Quảng Ninh: Sẽ xây dựng nhiều mô hình trồng dược liệu
(Dân trí) - Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho nuôi trồng, phát triển dược liệu.
Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%.
Cây ba kích, một tiềm năng của dược liệu Việt Nam
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu với gần 4.000 loài có công dụng làm thuốc (chiếm hơn 30% tổng số loài thực vật tại Việt Nam), đặc biệt có nhiều loại dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới.
Vậy nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước với tỷ lệ gần 90%. Cụ thể, với các dược liệu thảo dược, chúng ta mới chỉ cung cấp được khoảng 25% (15.600 tấn/năm), phần còn lại phải nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore...
Điều này bắt nguồn từ việc nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta hiện nay còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động.
Cùng với đó, tình trạng khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn dược liệu đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt.
GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị.
Do đó, tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất thuốc dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2014” do UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức ngày 9/11 tại Hạ Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Công tác phát triển dược liệu sẽ ra nhiều sản phẩm có chỗ đứng, phục vụ việc chăm sóc sức khỏe nhân dân vừa góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Đồng thời nâng cao được hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu”.
Và tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là một tỉnh có tiềm năng rất lớn về tài nguyên cây thuốc bởi có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho nuôi trồng, phát triển dược liệu như cây ba kích Hồi, Quế, Trầu một lá, Bình vôi, Bá bệnh, Kim ngân hoa, Nhân trần, Ý dĩ cùng kho tàng tri thức và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ phong phú….
Ông Vũ Xuân Diện, GĐ Sở Y tế Quảng Ninh và đại diện Cty CP dược mỹ phẩm CVI ký kết hợp đồng hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano sản xuất chế phẩm nano ba kích nâng cao giá trị cây Ba Kích và các dược liệu thế mạnh của tỉnh.
Hiện nay, tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình trồng cây dược liệu - là những yếu tố quan trọng để hình thành những vùng dược liệu quy mô lớn, đồng thời đã sản xuất và đưa ra thị trường khá nhiều các sản phẩm thuốc từ dược liệu.
Đây là những thành công bước đầu chứng minh cho những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua, cũng như cho lợi ích của việc triển khai mô hình phối hợp “4 nhà”, bao gồm: nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước đối với công tác phát triển dược liệu.
Ngọc Hà