1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sốt đến ngày thứ 2, hãy đến bác sĩ

Cơn sốt là một biểu hiện khá phổ biến và gặp trong rất nhiều bệnh cảnh khác nhau, từ cảm cúm thông thường cho đến những căn bệnh nhiễm siêu vi.

Khá nhiều gia đình, nhất là những nhà có con nhỏ vẫn thường xuyên đối diện với cảnh các cháu bé sốt vặt, quấy khóc hay lừ đừ, mệt mỏi. Thuốc giảm đau, hạ sốt thông dụng hay những miếng dán hạ sốt nằm trong nhóm thuốc có mặt thường xuyên trong tủ thuốc gia đình. Tuy nhiên, do sốt là triệu chứng của rất nhiều căn bệnh nên việc quyết định lúc nào cần đến bệnh viện là điều rất quan trọng khi chăm sóc người thân.

Anh Ng.T.G. (40 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ khi cùng con ngồi đợi ở phòng khám của Bệnh viện Nhi Đồng 1: “Con trai 5 tuổi của tôi tối qua bắt đầu sốt, tuy không nặng nhưng tôi đưa đi khám ngay vì lần trước cũng chủ quan mà cháu suýt nguy”.

5 năm chăm sóc cháu bé, vợ chồng anh cũng không ít đêm phải thức vì con bệnh vặt nên thuốc men, miếng dán hạ sốt… luôn có sẵn trong nhà. Cách đây 1 năm, cháu bé bị một đợt sốt 2 ngày, anh chị cũng tự chăm con ở nhà. Đến sáng ngày thứ 3, thấy con có vẻ mát hơn, anh đi làm lại và tin rằng đến tối cháu bé lại có thể vui chơi cùng anh. Ai ngờ trưa hôm đó, vợ anh hớt hải gọi điện thoại bảo cháu bé tự dưng sốt cao lại, người run cầm cập, tay chân bắt đầu lạnh. Cháu bé nhập viện và được chẩn đoán là sốt xuất huyết, căn bệnh đôi khi “đánh lừa” bằng một chút giảm nhẹ rồi lại đột ngột tăng nặng, có khi vào sốc và dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Rất may cháu được đưa vào viện sớm nên các bác sĩ đã xử lý kịp thời.

Theo BS Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, BV Nhi Đồng 1, nên hết sức chú ý những cơn sốt cao khó hạ, nếu trẻ sốt đến ngày thứ hai thì nên đi khám ngay, bởi đó có thể là dấu hiệu của những căn bệnh nhiễm siêu vi chứ không phải cảm thông thường. “Nên cho bé uống thuốc hạ sốt và chú ý tùy theo độ tuổi, cân nặng mà cho liều lượng phù hợp. Với loại thuốc hạ sốt thông dụng nhất hiện nay là paracetamol thì liều lượng phù hợp là 10 - 15mg/kg cân nặng. Sốt 38-39 độ là nên uống thuốc. Có thể kết hợp lau mát nếu trẻ sốt khó hạ, và nếu sốt quá cao, kèm co giật… thì nên vào bệnh viện ngay”, BS Tiến khuyên.

Theo các BS nhi khoa, mùa hè là mùa của nhưng cơn cảm vặt vì nắng nóng, mưa bất chợt lại trùng với thời điểm mà nhiều căn bệnh nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu, quai bị… hay lảng vảng gần trẻ. Bệnh do siêu vi hay gây sốt cao khó hạ, một số bệnh có thể có biến chứng nguy hiểm, vào sốc… Mặt khác, cơn sốt nếu không được dập tắt đúng lúc, để sốt cao quá, nhất là trên 40 độ thì có thể gây co giật, dẫn đến biến chứng nguy hiểm ở não bộ, thậm chí tử vong.

Theo Anh Thư

Người lao động