1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Son môi nhiễm chì: độc hại đến đâu?

Hơn 400 sản phẩm son môi tại Mỹ vừa bị phát hiện nhiễm chì. Nhiều thương hiệu nổi tiếng trong danh sách này có bán tại Việt Nam! Thông tin trên đang gây lo lắng cho nhiều phụ nữ, những người từ lâu gửi gắm vẻ đẹp đôi môi vào các thương hiệu nổi tiếng.

Son môi nhiễm chì: độc hại đến đâu? - 1
Son môi Coler Sensantional màu Mauve Me có tên trong danh sách mười sản phẩm nhiễm chì nặng nhất từ 400 mẫu thử do FDA kiểm nghiệm. Ảnh: Maybelline
Tranh cãi hàm lượng chì cho phép

 

Theo Washington Post ngày 15/2, cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra một phân tích mới, phát hiện 400 sản phẩm son môi của một số nhãn hiệu mỹ phẩm nổi tiếng ở Mỹ bị nhiễm chì! Trong đó, son môi Color Sensational Pink Petal của Maybelline chứa lượng chì cao nhất:

 

7,19ppm (7,19 phần triệu), cao hơn sản phẩm nhiễm chì thấp nhất tới 275 lần. Các sản phẩm ít nhiễm chì nhất lại thuộc các thương hiệu rẻ tiền, như Wet & Wild Mega Mixers Lip Balm. “Giá cả không phải là một dấu hiệu chứng tỏ chất lượng sản phẩm”, một nhóm tiêu dùng nhận định.

 

Tuy nhiên, FDA khẳng định nồng độ chì tìm thấy đều nằm trong mức độ cho phép của cơ quan y tế cộng đồng và không gây ra vấn đề sức khoẻ. Ý kiến này hoàn toàn trái ngược với chiến dịch mỹ phẩm an toàn, nhóm tiêu dùng trong nhiều năm qua vận động chính phủ thiết lập giới hạn nồng độ chì trong son môi. Họ cho rằng FDA không có cơ sở khoa học nào cho kết luận đó. Nhưng hội đồng Sản phẩm chăm sóc cá nhân, nhóm thương mại đại diện ngành công nghiệp mỹ phẩm đồng ý với đánh giá của FDA. Chủ tịch hội đồng, bà Halyna Breslawec cho biết giới hạn chì cho phép trong son môi là 10ppm, cao hơn mức phát hiện trong lần thử nghiệm của FDA và phù hợp với mức đề xuất của Canada và Đức. Bà cung cấp thêm rằng chì không được cố ý đưa vào mỹ phẩm nhưng có nhiều chất phụ gia (được FDA chấp thuận) có nguồn gốc từ khoáng chất, nên chứa chì tự nhiên như trong đất, nước hay không khí. Dù vậy, FDA đang cân nhắc đặt ra mức giới hạn chính xác nồng độ chì trong son môi để bảo vệ người tiêu dùng.

 

Nỗi lo đã lan tới Việt Nam

 

Theo ghi nhận của phóng viên, son môi nhãn hiệu L’Oreal và Maybelline được bán rộng rãi tại thị trường Việt Nam, chủ yếu là hàng loại hai (sản xuất ở một số nước châu Á), hàng giả. Các sản phẩm son môi từ Mỹ đa phần là xách tay và bán qua mạng với giá cao hơn. Ngay sau khi có tin son môi nhiễm chì, trên mạng đã xuất hiện những thông tin cảnh báo chất độc từ chì trong son thẩm thấu qua da, gây ngộ độc, dị ứng. Bên cạnh đó, trong quá trình ăn uống, một ít son môi sẽ theo thức ăn vào bên trong cơ thể, gây ung thư. Chất chì trong son môi phản ứng với các enzyme có trong dạ dày, có nguy cơ gây nhiễu loạn, phá vỡ hoạt động hệ tiêu hoá. Nặng hơn nữa, độc tố từ son môi có thể gây rối loạn sinh sản ở phụ nữ!

 

ThS.BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn da liễu, đại học Y dược TPHCM cho biết, không thể phủ định sự xuất hiện thường xuyên của chất chì trong mỹ phẩm. Với son môi, chì như một yếu tố vi lượng, giúp mỹ phẩm bền màu và lâu phai. Tuy nhiên, lượng chì trong sản phẩm thường ở liều lượng rất thấp (vài phần triệu). Nếu vượt quá mức trên, độc tố trong chì sẽ gây hại cho sức khoẻ người sử dụng. Thông thường, các nhà sản xuất có uy tín sẽ kiểm định một cách nghiêm ngặt lượng chì trong mỹ phẩm trước khi bán ra thị trường. Các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ luôn có những tổ chức thẩm định chất lượng mỹ phẩm (không phải tổ chức FDA).

 

Cũng theo bác sĩ Vân Thanh, thông thường, những loại son đậm màu chứa hàm lượng chì cao hơn. Mà những sản phẩm đậm màu thường được phụ nữ châu Âu ưa dùng. Còn phụ nữ Việt Nam đa phần thích màu son nhạt, sáng bóng, nhẹ, và chỉ dùng một lần trong ngày. Vì vậy, nguy cơ nhiễm độc từ lượng chì trong son rất nhỏ. Hiện tại, vẫn chưa có những xác nhận rõ ràng nào tại Việt Nam cho vấn đề này.

 

Việt Nam yêu cầu các công ty có sản phẩm được cảnh báo kiểm tra

 

 

 

Sau khi có thông tin từ Mỹ về son nhiễm chì, ông Nguyễn Xuân Tiến, phó phòng quản lý mỹ phẩm (Cục Quản lý dược, Bộ Y tế) cho biết, Cục này đã nhận được thông tin và đã gửi văn bản yêu cầu các công ty có sản phẩm được cảnh báo kiểm tra, gửi các văn bản, giấy tờ liên quan đến mỹ phẩm đó về cục. Hiện Việt Nam áp dụng quy định về hàm lượng các chất trong mỹ phẩm theo hệ thống Đông Nam Á, theo đó nồng độ chì tối đa cho phép là 20ppm (20 phần triệu).

 

Phòng tránh cách nào?

 

BS Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc bệnh viện Da liễu Hà Nội cho rằng, người tiêu dùng chưa biết hết hậu quả của son nhiễm chì. Trên thực tế, những ca cấp cứu do dùng son nhiễm chì cũng không nhiều. Bệnh nhân đến khám khi có biểu hiện sưng, ngứa, viêm da vùng môi. Họ cũng không biết nguyên nhân dị ứng môi là do nhiễm chì hay một nguyên nhân nào khác.

 

TS.BS Nguyễn Hữu Sáu, phó trưởng khoa laser - phẫu thuật (bệnh viện Da liễu TƯ) cho biết, chì trong son có tác dụng làm mềm, dẻo thỏi son. Việc sử dụng son có chì tuy không biểu hiện ngay nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chì vào cơ thể theo đường hô hấp và tiêu hoá. Nhiễm độc cấp tính có thể gây nôn, tiêu chảy. Lâu dài, người dùng dễ mắc các bệnh về răng lợi, thậm chí tích luỹ lâu ngày ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như thần kinh, máu, dạ dày - đường ruột, tim mạch và thận. “Hàm lượng chì ít hay nhiều, kể cả trong phạm vi cho phép nếu dùng lâu ngày cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nếu trong son có hàm lượng chì thấp thì nó sẽ đào thải ra ngoài, nhưng dùng quá nhiều khả năng tích tụ vẫn xảy ra. Bằng mắt thường không thể phân biệt son nào chứa chì hay không mà phải xét nghiệm. Người tiêu dùng nên hạn chế dùng son, trường hợp phải dùng nên sử dụng các loại son có thương hiệu uy tín”, TS Sáu nhận định.

 

Bác sĩ Vân Thanh cho lời khuyên, tốt nhất, hãy chọn loại son có nguồn gốc rõ ràng tại các cửa hàng mỹ phẩm uy tín, tránh mua sản phẩm trôi nổi. Nên đọc kỹ thông tin trên loại son muốn mua và thời hạn sử dụng ghi trên vỏ sản phẩm. Trong quá trình sử dụng son, không nên tiếp xúc nhiều với thức ăn, đồ uống. Hạn chế tô son nhiều lần trong ngày, đặc biệt là các loại son đậm màu, và rửa sạch kỹ bờ môi khi tan việc hoặc tàn cuộc tiệc.

 

 

Theo Nguyễn Cao – Lệ Hà – Tuyết Hạnh

Sài Gòn tiếp thị

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm