1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ban Chỉ huy PCTH-TKCN Bộ Y tế họp khẩn trước diễn biến phức tạp của bão số 11:

Sẵn sàng chủ động mọi lực lượng 24/24 giờ

Ngày 14/10/2013, Ban Chỉ huy Phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn (PCTH-TKCN) Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn để nghe báo cáo tình hình và chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, ứng phó cơn bão dưới sự chủ trì của PGS.TS. Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban Chỉ huy PCTH-TKCN Bộ Y tế.

Sẵn sàng chủ động mọi lực lượng 24/24 giờ

Sẵn sàng chủ động mọi lực lượng 24/24 giờ 1Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn họp Ban Chỉ huy PCTH-TKCN Bộ Y tế đối phó với bão số 11.    Ảnh: PV

 

Chuẩn bị các phương án ứng phó bão số 11

 

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 11 là cơn bão rất mạnh, diễn biến phức tạp, di chuyển nhanh hướng về phía quần đảo Hoàng Sa và đất liền nước ta, dự báo khi đổ bộ vào đất liền, sức gió mạnh nhất ở vùng tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 13, cấp 14 và có mưa to đến rất to. Để chủ động đối phó với bão, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Trưởng ban Chỉ huy PCTH-TKCN Bộ Y tế yêu cầu Văn phòng Bộ - Thường trực Ban Chỉ huy tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi tình hình bão số 11. Thường xuyên giữ liên lạc, đôn đốc Sở Y tế các tỉnh/thành và các đơn vị trực thuộc Bộ, Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để nắm bắt thông tin; kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ huy xem xét, chỉ đạo. Chuẩn bị, sẵn sàng tổ chức Đoàn công tác của lãnh đạo Bộ và Ban Chỉ huy đi kiểm tra, giám sát, chỉ đạo hỗ trợ cho các địa phương trong trường hợp cần thiết. Các thành viên Ban Chỉ huy và thành viên Tổ Thư ký giúp việc Ban Chỉ huy mở điện thoại 24/24 giờ, chỉ đạo các bộ phận chức năng của vụ/cục ứng trực, sẵn sàng triển khai các yêu cầu, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Trưởng ban Chỉ huy. Các đơn vị: Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục Quản lý Dược, Vụ Kế hoạch - Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ được phân công trong Ban Chỉ huy, chuẩn bị các phương án, kịp thời chỉ đạo các đơn vị theo hệ thống khẩn trương triển khai công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục bão số 11.

 

Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục An toàn thực phẩm đang có các đoàn đi chỉ đạo, khắc phục bão số 10 hoặc thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn khác tại các tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng của bão số 11 đề nghị các đoàn này tiếp tục ở lại trong ngày 14/10 để đôn đốc, chỉ đạo các Sở Y tế các tỉnh/thành trong công tác phòng, chống, ứng phó bão số 11.

 

Sẵn sàng về nguồn lực, vật tư tại chỗ

 

Cũng liên quan đến công tác chủ động phòng chống bão số 11, sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Công điện số 1616/CĐ-TTg về việc chỉ đạo đối phó với bão số 11 (ngày 13/10), ngày 14/10, Bộ Y tế đã có Công điện số: 6507/CĐ-BYT yêu cầu: Sở Y tế các tỉnh/thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên  theo dõi sát diễn biến của bão số 11; triển khai các phương án 4 tại chỗ, đối phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa, bão gây ra. Sở Y tế các tỉnh/thành phố huy động các lực lượng y tế của địa phương chủ động đối phó với cơn bão số 11; sẵn sàng về nguồn lực, vật tư, cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, nhu yếu phẩm thiết yếu tại những khu vực có khả năng bị chia cắt. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa, bão. Các đội cấp cứu cơ động trực 24/24 giờ luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh. Triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời các cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng núi, ven sông, suối có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống do mưa, bão gây ra. Triển khai kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị ngập úng, đặc biệt vùng hạ du của các hồ chứa.

 

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lụt, mọi người thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước bằng cloramin B hoặc viên aquatabs 67mg hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử khuẩn nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Bộ Y tế khuyến cáo cần thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế chỉ định để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn... đồng thời bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, điều trị bệnh nhân kịp thời.

Theo Mạnh Hà

Sức khỏe & Đời sống