Sáng lên bàn mổ, chiều tập vận động: chuyện không lạ ở Bệnh viện FV

Yến Lê Toàn Thịnh

(Dân trí) - Để bệnh nhân phục hồi nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện, tối ưu chức năng vận động sau phẫu thuật, Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi chức năng Bệnh viện FV phối hợp với các chuyên khoa tập luyện vận động sớm cho bệnh nhân trong thời gian nằm viện.

Chính vì vậy, nhiều bệnh nhân sau các ca mổ lớn, chỉ sau một ngày, thậm chí là vài giờ, đã được các chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn tập đi.

Sáng phẫu thuật, chiều tập vật lý trị liệu

3 lý do FV tự tin giúp bệnh nhân tập vận động sớm sau mổ

Ông T.T.B - 60 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu không may bị gãy xương gót chân hai bên do ngã từ tầng 3. Bệnh nhân đến FV và được bác sĩ phẫu thuật một bên gót. Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân được tập vật lý trị liệu với Freedom Leg - một dụng cụ chuyên biệt giống như đôi chân giả, giúp giảm trọng lực lên gót chân.

Theo TS. Catherine - Trưởng Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi Chức năng Bệnh viện FV, nếu không có dụng cụ này hỗ trợ khi tập vật lý trị liệu sớm thì sau khi xuất viện bệnh nhân phải ngồi một chỗ ít nhất 3 tháng. Nhờ thực hiện theo chương trình phục hồi chức năng sớm sau phẫu thuật tại FV, bệnh nhân có thể tự đi lại, sinh hoạt bình thường chỉ với sự hỗ trợ của cặp nạng ngay sau khi xuất viện.

Trường hợp khác là bà NTH. (60 tuổi, quê ở Bến Tre) đi lại rất khó khăn vì mỗi cử động chân đều khiến bà đau đớn nên bà được người nhà đưa đến bệnh viện FV thăm khám. Các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình chẩn đoán bà bị thoái hóa hai khớp gối, cần phải phẫu thuật thay khớp. Sau khi được thay cả hai khớp gối cùng lúc, bà H. được các chuyên gia Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi Chức năng hướng dẫn tập đi ngay chiều hôm đó, kết hợp liệu pháp chườm lạnh, để mau lấy lại chức năng vận động.

Sáng lên bàn mổ, chiều tập vận động: chuyện không lạ ở Bệnh viện FV - 1
Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi Chức năng, Bệnh viện FV (Ảnh: FV).

Được hướng dẫn tập vật lý trị liệu ngay sau ca mổ đối với bà H. là một trải nghiệm đầy bất ngờ. Trước nay bà cứ đinh ninh rằng sau phẫu thuật như vậy thì cần "nằm dưỡng thương" cho vết mổ lành lại hẳn mới tập vận động. Nhưng hóa ra việc tiếp đất sớm không gây đau đớn cho vết mổ như bà hình dung, trái lại giúp việc hồi phục chức năng vận động nhanh hơn. Bà H. ra viện sau 1 tuần, có thể tự đi lại bình thường.

"Sau phẫu thuật, nếu chỉ cho bệnh nhân nằm dưỡng thương thì quá trình hồi phục diễn ra chậm hơn. Trong trường hợp không vận động từ 2-3 tuần, dù vết thương lành, song người bệnh có thể sẽ phải đi khập khiễng, mất nhiều thời gian và sức lực để lấy lại dáng đi bình thường. Do đó, các bác sĩ và chuyên viên vật lý trị liệu tại Bệnh viện FV rất xem trọng việc tập vật lý trị liệu hậu phẫu và đặt mục tiêu đưa bệnh nhân rời giường càng sớm càng tốt", TS. Catherine giải thích.

Sáng lên bàn mổ, chiều tập vận động: chuyện không lạ ở Bệnh viện FV - 2
Bệnh nhân thay khớp háng tại Bệnh viện FV được hướng dẫn tập vật lý trị liệu sau mổ (Ảnh: FV).

Tập vật lý trị liệu: áp dụng cho cả bệnh nhân điều trị bệnh lý tim, phổi

Không chỉ tập trung tối ưu hóa chức năng của cơ thể và sức khỏe của bệnh nhân sau chấn thương hoặc phẫu thuật để họ có thể sớm quay lại sinh hoạt bình thường, Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi Chức năng còn phối hợp rất chặt chẽ với tất cả các chuyên khoa khác trong bệnh viện như Sản Khoa, Tim mạch, Nội Phổi, Nội Khớp...

Trên nền tảng điều trị một kèm một, dựa trên tình trạng bệnh lý, điều kiện và hoàn cảnh của bệnh nhân, các chuyên gia vật lý trị liệu của Bệnh viện FV sẽ lên kế hoạch điều trị cụ thể để tối ưu hóa sự phục hồi của bệnh nhân trong thời gian nằm viện và trong quá trình phục hồi sau này.

Chương trình tập vật lý trị liệu còn áp dụng với cả phụ nữ tiền và hậu thai sản, với bệnh nhân phẫu thuật ung thư ngực hoặc lưu dẫn hệ bạch huyết, thậm chí với bệnh nhân mắc các bệnh tim phổi. Các bệnh lý về tim và phổi cần áp dụng tập vật lý trị liệu càng sớm càng tốt. "Nếu sau khi phẫu thuật mà bệnh nhân nằm lại giường trong vòng 5 ngày thì nguy cơ viêm phổi sẽ rất cao, tim sẽ ngày càng yếu và thuốc mê cũng không được đào thải tốt", TS. Catherine cho biết.

Ngoài ra, Khoa Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi chức năng tại FV còn cung cấp thêm dịch vụ Phục hồi chức năng trước khi phẫu thuật, dành cho những bệnh nhân có kế hoạch phẫu thuật. Đối tượng là những bệnh nhân có bệnh lý kèm theo như hô hấp, COPD, tiểu đường…

Chẳng hạn, bệnh nhân hen suyễn sẽ được hướng dẫn hít vào thở ra đúng cách, nhờ vậy có thể giảm lượng đàm gây tắc nghẽn đường thở và giảm nguy cơ nhập phòng săn sóc tích cực (ICU) sau mổ. Tập vật lý trị liệu còn giúp khởi động cơ thể để bệnh nhân có thể lấy lại sức khỏe, sự phục hồi cho toàn thân, nhất là hệ thống hô hấp, cần ưu tiên hồi phục càng sớm càng tốt.

Quan trọng nhất của liệu pháp tập vật lý trị liệu, theo TS. Catherine, là giúp phục hồi khả năng vận động chủ động của khu vực mổ như đứng lên, ngồi xuống, xoay tròn, đi lại… Việc hướng dẫn bệnh nhân được thực hiện ngay từ ngày mổ nhằm phòng ngừa các nguy cơ té ngã khi đi vệ sinh, di chuyển sau mổ.

TS. Catherine giải thích thêm, để phương pháp phục hồi chức năng sớm sau phẫu thuật thành công đòi hỏi bác sĩ phẫu thuật phải tối ưu thời gian mổ, điều đó giúp bệnh nhân mất máu ít, và không cần dẫn lưu.

Kết hợp liên chuyên khoa để nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân

Đánh giá cao vai trò của vật lý trị liệu và xem đây là một khoa có tính thực tiễn cao để nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện FV đầu tư bài bản cho Khoa Vật lý Trị liệu và Phục hồi Chức năng.

Khoa được trang bị đầy đủ các khu vực trị liệu tay, chân, phòng gym cá nhân, liệu pháp điện, liệu pháp nhiệt và nhiều loại máy móc cao cấp như Máy chuyển động Đầu gối (CPM), đơn vị thoát nước bạch huyết, thiết bị theo dõi tim phổi, Cold Compressive therapy - thiết bị hỗ trợ làm lạnh vùng phẫu thuật, giúp bệnh nhân có thể di chuyển sau phẫu thuật dễ dàng.

Sáng lên bàn mổ, chiều tập vận động: chuyện không lạ ở Bệnh viện FV - 3

Tập vật lý trị liệu sớm giúp phục hồi khả năng vận động chủ động của khu vực mổ (Ảnh: FV).

Cũng theo TS. Catherine, Bệnh viện FV là trung tâm y tế duy nhất tại TPHCM có phương pháp điều trị kết hợp giữa vật lý trị liệu và nắn xương. Đây là phương pháp có thể rút ngắn chu trình điều trị xuống một nửa thời gian. Rất nhiều bệnh nhân muốn được thực hiện kỹ thuật này để có được hiệu quả hồi phục tốt, thời gian điều trị ngắn và tiết kiệm chi phí nằm viện.

Sáng lên bàn mổ, chiều tập vận động: chuyện không lạ ở Bệnh viện FV - 4
TS. Catherine và TS. Stéphane Laporte đang thảo luận lên phác đồ tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân (Ảnh: FV).

Tuy nhiên, TS. Catherine nhấn mạnh, trong lĩnh vực vật lý trị liệu, máy móc chỉ là phương tiện hỗ trợ, tài nguyên quan trọng nhất chính là yếu tố con người. Chuyên viên vật lý trị liệu tại Bệnh viện FV đều có trình độ đại học trở lên, được đào tạo trong nước hoặc nước ngoài. Các chuyên viên đều trải qua khóa tập huấn nghiêm ngặt của FV. Khoa có 2 Tiến sĩ, 1 Thạc sĩ tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân. Ngoài ra còn có cô Catherine Cousin - TS. Y học Thể chất và Phục hồi chức năng, Trường Đại học Y Khoa Quốc Gia, Madrid, Tây Ban Nha. Cô là người đã tham gia rất nhiều dự án của các tổ chức phi Chính phủ ở Việt Nam cũng như thế giới.

Gọi số (028) 54113333 để được tư vấn về tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng tại Bệnh viện FV.