Quá tải bệnh viện… còn dài!
Các bệnh viện tuyến cuối, chuyên khoa lớn hầu như luôn trong tình trạng quá tải khám, chữa mỗi ngày. Nhiều giải pháp khắc phục đã được thực hiện nhưng xem ra kết quả chẳng được bao nhiêu.
Số người nằm viện gấp đôi số giường
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), TS. BS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc bệnh viện, cho biết: Số lượt bệnh nhân đến khám chữa bệnh tăng đều qua mỗi năm. Trong đó, số lượt khám chữa bệnh nội trú tăng 3-4%/năm. Đặc biệt, bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về chiếm đến 78% trong tổng số bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện.
Theo thống kê của Bệnh viện Chợ Rẫy, mặc dù bệnh viện chỉ có 1.623 giường nhưng số bệnh nhân nằm viện mỗi ngày trung bình lên đến hơn 2.500 người. Như vậy, tình trạng nằm ghép một giường hai bệnh nhân là chuyện tất nhiên.
Bệnh nhân nằm hành lang - hình ảnh thường trực tại các bệnh viện tuyến cuối ở TPHCM - Ảnh: Nguyên Mi
Tương tự, việc bệnh nhân phải nằm ghép giường, thậm chí nằm ra cả hành lang cũng là điều dễ thấy tại các bệnh viện như: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Hùng Vương, Từ Dũ… Đặc biệt, trong thời gian cao điểm của bệnh tay chân miệng vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 phải “gánh” điều trị cho hơn 7.000 bệnh nhân ngoại trú và 1.888 bệnh nhân nội trú mỗi ngày (chỉ tính riêng bệnh tay chân miệng). Trong khi đó, quy mô khu nội trú của bệnh viện chỉ có 1.200 giường cho tất cả các chuyên khoa.
“Bình thường bệnh viện đã quá tải huống chi khi vào mùa dịch bệnh. Bác sĩ phải luôn chân luôn tay còn bệnh nhân thì không biết xếp nằm chỗ nào”, một bác sĩ trưởng khoa tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM, đánh giá: “Hiện nay, mỗi năm các bệnh viện tại TPHCM phải tiếp nhận khám và điều trị cho hơn 30% bệnh nhân từ các tỉnh, thành chuyển về. Điều này tạo nên áp lực quá tải tại hầu như tất cả các bệnh viện chuyên khoa, tuyến cuối ở TPHCM”.
Trông chờ giảm tải
“Tình trạng quá tải bệnh nhân sẽ làm chất lượng khám chữa, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện bị ảnh hưởng. Ngoài ra môi trường bệnh viện cũng dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Đáng lưu ý, tình trạng quá tải cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tiêu cực trong ngành y như: vòi vĩnh, hạch sách người bệnh và nguy cơ mất an ninh trong bệnh viện”, bác sĩ Sơn nhìn nhận.
Hơn 30% bệnh nhân điều trị tại TPHCM là từ các tỉnh, thành chuyển về - Ảnh: Nguyên Mi
Trên phương diện vĩ mô, Bộ Y tế đã triển khai đề án 1816 (luân phiên cán bộ y tế từ tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới) nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tuyến dưới, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Trong buổi sơ kết hai năm rưỡi thực hiện đề án 1816 vào chiều nay (19/10), Sở Y tế TPHCM cho biết: Đã có 2.719 lượt cán bộ y tế tại TP được luân phiên hỗ trợ cho các tỉnh. Theo đó, có 1.859 kỹ thuật được chuyển giao cho 64 đơn vị tuyến tỉnh, 90% kỹ thuật chuyển giao được tuyến tỉnh thực hiện tốt.
Tuy nhiên, bác sĩ Nam đánh giá việc chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh thành ở phía Nam chỉ mới triển khai được ở một số chuyên khoa. Do đó chưa mang tính đồng bộ và còn tùy thuộc vào tính chủ động của các địa phương. Thế nên, kết quả việc giảm tải cho các bệnh viện tại TP chưa cao.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đã yêu cầu các bệnh viện tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp giảm tải bệnh viện. Trong đó, Bộ Y tế chủ trương mở rộng mô hình điều trị ngoại trú, sẽ có chính sách thực hiện hình thức bác sĩ gia đình, đầu tư nâng cấp mở rộng bệnh viện, phát triển các bệnh viện vệ tinh “gánh” phụ bệnh nhân cho bệnh viện tuyến trên. Đồng thời Bộ Y tế vẫn đẩy mạnh đề án 1816 để nâng cao năng lực bệnh viện tuyến dưới.
Theo Viên An
Thanh niên