinh đẻ. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp sa dạ con gặp ở người trẻ, dù chỉ sinh ít con và ở mỗi người, mức độ sa dạ con hoàn toàn khác nhau. Khi bị sa dạ con, bệnh nhân có cảm giác nặng và căng tức ở vùng âm hộ, thậm chí thấy rõ một khối tròn lồi hẳn ra ngoài âm đạo.
Thông thường, sa dạ con được chia làm ba mức độ. Ở mức độ một, dạ con có sa nhưng không bị lồi ra âm đạo. Mức độ hai nặng hơn một chút, đó là một phần thân dạ con lồi ra bên ngoài âm đạo. Mức độ ba nặng nhất, thường gặp khi để tình trạng sa dạ con quá lâu ngày, đó là dạ con lồi hẳn ra ngoài âm đạo, có thể sờ thấy rõ ràng. Khi ở mức độ này thì người bệnh cũng thường bị viêm nhiễm âm đạo nặng nề do dạ con chèn ép khiến người phụ nữ đi tiểu tiện khó khăn, gây đái rắt.
Đến nay, chưa có thuốc gì có thể chữa khỏi dứt điểm tình trạng này. Nhưng với những trường hợp biểu hiện nhẹ, dạ con có thể co lên sau khi nghỉ ngơi, không làm việc gắng sức. Hoặc bác sĩ có thể can thiệp phục hồi thành âm đạo, đeo vòng để đẩy tử cung lên… còn những trường hợp nặng, dạ con lồi cả khối to ra ngoài thì thường phải phẫu thuật cắt bỏ dạ con.
Bệnh đặc biệt hay gặp ở những phụ nữ phải lao động nặng nhọc, mang vác nặng quá sớm sau sinh. Khi mới sinh đến khoảng 1-2 tháng, tử cung vẫn còn to và nặng, chưa co lại hoàn toàn. Trong khi các cơ và dây chằng nâng đỡ ở đáy chậu còn đang mềm yếu, chưa phục hồi sau thai nghén. Việc lao động nặng nhọc, gằng sức, đi lại quá nhiều khiến dạ con bị sa xuống.
Vì thế, khi mới sinh, sản phụ nên đi lại nhẹ nhàng, vừa tránh được tình trạng bế sản dịch, vừa giúp dạ con co bóp, co lại trở về bình thường. Phụ nữ sau sinh cũng cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả để không bị táo bón. Việc gắng sức rặn khi đi ngoài cũng có thể làm dạ con sa nhiều hơn. Sản phụ cũng nên cho con bú mẹ vừa tốt cho em bé, lại giúp tử cung co bóp tống sản dịch ra ngoài và giúp tử cung co nhỏ lại.
Hồng Hải (ghi)