Sốt xuất huyết hoành hành vì chờ kinh phí chống dịch

(Dân trí) - Gần 40.000 trường hợp mắc bệnh 26 ca tử vong, sốt xuất huyết đang hoành hành dữ dội trên cả nước đặc biệt là khu vực phía Nam. Sốt xuất huyết có khả năng bùng phát thành dịch, “nước sôi lửa bỏng” nhưng nhiều địa phương vẫn chưa nhận được kinh phí phòng chống.

“Tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều trường hợp tử vong rất thương tâm do sốt xuất huyết (SXH) gây ra. Những nạn nhân này thường rơi vào trẻ em rất bụ bẫm, có dinh dưỡng tốt, trước đó còn khỏe mạnh, chơi đùa nhưng chỉ sau ít ngày mắc SXH đã rơi vào tình trạng sốc nặng rồi tử vong. Điều đó chứng tỏ công tác phòng chống dịch của chúng ta còn quá nhiều hạn chế cần khắc phục.” Bộ Trưởng Bộ Y tế chia sẻ với đại diện các tỉnh thành thuộc khu vực phía Nam trong Hội nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.
 
Đa phần các trường hợp tử vong do nhập viện quá trễ
Đa phần các trường hợp tử vong do nhập viện quá trễ

Theo số liệu được TS Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) công bố, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 39.897 trường hợp mắc SXH tại 52 tỉnh thành, trong đó có 26 ca tử vong. Bệnh nhân mắc SXH đã tăng 35,3%, nhiều tỉnh tại khu vực phía Nam như: Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Phước, Bình Thuận, Phú Yên, Sóc Trăng… số ca bệnh đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trong số 26 trường hợp tử vong được ghi nhận thì có tới 80,7% bệnh nhân sinh sống tại khu vực phía Nam. Các trường hợp tử vong do SXH đều nhập viện muộn, được chẩn đoán ở mức độ nặng tập trung vào đối tượng trẻ dưới 15 tuổi. Các bệnh nhân hầu hết được điều trị tại bệnh viện tuyến huyện, xã, phòng khám tư nhân trước khi chuyển lên tuyến trên. 100% các ca này đều trong tình trạng nặng, hôn mê và xuất huyết nặng, suy đa tạng, tử vong sau 1 tuần điều trị.

Thực tế thời gian qua, công tác phòng chống dịch còn thiếu sự kết hợp giữa các cấp chính quyền với ngành Y tế, người dân còn thờ ơ trước sự nguy hiểm của SXH. Trước tình hình trên Bộ Y tế nhận định trong 5 tháng cuối năm số ca mới mắc và tử vong do SXH sẽ tiếp tục tăng cao nếu không tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.

Tuy nhiên, việc phòng và dập dịch đang vấp phải nhiều khó khăn rất lớn. BS Lê Bích Liên, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: “Hầu hết các trường hợp SXH được chuyển đến bệnh viện đều trong tình trạng rất nặng. Tuy nhiên, thời gian qua việc cung ứng dịch truyền đặc biệt là dịch cao phân tử đã bị đứt hàng, bệnh viện Nhi Đồng 1 đang gặp khó khăn trong công tác đảm bảo đủ dịch truyền cho việc điều trị các bệnh nhi mắc SXH”.
Trẻ em là đối tượng chính của bệnh sốt xuất huyết
Trẻ em là đối tượng chính của bệnh sốt xuất huyết
 
Bên cạnh công tác điều trị, việc phòng chống cũng thiếu hụt kinh phí “Đã bước sang quý III nhưng nhiều địa phương chưa nhận được kinh phí phòng chống SXH từ trên rót xuống”. TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pastuer TPHCM cho biết: “Số bệnh nhân tử vong trong một tháng gần đây tăng rõ rệt, nguy cơ SXH bùng phát thành dịch lớn đang hiện hữu nhưng do không có tiền, nhiều địa phương đang chống dịch theo kiểu “làm chay” hoặc khi được cấp tiền thì mức chi quá thấp nên không thuê được người. Một số tỉnh thành như tỉnh Bình Phước cố gắng đợi tiền từ trên rót xuống mới có kinh phí tổ chức chống dịch, hậu quả là SXH đã bùng phát trên diện rộng”.

Chia sẻ những khó khăn do phải chờ kinh phí BS Huỳnh Mộng Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang cho biết: “Trong 7 tháng đầu năm, An Giang có 2.686 ca mắc SXH tăng 1,5 lần so với cùng kỳ. Mặc dù địa phương đã rất cố gắng nhưng do kinh phí từ Bộ Y tế chuyển về muộn nên không đủ tiền phục vụ cho việc phòng và dập dịch. Đến khi SXH lây lan trên diện rộng, tỉnh An Giang đã phải sử dụng 600 triệu đồng từ nguồn kinh phí năm 2011 chuyển qua”. Hầu hết các tỉnh đề nghị Bộ Y tế tăng cường kinh phí cho việc phòng và điều trị bệnh, bên cạnh đó phải cấp kinh phí sớm trong quý đầu của năm để sớm triển khai công tác phòng chống dịch.

Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: “Năm nay rất tiếc chương trình quốc gia mục tiêu về vấn đề SXH chậm… rất chậm. Chúng tôi phải họp nhiều, họp để lấy ý kiến của Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban Ngân sách Tài chính rồi đến Ủy ban Kinh tế… Cứ họp miết để thẩm định, đến lúc duyệt xong được Quốc hội thông qua thì đã là tháng 6.

Bộ trưởng đề nghị các địa phương phải chủ động phân phối và có nguồn ngân sách riêng cho công tác phòng chống SXH hoặc tạm ứng trước kinh phí tránh trường hợp bị động do chờ kinh phí từ trên.

Vân Sơn