TPHCM:
Sau mưa bão, nhiều dịch bệnh nguy hiểm rình rập cộng đồng
(Dân trí) - Cơn bão số 9 đi qua gây mưa lớn trên diện rộng khiến TPHCM ngập úng kéo dài, nguy cơ phát sinh nhiều loại bệnh nguy hiểm. Các chuyên gia y tế khuyến cáo cộng đồng cần thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe.
Ngày 25/11, cơn bão số 9 đã đổ bộ vào các tỉnh phía Nam gây mưa lớn, kéo dài trên diện rộng. Nước mưa kết hợp với triều cường đã nhấn chìm nhiều khu vực của TPHCM, 2 ngày sau khi bão đi qua, nhiều nơi nước vẫn chưa rút hết, trên các tuyến đường, kênh mương, rác thải ngổn ngang.
Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố nhận định, tình hình mưa bão khiến nước dâng cao trên toàn thành phố đã khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Không chỉ có rác thải, nước đã cuốn phân gia súc, gia cầm ở các trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố và các tỉnh thành lân cận gây ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, nước thải sinh hoạt, nước hầm cầu từ các cống rãnh tràn lên đường, tràn vào nhà dân nguy cơ phát sinh các loại bệnh ở mức báo động.
Tiêu chảy cấp, nhiễm khuẩn đường ruột, viêm da, bệnh hô hấp, đau mắt, sốt xuất huyết, sốt vàng da… sẽ là những vấn đề y tế công cộng đáng lo ngại từ ô nhiễm môi trường do mưa bão gây ra. Trong đó, đáng sợ nhất là bệnh tiêu chảy cấp bởi lỵ trực khuẩn hoặc bệnh do vi khuẩn thương hàn, đặc biệt là tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả, tiêu chảy do E.coli. Người bệnh nếu không phát hiện, cách ly, điều trị kịp thời sẽ lây lan thành dịch bệnh trong cộng đồng.
Thời tiết mưa nhiều, độ ẩm gia tăng, nhiệt độ thay đổi thất thường sẽ khiến cơ thể không kịp thích nghi dẫn đến dễ bị cảm lạnh, cúm, viêm họng, ho, sổ mũi, nhức đầu… Trẻ em, người cao tuổi, người có tiền sử mắc bệnh hen suyễn là nhóm phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh hô hấp.
Trong bối cảnh bệnh sốt xuất huyết đang ở mức cao, vấn nạn muỗi truyền bệnh phát triển sau mưa bão sẽ gia tăng cấp độ nguy hiểm của căn bệnh này trên địa bàn thành phố.
Bệnh da liễu tuy không đe dọa đến tính mạng những sẽ là “rắc rối” lớn cho rất nhiều người dân khi phải di chuyển trên những tuyến đường ngập nước. Nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng sẽ gây nấm kẽ chân, nấm móng; viêm kẽ ngón tay, ngón chân; mẩn ngứa; viêm da; đau mắt đỏ.
Chủ động biện pháp phòng tránh
Trước tình hình trên, BS Ngô Cao Lẫm, Trưởng khoa Sức khỏe Môi trường và Sức khỏe Trường học, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố khuyến cáo: “Để tránh nguy cơ môi trường tồn đọng rác thải, chất thải của người, gia súc gây ô nhiễm nguồn nước ăn uống, sinh hoạt phát sinh dịch bệnh cộng đồng cần chủ động các biện pháp phòng tránh”.
Cụ thể, để tránh các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, các bà nội trợ cần lựa chọn thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, thực hiện chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh dưới vòi nước sạch, ăn thức ăn, uống nước đã được nấu chín. Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Để tránh các bệnh da liễu, mỗi người cần vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn. Những hộ gia đình bị ngập trong nhà, sân vườn cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn rác, tránh gây ô nhiễm phát sinh ra môi trường.
Mỗi cá nhân, hộ gia đình, công ty, xí nghiệp cần tăng cường tiêu diệt lăng quăng (bọ gậy), diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô phế liệu, xử lý các các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng; ngủ mùng để tránh bị muỗi đốt.
Trường hợp nguồn nước ăn uống, sinh hoạt bị ô nhiễm tuyệt đối không nên sử dụng mà cần thực hiện các biện pháp súc rửa vệ sinh bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước bằng hóa chất để khử trùng theo hướng dẫn của nhân viên y tế; khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Vân Sơn