Quấy phá, đùa cợt với 115
Gọi 115 báo cấp cứu giả, trêu ghẹo, chọc phá… chẳng khác đang đùa cợt trên sinh mạng bệnh nhân cấp cứu.
“Khoa Cấp cứu ngoại viện (115) BV Cấp cứu Trưng Vương (TPHCM) ngày nào cũng nhận nhiều cuộc gọi quấy rối, trêu chọc, báo cấp cứu giả… Người gọi quấy rối đâu biết sự đùa cợt của mình có thể khiến một bệnh nhân, thậm chí ngay cả người thân của họ có nguy cơ tử vong khi vì cuộc gọi ấy mà việc cấp cứu bị chậm trễ” - ThS-BS Võ Quang Huy, Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện BV Cấp cứu Trưng Vương, cảnh báo.
Báo cấp cứu giả!
Điều dưỡng Trần Đông Phương, kể cách đây vài ngày, 115 nhận được điện thoại báo có một bệnh nhân ở phường Hòa Thạnh (Tân Phú, TPHCM) bị suy tim nặng. Ngay lập tức, bác sĩ và điều dưỡng lên xe, tài xế hú còi chạy thật nhanh. Đến đúng địa chỉ, người nhà bảo không ai bị bệnh, cũng chẳng gọi 115. “Biết đây là cuộc gọi báo cấp cứu giả, chúng tôi quay về. Đi được một đoạn, cũng số điện thoại trên gọi lại nói báo nhầm số nhà và cho lại địa chỉ mới. Chúng tôi nhanh chóng tới địa chỉ này nhưng tìm mãi chẳng ra. Gọi lại số điện thoại lúc nãy nhưng chỉ nghe ò í e…”, ông Phương cho biết.
Khoảng một tuần trước, tầm 10 giờ đêm, 115 cũng nhận được cuộc gọi điện thoại báo có bệnh nhân bị tai biến, đang thở thoi thóp tại một địa chỉ ở phường Đông Hưng Thuận (quận 12, TP.HCM). Trên đường đi, 115 liên tục nhận cuộc gọi hối thúc, lại còn nghe tiếng khóc lóc. “Đến nơi, chúng tôi phát hiện địa chỉ nói trên là một… quán nhậu. Một số ông mặt mày đỏ bừng, thấy xe 115 ôm bụng cười ngặt nghẽo. Chúng tôi biết họ chính là những người báo cấp cứu giả nhưng chẳng thể làm gì được, đành lên xe về”, ông Phương nói.
Bệnh nhân cấp cứu được nhân viên y tế 115 đưa lên xe, chuyển đến bệnh viện. Ảnh: TRẦN NGỌC
Đùa cợt, chọc phá trong điện thoại
Trực tổng đài 115 khá lâu, ông Nguyễn Văn Phước không nhớ bao nhiêu lần nhận những cuộc gọi quấy nhiễu, báo cấp cứu giả… Do vậy, khi có điện thoại gọi tới 115, ông phải phán đoán và xác định cuộc gọi là thật hay giả để thực hiện công việc tiếp theo, tránh ảnh hưởng hoạt động cấp cứu. “Người báo cấp cứu thật giọng nói thường lo lắng, không nghe tiếng ồn chung quanh. Còn người báo cấp cứu giả giọng đều đều, lại có nhiều âm thanh ồn ào. Đâu chỉ vậy, để tăng thêm hiệu ứng cuộc gọi báo cấp cứu giả, “đồng minh” người gọi làm bộ kêu đau, khóc lóc thảm thiết trong điện thoại”, ông Phước kể.
Có lần 115 nhận được cuộc gọi báo một tai nạn giao thông nghiêm trọng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) làm nhiều người chết. Sau khi ghi lại thời gian, số điện thoại người báo tai nạn, nội dung cuộc gọi… vào sổ, ông Phước ngẫm nghĩ và chợt nhớ nghĩa trang Bình Hưng Hòa là nơi chôn cất hàng ngàn người chết, trong khi người gọi tới 115 báo có nhiều người chết tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Xâu chuỗi hai sự kiện, ông Phước quả quyết đây là cuộc gọi báo cấp cứu giả. “Tôi gọi lại số điện thoại nói trên, hỏi thêm vài thông tin thì đầu đây bên kia cười ha hả rồi tắt máy”, ông Phước lắc đầu.
Ai cũng biết 115 là cứu người nhưng không ít cuộc gọi đến 115 nhờ tới nhà… chích mèo, thiến chó. Lại có ông say rượu vô cớ gọi đến 115 tuôn những lời chửi bới, lăng mạ bác sĩ, điều đưỡng. Không ít người còn sử dụng số điện thoại 115 như là “đồ chơi” của con trẻ. Bằng chứng nhiều lần 115 nhận cuộc gọi từ trẻ nhỏ. Hỏi vì sao biết số 115 mà gọi, các trẻ này thiệt thà cho biết được cha mẹ chỉ dẫn. “Nam trực tổng đài 115 còn đỡ chứ nữ bị chọc phá nhiều hơn. Không ít lần chị em nhận được cuộc gọi yêu cầu đến ngay để cấp cứu một ông đang… “yếu”. Cũng có ông gọi 115 rên rỉ nói bị lạnh tận xương tủy, đề nghị chị em đến cấp cứu, “làm nóng” cơ thể…” - ông Phước kể lại, giọng chẳng vui.
Tôi mong mọi người nâng cao ý thức, đừng gọi đến 115 với mục đích chọc phá để tránh ảnh hưởng đến công tác cấp cứu bệnh nhân. ThS.BS Võ Quang Huy, Trưởng khoa Cấp cứu ngoại viện (115) BV Cấp cứu Trưng Vương (TPHCM)
Tai hại từ những cuộc gọi quấy nhiễu
Phụ trách điều động xe cấp cứu - ông Trà Thanh Vĩnh (điều dưỡng trưởng 115) cho biết không ít lần nhân viên tổng đài 115 nhận nhiều cuộc gọi phá rối, trêu chọc từ một số điện thoại. Dẫu vậy, mỗi lần số này gọi tới bắt buộc nhân viên tổng đài phải nghe. “Không loại trừ những lần đầu người này gọi tới 115 quấy phá nhưng lần sau cũng chính người này gọi tới để báo cấp cứu thật. Nếu nhân viên tổng đài không nghe điện thoại sẽ nảy sinh những hệ lụy không hay. Đây cũng là lý do khiến tổng đài 115 thường xuyên nghẽn mạch” - ông Vĩnh cho biết.
“Một phút, một giây đối với trường hợp cấp cứu rất quan trọng. Những người gọi 115 báo cấp cứu giả, trêu ghẹo, chọc phá… chẳng khác đang đùa cợt trên sinh mạng bệnh nhân cấp cứu, trong đó có thể có cả người thân của họ. Mong mọi người dừng ngay cuộc gọi điện thoại quấy nhiễu 115 để không xảy ra những cái chết đau lòng” - ông Vĩnh nhắn nhủ.
Lãnh đạo BV Cấp cứu Trưng Vương, lãnh đạo Sở Y tế TPHCM biết được thực trạng 115 bị quấy phá đã lâu nhưng vẫn chưa thể tìm hướng giải quyết. Hầu hết người gọi 115 quấy rối, trêu chọc đều sử dụng số điện thoại khuyến mãi nên không dễ truy tìm.
115 không thể truy tìm số điện thoại người quấy rối để đề nghị cơ quan chức năng chế tài. Trong trường hợp này, trách nhiệm thuộc về cơ quan cung cấp dịch vụ viễn thông. 115 có thể cung cấp số điện thoại quấy nhiễu cho dịch vụ viễn thông để nơi đây truy tìm và xử lý. Cơ quan cung cấp dịch vụ viễn thông cũng cần quản lý chặt việc kinh doanh SIM khuyến mãi để hạn chế việc gọi quấy phá 115 cũng như các số điện thoại phục vụ mục đích công cộng khác như 113, 114.
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TPHCM) |
Theo Trần Ngọc
Pháp luật TPHCM