Tại sao bạn gầy ốm?
Bạn ăn rất khoẻ, ăn suốt ngày, uống thuốc nam, thuốc bắc và cả sữa dành cho người gầy…. nhưng kết quả là vẫn “khẳng khiu que củi”. Phải chăng đường tiêu hoá của bạn kém hay bạn bị mắc bệnh gì chưa tìm ra nguyên nhân?
Gầy thể tạng
Gầy thể tạng còn gọi là gầy khỏe. Thiếu cân chưa chắc đã là có bệnh nặng, theo đánh giá của các thầy thuốc cũng như các chuyên gia dinh dưỡng thì gầy thể tạng không phải là một nguy cơ cho sức khỏe.
Nguyên nhân của gầy thể tạng:
- Yếu tố di truyền: theo các nghiên cứu thì di truyền chắc chắn có một vai trò khá quan trọng.
- Chuyển hóa: những người gầy, đôi khi có tiền sử bị suy dinh dưỡng lúc thơ ấu. Tuy nhiên rất khó để tìm ra rối loạn chuyển hóa ở những bệnh nhân gầy. Ở phần lớn những người này, chuyển hóa hoàn toàn bình thường và lượng thức ăn đưa vào cơ thể đôi khi còn nhiều hơn ở những người bình thường.
Có cần điều trị hay không?
Ngoài nguyên nhân về thẩm mỹ, gầy thể tạng không cần phải điều trị. Có một điều khá thú vị là những người gầy thể tạng thường có tuổi thọ cao hơn người bình thường.
Gầy bệnh lý
Khác với gầy khỏe, gầy bệnh lý hay còn gọi là gầy yếu, là hậu quả của nhiều bệnh lý khác có trước đó như: các bệnh về tiêu hóa, nội tiết, các rối loạn về tâm lý...
Nguyên nhân của gầy bệnh lý:
- Do chuyển hóa hay tiêu hóa: Các bệnh thường đưa đến gầy thuộc nhóm này gồm có: bệnh lao, nhiễm khuẩn nặng, ung thư, bệnh hệ thống, các rối loạn tiêu hóa nặng, viêm tụy mãn tính, tắc mật...
- Do nội tiết: Các bệnh về nội tiết như tiểu đường phụ thuộc insulin không được điều trị hay điều trị không đúng cách, hội chứng cường giáp, suy vỏ thượng thận, u tủy thượng thận...
- Do tâm lý: Cùng với sự giảm khối lượng là giảm khối lượng protid trong bệnh chán ăn ở trẻ sơ sinh và trẻ em, chán ăn do rối loạn tâm thần, chán ăn ở người già, chán ăn trong tình trạng stress.
- Do thầy thuốc hoặc người bệnh điều trị không đúng phương pháp gây ra: chữa béo phì không đúng, sử dụng các chế độ ăn mất cân đối, bắt nhịn hoàn toàn hoặc các loại thuốc gây chán ăn, hormone tuyến giáp, lợi tiểu, phẫu thuật...
Một số dạng gầy bệnh lý thường gặp
Thoái hóa mỡ trong bệnh tiểu đường: Bệnh hiếm gặp, bệnh nhân trong tình trạng rất gầy do mất hầu như toàn bộ mô mỡ trong cơ thể. Nguyên nhân thường do bệnh tiểu đường loại phụ thuộc insulin, bệnh nhân không có khả năng dự trữ năng lượng ngay sau khi ăn. Việc điều trị khá khó khăn, ngoài chữa tiểu đường cần có chế độ ăn hợp lý, nên chia làm nhiều bữa, ít nhất là 5 bữa ăn/ngày.
Gầy khu trú: Trên cùng một cơ thể bệnh nhân có những vùng gầy teo đét như nửa dưới của cơ thể và những vùng béo phì, hay gặp là nửa trên.
Rối loạn chuyển hóa chất đạm: Hiện tượng này nhanh chóng làm suy yếu các chức năng chính của cơ thể, làm giảm sức đề kháng với các loại vi khuẩn, ức chế quá trình liền sẹo. Nguyên nhân của hiện tượng này rất đa dạng: chủ yếu là do thiếu ăn, kém hấp thu, do tăng quá trình đào thải chất đạm... Điều trị chủ yếu bằng dinh dưỡng nhằm tăng quá trình đồng hóa chất đạm. Việc điều trị cần phải tiến hành từ từ, liên tục.
Gầy do chán ăn tâm thần: Là một rối loạn nặng nề về cách ăn uống, đặc trưng bởi sự tự nguyện từ bỏ việc ăn uống. Bệnh nhân thường là những thiếu nữ trẻ, tuổi từ 12-20, bệnh nhân chán ăn nhưng hoạt động thể lực và tinh thần lại rất tích cực, không hề mệt mỏi với các kết quả thu được rực rỡ, nhiều thành công.
Vô kinh là dấu hiệu rất quan trọng, gầy sút nhiều có khi đến 50% trọng lượng ban đầu của cơ thể, đi kèm với hiện tượng cương quyết từ chối thức ăn, mặc dù vẫn còn cảm giác đói bụng.
Trong điều trị, việc cải thiện môi trường rất quan trọng: hiện tượng bệnh lý thường xảy ra trong một gia đình có nhiều mâu thuẫn mà người mẹ hay có thái độ áp đặt, trong khi người cha thì yếm thế, không quả quyết. Việc điều trị phải kết hợp giữa các chuyên gia dinh dưỡng và các chuyên gia tâm lý. Điều phải hết sức quan tâm là xảy ra nguy cơ tự tử ở những bệnh nhân này.
Theo PGS-TS Nguyễn Hoài Nam
Thanh niên