1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Siết” vượt tuyến trong khám-chữa bệnh liệu có giảm tải?

Không ai muốn bỏ BV gần nhà, BV địa phương để đổ lên tuyến trên chữa bệnh và cảnh nằm ghép 2-3 người, nằm ngoài hành lang hoặc ăn cơm từ thiện qua bữa. Khảo sát của phóng viên tại một số BV thuộc loại quá tải cao trên địa bàn TPHCM cho thấy, việc vượt tuyến đang diễn ra rất sôi động.

Phỏng vấn ngẫu nhiên 5 trường hợp thì kết quả cả 5 vượt tuyến. Tại sao có hiện tượng trên?

 

Bỏ tiền túi để vượt tuyến!

 

Tại BV Nhi Đồng 1 ngayf 30/5, chị Trần Ngọc Ng (quê ở Long An) tranh thủ kỳ nghỉ hè đưa con 11 tuổi đến khám để cắt amiđan. Theo chị Ng, ở BV địa phương chị ở có thể thực hiện được kỹ thuật này, nhưng chị không dám vì chỉ có một đứa con. Đọc báo thấy có trường hợp cắt amiđan và tử vong nên chị rất sợ. Khi được hỏi, vượt tuyến thì phải trả chi phí cao, có sợ tốn kém hay không? Chị khẳng định, có vay mượn cũng phải cho con vượt. Với lại vượt tuyến để khám dịch vụ thì không cần thẻ.

 

Không chỉ là trường hợp của chị Ng, toàn bộ những trường hợp được phỏng vấn còn lại cũng đến từ các địa phương lân cận đều bỏ thẻ BHYT để tự trả tiền khám dịch vụ. Trường hợp thương tâm nhất mới đây, ngày 25.5, BV ĐK Phú Yên tiếp nhận bệnh nhi tên Nguyên (7 tuổi, trú tại Đông Hoà, Phú Yên) từ BV Sản Nhi trong tình trạng bụng trướng, tiểu rất ít với nước tiểu màu hồng nhạt, có hội chứng nhiễm trùng ổ bụng.

 

BVĐK Phú Yên chẩn đoán xác định Nguyên bị viêm phúc mạc toàn bộ do thủng bàng quang nên phẫu thuật khẩn cấp để khâu lại, khâu buộc ống phúc tinh mạc, đồng thời dẫn lưu bàng quang cho cháu. Trước đó, bệnh nhi này chỉ định mổ thoát vị bẹn, nhưng sơ suất trong việc bóc tách ruột và bàng quang dính vào nhau nên để dụng cụ mổ làm thủng bàng quang cháu Nguyên. Nếu vụ việc không phát hiện, để lâu hơn sẽ dẫn đến tử vong do nhiễm trùng ổ bụng, vì nước tiểu ra ngoài ổ bụng.

 

Chính vì nhiều trường hợp chậm chuyển viện hoặc không vượt tuyến đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn, nhiều BV khi tiếp nhận bệnh nhân nhưng nhất quyết không cho chuyển viện lên tuyến trên, do không đánh giá được mức độ bệnh hoặc sợ trách nhiệm nên người bệnh phải gánh chịu hậu quả. Điển hình là trường hợp bé gái chưa đầy 7 tháng tuổi tên L.S.S (ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng) tử vong trên đường chuyển viện đến BV Nhi Đồng 2 (TPHCM), do BS chần chừ không cho chuyển viện sớm vì đánh giá không có vấn đề gì.

 

Tuyến dưới tốt thì chẳng ai vượt làm gì?

 

Vòng luẩn quẩn có bệnh vượt tuyến đang trở nên quen thuộc khi chính Bộ trưởng Bộ Y tế tại nhiều cuộc họp đã nhấn mạnh: “Hắt hơi, sổ mũi”, đẻ thường…” cũng tự ào ào vượt tuyến gây quá tải. Chính vì điều này, việc ngăn ngừa tình trạng quá tải và tìm cách giảm tải đang được đặt ra cho ngành y tế. Một trong những biện pháp được dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT đó là hạn chế việc bệnh nhân khám trái tuyến bằng cách đánh vào túi tiền của họ.

 

Lâu nay, Luật BHYT quy định chi trả cho bệnh nhân vượt tuyến là căn cứ vào tình hình thực tế của nhiều địa phương thiếu cả về sơ sở vật chất, con người và đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Tuy nhiên, khi luật triển khai thì vấp phải hệ quả là bệnh nhân ào ào vượt tuyến và được BHYT chi trả. Lên tuyến trên để được chữa bệnh bằng kỹ thuật cao, máy móc tốt, BS có tay nghề và tình trạng nhiều người mắc bệnh nhẹ cũng… ào ào vượt.

 

Mặc dù tuyến dưới đã được đầu tư, nhưng trên thực tế cả trình độ chuyên môn và trang thiết bị có khoảng cách khá xa so với tuyến trên. Nhận định của nhiều BS cho rằng, việc người bệnh vượt tuyến, chọn nơi có những điều kiện tốt nhất để chữa bệnh là vấn đề chính đáng. Nếu tuyến dưới có thể đảm bảo và làm người bệnh an tâm về việc chăm sóc sức khỏe cho mình thì không cần đến lệnh cấm, họ cũng không cần vượt lên tuyến trên để làm gì!

 

Theo luật sư Võ Vương Quân, Đoàn luật sư TPHCM, nếu như siết việc vượt tuyến bằng cách đánh vào túi tiền người bệnh thì tình trạng giảm tải cũng không cải thiện được. Đây là nhu cầu chính đáng của người bệnh: Họ muốn lên tuyến trên để mua sự an tâm và hơn nữa, liệu có ai dám “mặc cả” với sức khoẻ của mình!

 

Ở một khía cạnh khác cần phải nhìn nhận, đó chính là: Có BV nào dám từ chối người bệnh vượt tuyến, trong khi BV buộc phải thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 43. Điều này vô hình trung có nghĩa, bệnh nhân càng đông thì đời sống cán bộ công nhân viên càng được cải thiện.

 

Gốc của vấn đề hiện nay chính là: Nếu BV, BS ở tuyến dưới tạo được niềm tin cho bệnh nhân thì chắc chắn người dân không cần phải vượt tuyến. Giảm tải BV là một nhiệm vụ khó cho ngành y tế, nhưng không phải giải quyết trong một sớm một chiều bằng những mệnh lệnh hành chính được. Ở đây, cần phải giải quyết và lấy lại 2 chữ niềm tin. Tuy nhiên, để lấy được niềm tin thì chắc chắn phải có thời gian và ngành y tế cần giải quyết ngay từ tuyến dưới.

 

Theo Võ Tuấn

Lao động