1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sự thật kinh hoàng về nước giải khát

Các loại nước uống như nước sâm, nước hoa quả, nước yến luôn hút khách nhưng thực chất chúng được pha chế từ các hoá chất không rõ nguồn gốc với giá cả cực bèo … đang được các quán vỉa hè trong TPHCM tận dụng tối đa để thu lời.

Nước sâm chế biến từ... hoá chất

 

Chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng, có thể pha được cả chục thùng nước sâm. Một vốn không chỉ bốn lời mà lãi gấp cả chục lần. Với cái nắng khô người như hiện nay, người đi đường nào cũng muốn "làm" một ly nước sâm bên đường, nó không chỉ đã khát mà còn có tác dụng làm mát cơ thể. Thế nhưng nhiều người vẫn không hề biết là mình đang uống thứ thuốc "độc".

 

Nào là sâm bổ lượng, sâm bí đao, bông cúc, chanh dây, tắc, cốt dâu tằm, cốt nho... Pha được thùng nước sâm để bán không phải là chuyện đơn giản. Nào là chọn nguyên liệu, cách nấu các chất làm mát như thế nào, rồi pha với đường tỷ lệ ra sao và nước pha loại nào cho phù hợp. Thế nhưng hiện nay không ít người bán nước sâm lại có cách riêng, chọn hoá chất để pha thành nước sâm đủ loại.

 

Trong vai người đang cần xin việc làm, chúng tôi lân la trên đường Ba Tháng Hai, quận 10. Với cái nắng chói chang, chúng tôi quyết định uống nước sâm bên đường. Bà Nga, chủ xe nước sâm sau khi biết chúng tôi từ miền Trung đến tìm việc làm đã nhiều ngày vẫn chưa có ai rước! Bà Nga hướng dẫn: "Sắm cái thùng nước sâm như tui đây mà bán, mỗi ngày kiếm cả trăm ngàn đồng là chuyện bình thường, còn nắng như dzầy bỏ túi hai, ba trăm dễ òm!". Chúng tôi than không biết nấu, cũng như không có vốn liếng gì cả. Bà phá lên cười và nhiệt tình hướng dẫn tỉ mỉ, nào là sắm cái thùng nhựa cũ hoặc thùng mốp cũng được, khoảng trăm ngàn. Còn làm nước sâm không có khổ cực gì, dễ hơn pha trà và giới thiệu ra sạp T. ở chợ Kim Biên, mối quen.

 

Tại chợ Kim Biên không chỉ có sạp T. bán các món trên mà hầu như sạp nào cũng có. Nào là chất tạo mùi chanh dây, tắc, dâu tây, nho, dâu tằm, với giá 20.000 đồng/100gr, riêng loại sâm bí đao 25.000 đồng/100gr. Bà Hồng một chủ sạp hoá chất còn hướng dẫn để có màu giống nước sâm thì lấy màu nâu, còn màu đỏ, tím làm nước dâu và nho còn màu vàng làm nước cam, chanh dây, đồng giá là 10.000 đồng/100gr.

 

Còn về pha chế thì tuỳ, muốn lời nhiều thì pha loãng khoảng chục thùng với ba món hương, màu và chất tạo ngọt (đường hoá học), khoảng 30.000 đồng. Bà chủ còn tư vấn thêm, không nên xài một loại chất tạo ngọt mà phải nấu nước đường pha vào cho có mùi vị tự nhiên.

 

Nước ép trái cây từ... bột!

 

Các loại thức uống vỉa hè bán với giá chỉ có một, hai ngàn đồng/ly nào là cam, me, dừa, hồng trà, lục trà. Sở dĩ nó có giá rẻ 'bèo" là do các thứ nguyên liệu pha nước giải khát này bán đầy ở chợ Bình Tây với giá bán chỉ có vài ngàn đồng/kg (me, dâu, cam, xí muội, dừa xay...). Chẳng hạn, hạt trân châu từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, hồng trà, lục trà khoảng 8.000 đồng/bịch 10 gói (1 gói có thể pha trên chục ly).

 

Tại chợ này còn bán nguyên liệu có hương, vị trái cây các loại dưới dạng bột. Với đủ loại từ bột cam, chanh, tắc, dâu, đào, ca cao, bưởi... Giá bán từ 3.000 - 4.000 đồng/gói (mỗi gói pha được hàng chục ly). Gần đây có nhiều người bày ra lề đường mặt hàng nước ép trái cây như cam, bưởi thu hút khá nhiều khách. Tuy nhiên, có nhiều điểm chỉ ép trái cây tượng trưng còn thực chất là pha từ loại bột trên. Các chất dùng để pha nước giải khát bày bán ở chợ hầu hết đều có nguồn gốc từ Trung Quốc, không địa chỉ, tên cơ sở sản xuất.

 

Có bao nhiêu phần trăm yến?

 

Nhu cầu sử dụng các loại nước yến đóng lon hiện nay khá cao, trong đó rất nhiều người bệnh, thể trạng yếu rất thích mua dùng. Nguyên nhân là do nhiều người vẫn nghĩ rằng yến sào là một trong những loại rất bổ dưỡng, thì chắc nước yến đóng lon cũng sẽ có tác dụng bồi bổ rất cao. Sự thật như thế nào?

 

Hiện nay có hàng chục đơn vị trong nước đang sản xuất mặt hàng này, trong đó có nhiều cơ sở sản xuất cũng tham gia, cùng nhau khai thác thương hiệu chung: "nước yến ngân nhĩ". Mẫu mã, màu sắc lon nước cũng na ná như nhau. Do có nhiều cơ sở sản xuất, nên giá bán ngày càng cạnh tranh hiện chỉ còn bằng giá một số loại nước ngọt khác (từ 4.000 - 6.500 đồng/lon).

 

Giới sản xuất chế biến đồ uống cho biết, quy trình sản xuất nước yến cũng giống như sản phẩm nước ngọt, chỉ có khác một số thành phần nguyên liệu. Thậm chí không cần phải đầu tư dây chuyền máy móc gì hiện đại mà chỉ cần vài cái thau chậu dùng để pha chế rồi đóng lon theo dạng thủ công là xong.

 

Do giá yến sào trên thị trường hiện nay không dưới 45 triệu đồng/kg nên ngay cả những đơn vị làm ăn đàng hoàng thì việc đưa nguyên liệu yến sào vào sản phẩm cũng chỉ với tỷ lệ không đáng kể. Chẳng hạn sản xuất 2.000 lon nước yến ngân nhĩ thì thành phần yến sào chỉ có từ 50 - 100gr. Với tỷ lệ khiêm tốn như trên nhưng tính ra chi phí cũng đã lên tới từ 1.500 - 2.000 đồng cho một lon sản phẩm. Chất lợn cợn, dai dai giống như tổ chim yến, vốn là nguyên liệu chính, thực ra chỉ là một là nấm tuyết, một loại nấm thường được các bà nội trợ mua với giá vài ngàn đồng/bó để chế thành các món xào, gỏi hoặc nấu canh.

 

Ngoài ra, trong thành phần nước yến đóng lon còn có độ sền sệt mà nhà sản xuất cố ý tạo ra là do sử dụng chất tạo nhớt, tạo đặc công nghiệp mà có. Một số cơ sở còn sử dụng nguyên liệu thạch trắng, rau câu (agar) để tạo độ nhớt hoặc tạo thành hạt có độ dai. Nhà sản xuất còn sử dụng chất ổn định để các thành phần trong sản phẩm không bị lắng xuống.

 

Nguồn tin từ Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, vừa qua đơn vị này đã kiểm tra một số cơ sở nhỏ sản xuất nước giải khát có sản xuất mặt hàng nước yến đóng lon đã phát hiện một số sản phẩm không đảm bảo chất lượng, có sử dụng đường hoá học, phẩm màu. Riêng mặt hàng nước yến thì cơ sở khai nhận là không có thành phần yến sào bên trong sản phẩm. Rất tiếc đến nay các đơn vị chức năng về vệ sinh an toàn thực phẩm như Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, hay Viện Vệ sinh y tế công cộng đều chưa có đợt kiểm tra chất lượng chi tiết nào liên quan đến loại sản phẩm này. Viện Vệ sinh y tế công cộng cho biết việc kiểm tra sản phẩm nước yến đóng lon phải biết được cấu trúc của yến sào như thế nào mới lấy mẫu phân tích được cho nên viện cũng chưa "đụng" đến mặt hàng này. 

 

Theo Sài Gòn tiếp thị