Sau các ca tai biến, phẫu thuật thẩm mỹ còn đáng tin?
Thời gian gần đây liên tục xảy ra các tai nạn trong phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) dẫn đến chết người. Mặc dầu vậy, nhu cầu làm đẹp của chị em, đặc biệt là ở các thành phố lớn vẫn rất cao. Vậy làm thế nào để phẫu thuật thẩm mỹ an toàn?
Những tai biến không mong muốn
Chị Thu Hương (SN 1971) bị tử vong vì xoá sẹo trên môi. Chị Bùi Bích Lộc (38 tuổi, ở phố Lê Duẩn, Hà Nội) tử vong sau khi bơm ngực và chẻ cằm. Và mới đây chị T.H tử vong trong quá trình hút mỡ, nâng ngực khiến dư luận bàng hoàng.
Chuyện tai biến kinh hoàng sau phẫu thuật thẩm mỹ, thậm chí là thiệt mạng trên bàn mổ không phải bây giờ mới xảy ra. BS Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt (BV Việt Nam Cu Ba) chia sẻ, đơn cử như trong phẫu thuật nâng ngực rất có thể gặp các biến chứng như: vết nhăn, mất cân đối giữa hai bên ngực, đặt túi ngực không đúng vị trí, chọn kích thước túi ngực không phù hợp, hình dạng ngực không được như mong đợi, có thể sờ thấy túi ngực, sẹo dị dạng, phình trống (không đều, sẹo nổi lên) hình thành sẹo và hoặc vẩy có thể xảy ra.
Còn theo BS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật tạo hình - hàm mặt (BV 108) khuyến cáo: “Bất cứ dạng can thiệp vào cơ thể dù nhỏ cũng đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như biến chứng ở giai đoạn gây mê, dị ứng thuốc, sốc thuốc, biến chứng trong can thiệp ngoại khoa”. Một số biến chứng thông thường có thể xảy ra là nhiễm trùng sau mổ, dị ứng, kích ứng, viêm tấy, nhiễm khuẩn, chảy máu nhiều và vón cục máu tồn đọng trong vết thương đòi hỏi cần phẫu thuật lại để loại bỏ, tăng nguy cơ lây nhiễm các căn bệnh qua đường máu, thậm chí còn có thể dẫn đến loét hoại tử và nhiều ảnh hưởng khác như đau nhức, sưng tấy, bầm tím, gây khó khăn khi cử động…
Nguy hiểm nhất vẫn là biến chứng trong quá trình gây mê, gây tê. Đây là nguyên nhân có thể dẫn đến nguy cơ tử vong cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ. Khi sử dụng thuốc mê, người bệnh sẽ không đau nhưng có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp, dễ dẫn đến tử vong. Hay ở quá trình gây tê, bệnh nhân có thể sốc phản vệ do cơ địa dị ứng sẽ dẫn đến trụy tim mạch, rất nguy hiểm. Nguy cơ sốc phản vệ có thể gặp ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao.
Để đảm bảo an toàn cho mỗi ca phẫu thuật thẩm mỹ...
Một chuyên gia làm đẹp lâu năm ở Hà Nội cho biết, mỗi ca PTTM đều có sự khác biệt và yêu cầu trình độ chuyên môn sâu của người thầy thuốc. Ví như làm ca thẩm mỹ mũi, kỹ thuật đơn giản thì hầu như mọi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở các cơ sở có phép đều thực hiện rất tốt. Nhưng đối với những ca phẫu thuật thẩm mỹ nâng ngực, bác sĩ cần có trình độ tay nghề vững vàng, và cơ sở vật chất tốt thì mới đảm bảo thành công được. Nguyên tắc của làm đẹp nâng ngực là chỉ phẫu thuật cho chị em trên 18 tuổi với những phương pháp an toàn, và không làm ảnh hưởng đến chức năng nuôi con của chị em về sau. Trước khi nâng ngực, chị em được khám cẩn thận và được tư vấn rất kỹ để có được quyết định đúng đắn nhất vừa an toàn về mặt sức khỏe, vừa bảo đảm được vẻ đẹp tự nhiên nhất mà họ hài lòng. Có nghĩa làm phải tùy thuộc vào cấu tạo cơ địa, thể chất của từng khách hàng để thực hiện cho hiệu quả. Chứ không phải ca nào cũng làm giống nhau. Đặc biệt với những phụ nữ chưa sinh con thì làm khác với những người đã sinh 1-2 con bởi sự đàn hồi, chun giãn, sự sa trễ khác nhau. Trong PT nâng ngực có nhiều cách làm từ nhỏ thành to, sa trễ thì phải làm kéo, nâng, treo.
Để giảm thiểu những rủi ro trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, BS Lê Hữu Điền, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, BV Đa khoa quốc tế Thu Cúc có khuyến cáo khách hàng: “Mọi biện pháp làm đẹp có can thiệp ngoại khoa đều cần phải được thực hiện bởi các BS đã được đào tạo chuyên khoa và có kinh nghiệm trong phẫu thuật thẩm mỹ, đồng thời việc phẫu thuật phải được tiến hành ở bệnh viện, nơi có đội ngũ bác sĩ gây mê, bác sĩ phẫu thuật cùng các trang thiết bị đầy đủ phục vụ cho hồi sức cấp cứu như phòng mổ, máy thở ôxy, phòng hậu phẫu...”.
Theo công bố của Sở Y tế Hà Nội hiện có 30 thẩm mỹ viện và 3 bệnh viện tư được Sở Y tế Hà Nội cấp phép đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội lưu ý: “Dù 30 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ này được cấp phép đủ điều kiện hoạt động nhưng không phải được thực hiện mọi loại hình phẫu thuật thẩm mỹ mà chỉ được thực hiện một số thủ thuật trong quy định như: cắt mí mắt, xăm mày, xăm môi… . Riêng với các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ như hút mỡ bụng, hút mỡ chi, nâng ngực… không được phép thực hiện tại thẩm mĩ viện dù được cấp phép. Đây là những kỹ thuật buộc phải thực hiện tại bệnh viện, nơi có đầy đủ các điều kiện y tế đạt chuẩn an toàn như: phòng mổ, đội ngũ bác sĩ gây mê, trực cấp cứu 24/24h, chăm sóc hậu phẫu... |
Xuân Hương