Rau sạch có thực sạch?
Trong hoàn cảnh thực phẩm bẩn bày bán tràn lan thì những gì được gắn với chữ “sạch”, đặc biệt là rau xanh đều “đắt khách” ngay cả khi giá thành đắt đỏ hơn gấp nhiều lần so với loại… không sạch. Tuy nhiên, những gì người tiêu dùng đang “tín” là sạch và phải rút hầu bao nhiều hơn vì chữ sạch đó có sạch thực không?
Giả Vân Nội - Vân Nội giả
Đến Vân Nội, Đông Anh, Hà Nội nơi được coi là một trong những “vựa” rau an toàn lớn nhất thành phố và cung cấp phần lớn cho mạng lưới thiêu thụ ở thủ đô vào những ngày khi đợt mưa bão nặng nề nhất trong năm đã kết thúc khoảng 2 tuần. Toàn bộ khu vực trồng rau xanh với diện tích khoảng 200ha không còn bao phủ màu xanh mơn mởn của lá, không còn những mái che chắn bằng nilon như thường thấy ở các ruộng rau; những bờ ruộng xiêu vẹo mất đi cả sự nguyên vẹn là một con đường dẫn lối xen giữa các ruộng, đất ruộng thì nhão nhoét, vẫn còn ngập úng sau đợt thời tiết khắc nghiệt…
Tất cả cho thấy sự hoang tàn của một vùng đất vừa trải qua sự tàn phá của bão lụt. Trên các bờ ruộng, những củ su hào còi cọc, xơ xác vứt chỏng chơ vì không thể lớn được do ngập úng. Thế mà trong khi đó, tại các điểm bán rau sạch tại Hà Nội, vẫn ngập tràn rau sạch được “dán mác” rau an toàn Vân Nội với hàng chục chủng loại từ rau cải, rau muống, mồng tơi, rau ngót…
Chăm sóc rau tại Vĩnh Phúc
Ngay tại thời điểm phóng viên Báo Năng lượng Mới trò chuyện với chủ nhiệm một hợp tác xã trồng rau sạch ở Vân Nội thì rất nhiều điện thoại gọi đến để đặt hàng rau sạch, trong đó có cả những siêu thị lớn ở Hà Nội. Nhưng thay vì từ chối khách hàng vì không có hàng, bà chủ nhiệm này gợi ý: “Rau Vân Nội thì không có đâu do mưa bão phá hỏng hết rồi. Nếu cần thì tôi lấy rau khác cho, cũng đủ các loại…”. Hóa ra, mác nhãn rau sạch Vân Nội cũng được “dán” cho nhiều loại rau củ có nguồn gốc khác! Điều này càng được khẳng định hơn khi quay sang phóng viên, bà chủ nhiệm vừa nháy mắt vừa giải thích với hàm ý: Nhiều người cần hàng quá nên phải xen luôn cả hàng khác vào, miễn là cứ lấy tại Vân Nội là được.
Khi chúng tôi hỏi thẳng: “Thế hàng khác xuất xứ đó chắc phải lấy cả từ Trung Quốc nhỉ” thì không còn cách nào khác, như bị hiểu rõ tâm can, bà chủ nhiệm đành xuê xoa: “Có nhiều loại rau củ người ta muốn lấy nhưng ở mình trái mùa nên để có được, chỉ có thể lấy của Trung Quốc thôi như hoa lơ, củ cải, cà rốt…”. Và đương nhiên trong hoàn cảnh này, rau “sạch” Vân Nội không thể coi là sạch bởi không được kiểm duyệt bất kỳ cơ quan chức năng nào mà chỉ là “treo đầu dê bán thịt chó” mà thôi!
Phun thuốc xong bán luôn
Không chỉ tại Vân Nội mà tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cũng là nơi được coi như xã chuyên cung cấp rau sạch cho thành phố với số lượng lớn. Ở đây, nhờ đất đai màu mỡ nên cũng hình thành nên những hợp tác xã chuyên sản xuất rau an toàn. Trong đó, phải kể đến hợp tác xã nông nghiệp Phương Viên, nằm ở Xứ Đồng Bãi, phía nam Đại lộ Thăng Long. Ngay đầu lối vào khu sản xuất của hợp tác xã là hàng loạt biển hiệu đề: “Khu sản xuất rau an toàn”; “Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng GAP”…
Thế nhưng, trớ trêu thay khi hợp tác xã này đã gắn với một câu chuyện mà có thể nói là làm “nhơ bẩn” thương hiệu, uy tín rau sạch ở đây. Chả là trong một lần về tìm hiểu chất lượng rau sạch ở Song Phương, đồng nghiệp của chúng tôi đã trực tiếp xuống ruộng rau của một phụ nữ tên là Dung, một hộ trồng rau sạch của hợp tác xã đúng khi bà đang pha chế thuốc trừ sâu để phun cho đậu đũa. Với nhãn hiệu ghi trên vỏ thuốc thì đó là 2 loại thuốc: Toplaz 70WP và Pezan 50EC, chuyên dùng để trị sâu cuốn lá, đục quả, nấm và đặc biệt có tác dụng là tăng cường khả năng quang hợp của cây trồng, giúp bộ lá xanh mướt, cứng cáp…
Khi được hỏi, phun thuốc sâu như vậy có ảnh hưởng gì cho người tiêu dùng không khi đậu đũa đến kỳ thu hoạch thì bà Dung ứng đáp: “Đậu đũa trong thời kỳ cho thu hoạch nhưng phun mấy loại thuốc trừ sâu này, không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của người ăn, thậm chí chế biến ngay sau 15 phút phun thuốc cũng chẳng hề hấn gì”. Bà Dung còn tỏ ra hiểu biết, giải thích: “Đây là chất hóa học chứ không phải thuốc sâu (?!), chỉ có tác dụng “đuổi” côn trùng đi thôi chứ không làm chết chúng (ý nói là không độc hại)”.
Để chứng minh điều này, bà liền hái ngay 1kg cho chúng tôi mang về ăn thử, khi chúng tôi đề cập mua nhiều với giá 15 nghìn đồng/kg, tức là cao hơn giá chợ khoảng vài nghìn đồng để mang về cho người thân vì đây là hàng “sạch”, thì bà Dung đồng ý ngay: “Chiều đến sớm nhé, cô sẽ hái cho chỗ đậu này mà mang về. Ăn không sao đâu”. Bà cố giải thích thêm như vậy, mặc dù đậu vừa phun thuốc sâu xong.
Tuy nhiên, buổi chiều ấy đã không diễn ra và thay vì hái đậu bán cho chúng tôi như đã hẹn thì bà Dung đã bị cơ quan chức năng đến xử phạt hành chính vì đã vi phạm Khoản 2 Điều 32 Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Bởi sau khi mang sản phẩm “sạch” cùng với những thông tin đã được tận mắt chứng kiến đến các nhà chức trách, phóng viên đã được hồi âm: 2 loại thuốc bà Dung sử dụng, trong đó loại Pezan 50EC không đăng ký sử dụng trên rau, do vậy dùng để phun đậu đũa là trái với quy định. Chưa kể đến loại thuốc này có độc tố cao, vị độc…
Còn Toplaz 70WP, mặc dù nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, nhưng vừa mới phun bà Dung đã hái để bán mà không qua thời gian chăm sóc tiếp theo theo đúng quy trình trồng trọt sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì đây là thuốc trừ nấm bệnh có mức độ thẩm thấu nhanh, nội hấp mạnh nên khi phun không những người phun phải mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay… mà rau còn phải cách ly 7 ngày, loại cây có múi thì 14 ngày mới được thu hoạch…
Phải chăng, sự việc của bà Dung hay câu chuyện Vân Nội giả - giả Vân Nội ở vựa rau Vân Nội chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, là hiện tượng đơn lẻ trong “làng” rau sạch? Để biết câu trả lời này, hãy nghe chủ một cửa hàng rau tên Hạnh bán ngay trên đất Vân Nội lưu ý: “Mặc dù toàn rau sạch của người Vân Nội mang ra bán nhưng không hẳn đã an toàn đâu. May thì mua được hàng “sạch” còn không cũng chỉ là rau bình thường như ngoài chợ. Rau an toàn Vân Nội về cơ bản giờ chỉ còn là “mác” thôi”.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội cho biết: “Về nguyên nhân khách quan, xã Văn Đức vẫn còn những hộ chưa tham gia vào chương trình trồng rau an toàn của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, vì vậy họ sẽ không dán mác rau an toàn một cách chính thống. Nhưng khi mang ra chợ bán, họ vẫn nói rau sản xuất tại rau an toàn Văn Đức cho nên người tiêu dùng không phân biệt được. Còn nguyên nhân chủ quan, xã Văn Đức mới chỉ gắn mác được hơn 70% sản phẩm rau sạch, số còn lại lưu thông tự do nên dẫn đến tình trạng trộn lẫn giữa rau an toàn và không an toàn trên thị trường”.
Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thủ đô có khoảng 58 cửa hàng, điểm bán rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và 35 siêu thị tiêu thụ sản phẩm rau an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có nhiều cửa hàng nhỏ lẻ trong các chợ cũng tự gắn cho loại rau mình kinh doanh là rau sạch hoặc rau "nhà” ăn không hết, mang đi bán nên an toàn 100%. Nhưng từ những gì chứng kiến thì thực tế không phải vậy.
Theo Nguyễn Anh - Mạnh Kiên
Petrotimes