Rượu ngâm "đặc sản": Biết độc vẫn liều
Bắt được con rắn, ngâm rượu. Mua được vài ký bò cạp, ngâm rượu. Xin được ít cây dược liệu, ngâm rượu... Nhiều người không ngại ngần uống tràn lan những “đặc sản” của mình ngâm được và kết quả là ông uống bà... nuôi vì nhập viện.
Rất nguy hại
Lương y Nguyễn Ngữ, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Gia Lai, cho biết hiện nay, chủ yếu người dân ngâm rượu theo lời đồn thổi. Trong mọi trường hợp, thuốc ngâm rượu là không tốt.
“Tác hại của rượu với gan là quá độc, nếu ngâm thêm một thứ khác vào, có chứa các độc tố thuộc dạng khó thải thì gan nhiễm độc nhanh hơn. Muốn uống thuốc ngâm rượu thì phải kiểm tra sức khỏe trước. Gan tốt thì có thể uống nhưng gan có bệnh thì tuyệt đối không được uống” - ông Ngữ cảnh báo.
Bên cạnh đó, theo đông y, mỗi loại thuốc sẽ tốt cho một hay một vài bộ phận nhưng lại có tác dụng ngược lại với các bộ phận khác. “Ví dụ như một bình rượu ngâm thuốc bổ thận nhưng người bị tim uống sẽ nguy hiểm ngay” - ông Ngữ nói.
Đối với các loại động vật ngâm rượu, ông Ngữ cho rằng hiện nay, rất nhiều người ngâm không đúng cách. Ví dụ, người ta thường dùng rắn để ngâm rượu nhưng lại để cả con sống, chỉ bỏ nội tạng thì không ổn. Rượu rắn chỉ có hiệu quả chữa nhức mỏi khi phải lột da, tẩm gừng, sau đó nướng chín lên mới cho vào rượu ngâm. “Nếu ngâm các loại động vật sống không đúng bài bản thì rượu này chẳng qua là dung dịch thối, uống vào không có tác dụng gì, thậm chí còn gây bệnh” - ông Ngữ khẳng định.
Theo ông Ngữ, những người khỏe mạnh bình thường không nên dùng các dạng rượu ngâm. Nếu muốn dùng thì phải được bào chế thích hợp. “Nếu buộc phải uống rượu thuốc ngâm để chữa bệnh thì cần có sự chỉ dẫn của thầy thuốc bởi một số loại dược liệu nếu sắc uống thì tốt nhưng cho vào rượu ngâm lại rất hại, độc tính cao” - ông Ngữ cảnh báo.
Cường điệu hóa
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, cho biết rất nhiều người hiểu sai hoặc cường điệu hóa để đánh lừa người dân về tác dụng của các loại rượu ngâm động vật quý hiếm nhằm trục lợi. Trong sách y văn, chân gấu, chân hổ có tác dụng bồi bổ cơ thể chung chung chứ không phải như một loại thần dược khiến người ta có thể hồi xuân, cường tráng, khỏe mạnh.
Cũng theo bác sĩ Hướng, ngay cả rượu hoa thuốc phiện mà mọi người đồn thổi rằng “ông uống bà khen” cũng có thể gây nghiện nếu lạm dụng. Trong đông y chỉ dùng anh túc xác, tức là quả thuốc phiện khô đã được bỏ nhựa, rồi phối hợp với các loại thuốc dùng chữa bệnh để khống chế những cơn đau, tăng hưng phấn, kích thích tiêu hóa... Việc mọi người dùng cả thân, lá, hoa và quả của cây thuốc phiện để ngâm rượu là rất nguy hiểm. Bởi các hoạt chất gây nghiện của cây anh túc tồn tại ở cả thân, lá, rễ nhưng với hàm lượng rất nhỏ, khi đem ngâm rượu thì chắc chắn không có tác dụng chữa bệnh và càng không có chuyện tăng cường sức mạnh của đàn ông.
Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) từng cấp cứu một nữ bệnh nhân bị ngộ độc rượu ngâm hoa anh túc. Khi nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, nói cười nhiều, nôn liên tục. Xét nghiệm có kết quả dương tính với ma túy. Các bác sĩ đã phải điều trị giải độc cho bệnh nhân như các trường hợp ngộ độc ma túy.
Theo các bác sĩ, hiện nhiều người tìm đến rượu ngâm hoa anh túc để có cảm giác mạnh, sung trong quan hệ tình dục nhưng sự thật không có tác dụng mà còn gây nghiện, ảnh hưởng tới thần kinh và thay đổi nhân cách. Đây là loại rượu không có tác dụng tăng cường sức mạnh đàn ông mà chỉ gây ảo giác. Nhẹ thì ức chế, hôn mê, ảo giác; nặng thì trụy mạch, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Nhầm lẫn giữa rượu thuốc và rượu ngâm
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng cho biết rất nhiều người lầm tưởng cứ đem cây, rễ cây, lá hay động vật nào đó có công dụng chữa bệnh, bổ dưỡng ngâm vào rượu rồi uống sẽ có tác dụng chữa bệnh. Trong khi thực tế cần biết cách ngâm, cách sao, tẩm cây, rễ đó trước khi ngâm với rượu thì mới có kết quả.
Theo bác sĩ Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, ngay cả với loại cây, rễ, lá có công dụng chữa bệnh nhưng nếu không biết dùng, dùng bừa bãi sẽ trở thành độc dược gây chết người. Chẳng hạn, củ ấu tàu được dùng trong dân gian và y học cổ truyền với công dụng trị các bệnh đau nhức, mỏi cơ - xương khớp nhưng trong củ ấu tàu có chứa chất aconitin gây độc, thậm chí hôn mê, suy hô hấp, tử vong. Thế nhưng, tại một số tỉnh phía Bắc vẫn truyền tai nhau kinh nghiệm bồi bổ bằng củ ấu tàu khiến nhiều người nhập viện do ngộ độc.
Bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Thực tế, tôi đã điều trị cho những bệnh nhân tổn thương gan, thận, vàng mắt, vàng da do uống rượu ngâm. Đáng ngại hơn là với những trường hợp bị bệnh do rượu ngâm, việc điều trị thường khó khăn hơn do rất khó tìm căn nguyên”.
Việc sử dụng các loại thảo dược, động vật ngâm rượu mà không rõ công dụng thì nguy cơ gây ngộ độc rất cao. Cách đây không lâu, từng xảy ra vụ ngộ độc rượu ngâm rễ cây tại Lào Cai khiến 4 người tử vong. “Người dân không nên uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Người dân có thể “tiền mất tật mang” với những loại rượu này vì hiện nay, dược liệu giả dùng ngâm rượu bán tràn lan, ngay cả dùng dược liệu thật cũng không bảo đảm” - bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Không thể uống rượu thuốc đến “quắc cần câu”
Theo bác sĩ đông y Nguyễn Xuân Hướng, với những loại rượu thuốc, thường chỉ được uống với liều lượng rất ít, nếu uống tràn lan cũng có thể gây nguy hại đến sức khỏe.
Mỗi ngày chỉ nên uống các loại rượu thuốc tối đa là 20 ml, vào buổi tối là tốt nhất.
Không nên uống rượu thuốc vào buổi sáng vì lúc này, đàn ông thường trong thể trạng dương khí vượng, uống vào sẽ khiến dương khí bị tản, lặp lại nhiều lần sẽ làm cho người chóng già, sinh bệnh.
Ngoài ra, những người bị bệnh gan, thận, cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... không được uống rượu thuốc, bất kể ngâm loại cây, con gì.
Trước khi quyết định ngâm loại rượu nào, uống như thế nào thì phải hỏi bác sĩ, lương y.
Theo Hoàng Thanh - Ngọc Dung
Người lao động