1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Sốc nhiễm trùng, trẻ dễ tử vong

(Dân trí) - Trong khi tiêm chủng, trẻ có thể bị sốc phản vệ, tử vong rất nhanh. Tuy nhiên đã từng xảy ra không ít trường hợp trẻ tử vong do nhiễm trùng hay còn gọi là sốc muộn.

Do nhiễm khuẩn

Về trường hợp tử vong của bé Nguyễn Ngọc Minh, ở Long Biên (Hà Nội), sau tiêm vắc xin viêm gan B, bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho rằng: "Giả thuyết cháu bị sốc phản vệ có thể là chưa chuẩn xác". Trên thực tế các trường hợp sốc phản vệ thường xảy ra ngay sau khi tiêm chục phút, thậm chí ngay khi mũi tiêm chưa kịp rút ra. Vì vậy, cần phải điều tra kỹ hơn về nguyên nhân gây ra cái chết của cháu bé.

Theo BS Lộc, trong quá trình tiêm, đặc biệt là tiêm chủng, tai biến do sốc phản vệ thường gặp ở tỷ lệ 1/1 triệu mũi tiêm. Khi đó cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như khó thở, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt (có khi không đo được); ở thể cấp tính người bệnh có thể hôn mê, nghẹt thở, rối loạn nhịp tim, ngừng tim và tử vong sau ít phút.

Ngoài vắc xin tiêm chủng, có khá nhiều loại thuốc có thể gây sốc phản vệ như kháng sinh, huyết thanh, các thuốc chống viêm không steroid, tinh chất gan, một số loại viamin, thuốc gây tê, thuốc cản quang có iod…

“Ngoài sốc phản vệ, bệnh viện đã từng tiếp nhận không ít ca sốc chậm do nhiễm trùng sau tiêm. Triệu chứng của sốc nhiễm trùng là chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, đến giai đoạn sốc, tim sẽ đập nhanh khiến máu không kịp cung cấp gây truỵ tim, có thể dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh thường lâu hơn, có thể sau mấy giờ, thậm chí mấy ngày sau khi tiêm. Nguyên nhân do trong quá trình tiêm, vi khuẩn gây độc tố như ecoli, tụ cầu vàng… đã xâm nhập vào cơ thể qua mũi tiêm, vào máu rồi sản xuất ra độc tố gây nhiễm trùng máu”, BS Lộc cho hay.

Cũng theo BS Lộc, có rất nhiều lý gây ra sốc nhiễm trùng sau khi tiêm: có thể do bàn tay của người tiêm không sạch hoặc chính trên da của trẻ đã cư trú các loại vi khuẩn gây độc tố, khi tiêm ở vùng đó nếu không được sát trùng sạch sẽ vi khuẩn sẽ theo đường máu ở vết tiêm thậm nhập vào bên trong. Sốc nhiễm trùng có thể gặp cả ở người lớn, nhưng ít hơn nhiều so với trẻ em.

Nếu được phát hiện sớm và đưa đi nhập viện kịp thời bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng có thể được cứu sống, nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. Do độc tố của vi khuẩn trong máu còn rất mạnh nên vẫn còn khư trú trong máu nên rất có thể gây ra các bệnh như viêm màng não, viêm phúc mạc.

Theo dõi trước và sau tiêm rất quan trọng

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để đảm bảo an toàn trước khi tiêm, đặc biệt là các mũi tiêm chủng, người lớn cần tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc sau:

- Cho trẻ tiêm đúng lịch.

- Trẻ đi tiêm phải trong tình trạng khoẻ mạnh cả tinh thần lẫn thể chất.

- Không tiến hành tiêm (dù đã đến lịch) nếu trẻ bị sốt do nhiều nguyên nhân khác nhau như: mọc răng, viêm họng, áp -xe vết thương…

- Trẻ đang mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính như tiêu chảy cũng không nên tiêm chủng.

Bs Lộc đưa ra lời khuyên: vào thời điểm mùa đông trẻ thường ít được tắm rửa nên vi khuẩn có điều kiện khư trú trên da, gặp điều kiện thuận lợi chúng có thể theo đường máy xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm độc. Chính vì vậy, trước khi đưa trẻ đi tiêm, cha mẹ nên tắm rửa sạch sẽ cho các cháu. Ngoài ra, cần chọn những nơi kín gió để có thể cởi bớt quần áo cho trẻ, vạch rộng chỗ cẫn tiêm, tránh trường hợp người tiêm sai vị trí do không đủ điều kiện xác định.

Nếu thấy vết tiêm ngay sau khi rút kim đã bị tím bầm, sưng tấy cần đặc biệt chú ý theo dõi, đề phòng nhiễm trùng.

Ngoài ra, sau khi tiêm, người lớn nhất thiết phải để ý đến biểu hiện của trẻ trong 24 tiếng. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như quấy khóc nhiều, sốt cao, chân tay lạnh… phải đưa ngay đến trạm y tế hoặc bệnh viện gần nhất để chẩn đoán và cấp cứu kịp thời.

Về phía cán bộ y tế, ngoài vấn đề đảm bảo về kỹ thuật tiêm và độ vô trùng ở tay khi tiêm cần hết sức chú ý đến lứa tuổi và liều lượng tiêm đối với trẻ, bởi có những loại vắc xin có chỉ định đặc biệt chính xác. Ví dụ, đối với vắc xin viêm não Nhật Bản, chỉ định đối với trẻ dưới 5 tuổi chỉ bằng một nửa so với trẻ trên 5 tuổi, nếu để sai sót về liều lượng, có thể gây nguy hiểm đến đối tượng được tiêm chủng.

P. Thanh