1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Song sinh: Chớ vội mừng, cũng đừng quá lo!

Song thai, đa thai được xếp vào dạng thai kỳ có nguy cơ cao nhưng cuộc sinh vẫn sẽ kết thúc an toàn nếu quá trình chăm sóc thai được thực hiện tốt ngay từ đầu

Rời Khoa Hiếm muộn của Bệnh viện (BV) Từ Dũ (TP HCM), một phụ nữ buồn bã nói với người đi cùng: “Tiếc quá, hôm trước chuyển 2 phôi nhưng giờ chỉ đậu được một”. Lấy chồng đã 5 năm và nay bước vào tuổi 35, chị đi điều trị hiếm muộn lần này với mong ước có một cặp song sinh. “Làm thụ tinh ống nghiệm tốn kém, vất vả lắm, được cả cặp thì vui cửa vui nhà. Vả lại, mình cũng không đủ sức vào BV kiếm đứa nữa” - chị giải thích.

Càng nhiều thai, nguy cơ càng cao

Không riêng gì các gia đình hiếm muộn, mục tiêu “có cả 2 đứa” cũng là điều trông mong của nhiều cặp vợ chồng bình thường, nhất là tại các thành phố lớn khi nhịp sống công nghiệp khiến việc sắp xếp sinh và nuôi con nhỏ luôn là bài toán khó.

“Mỗi lần có thai, sinh nở thì ít nhất công việc bị ảnh hưởng 1 năm, lại không thoải mái gì khi vừa mang thai vừa phải làm việc, nhất là mấy tháng cuối. Vợ chồng tôi ở tỉnh lên TP HCM làm việc, khi có con nhỏ cũng không dễ dàng gì nhờ ai trông nom giúp. Có nhờ mẹ lên trông thì cũng vài tháng, rồi đến khi bé đi nhà trẻ (18 tháng tuổi) lại càng vất vả hơn. Bởi vậy, sinh một lần chỉ “chịu khổ” một lần thôi nên tôi thấy mình may mắn” - chị Ng.T.T (29 tuổi), một sản phụ vừa sinh 2 bé gái xinh xắn, bày tỏ.

Tuy nhiên, T. cũng thừa nhận rằng giai đoạn mang thai của chị không được nhẹ nhàng như nhiều chị em khác trong công ty. Cái bầu song thai nặng nề khiến việc đi lại của T. bắt đầu gặp khó khăn từ tháng thứ 5, đến tháng thứ 6 thì công ty phải bố trí cho chị một việc hầu như chỉ ngồi tại chỗ. Tháng cuối cùng, chị phải ở nhà luôn để nghỉ ngơi vì chỉ ngồi làm việc không cũng đủ mệt với 2 “công chúa” (cân nặng 2,9 kg và 2,7 kg khi ra đời). “Cứ thử tưởng tượng bạn phải mang trong mình một em bé nặng tới 5,6 kg xem!” - chị hóm hỉnh.

Khi mang song thai hay đa thai, thai phụ và gia đình người mừng kẻ lo. Trong khi đó, BS Trần Ngọc Hải, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Từ Dũ, khẳng định đối với bác sĩ thì chỉ có… lo thôi. Bởi lẽ, thai kỳ mà người mẹ mang từ 2 thai trở lên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho mẹ và con hơn đơn thai ngay từ trong thai kỳ cho đến khi sinh nở. Càng nhiều thai, nguy cơ càng tăng.

BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, nhấn mạnh: “Thai kỳ đa thai luôn là một thai kỳ nguy cơ cao. Người mẹ dễ bị cao huyết áp, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật; tăng nguy cơ tai biến do nhau bám rộng làm đờ tử cung, băng huyết, chảy máu sau sinh… Đa thai cũng thường dẫn đến sinh non, nguy cơ ngạt sau sinh, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hạ đường huyết, vàng da sơ sinh, nhiễm trùng, bệnh lý võng mạc, chậm phát triển thể chất và trí tuệ, bại não… Nguy cơ sẩy thai và thai chết lưu tuy ít nhưng vẫn cao hơn thai kỳ đơn thai”.

Khám thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ để biết số lượng thai đang mang và tình trạng của thai. Trong ảnh: Khám thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM
Khám thai trong giai đoạn đầu của thai kỳ để biết số lượng thai đang mang và tình trạng của thai. Trong ảnh: Khám thai tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM

Kiểm soát tốt để “mẹ tròn con vuông”

Theo BS Hải, vì nhiều nguy cơ nên thai phụ mang đa thai cần được theo dõi chặt chẽ và tư vấn kỹ về cách chăm sóc thai, theo dõi các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra, như dấu hiệu dọa sinh non… Việc khám thai, siêu âm thai… cũng cần được làm kỹ bởi trong song thai hay đa thai, nhiều vấn đề lâm sàng thường khó phát hiện vì tư thế nằm đan xen nhau của các thai nhi có thể cản trở những phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Vì vậy, khi mang song thai trở lên, thai phụ nên khám và sinh nở ở các BV lớn, có đầy đủ phương tiện kỹ thuật.

“Ngoài các nguy cơ nêu trên, nhiều người cũng lo em bé nhẹ cân, khó nuôi, yếu, không thông minh như trẻ bình thường. Thực ra không phải vậy và cũng đừng quá lo lắng. Trẻ song sinh thường nhẹ cân nhưng không đáng lo ngại nếu các bé sinh ra đủ tháng và không mắc các bệnh lý đặc biệt nào. Nếu chăm sóc thai kỳ tốt, người mẹ mang song thai, đa thai hoàn toàn có thể trải qua một cuộc sinh nở êm thấm và có những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh” - BS Hải khẳng định.

Không phải cứ đa thai là sinh mổ

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, nhiều thai phụ nghe bác sĩ báo mang đa thai rất lo lắng vì nghĩ rằng nhiều em bé thì chắc chắn phải sinh mổ nhưng thực chất không hẳn vậy. Sinh mổ hay sinh thường trong trường hợp sản phụ mang nhiều hơn một em bé phụ thuộc vào chỉ định y khoa với nhiều yếu tố tác động, như: tư thế nằm của thai nhi, tiền sử người mẹ (từng sinh mổ hay chưa), nguy cơ sang chấn… và nhiều vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến cuộc sinh.

“Em bé trong song thai hay đa thai thường có kích thước không quá lớn nên vẫn có thể sinh thường nếu kết quả khám trước sinh cho thấy tình hình các thai nhi và sức khỏe người mẹ thuận lợi” - BS Thông cho biết.

Theo Anh Thư

Người lao động