Phương pháp đơn giản tái thông đường mật cho bệnh nhân ung thư

(Dân trí) - Thay vì phải thực hiện giải pháp đặt ống dẫn lưu dịch mật ra da khi bị tắc đường mật, bệnh nhân sẽ được đặt stent tái thông trở lại. Đây là phương pháp đơn giản nhưng mang lại hiệu quả tối ưu, giúp nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.

Nữ bệnh nhân 64 tuổi được chuyển đến Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, TPHCM trong tình trạng vàng da, ăn uống kém. Khai thác bệnh sử của bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân có tiền căn bị ung thư dạ dày. Các xét nghiệm cho thấy men gan bệnh nhân tăng cao. Hình ảnh kiểm tra ghi nhận, bệnh nhân bị tắc đường mật nên được bác sĩ chỉ định đặt stent qua da để tái thông. Sau 3 ngày đặt stent, kết quả xét nghiệm ghi nhận, men gan của bệnh nhân giảm, sức khỏe tiến triển tốt.

Phương pháp đơn giản tái thông đường mật cho bệnh nhân ung thư - 1

Hệ thống chụp mạch máu xóa nền giúp bác sĩ đưa stent tiếp cận dễ dàng với vị trí bị tắc ở đường mật

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 49 tuổi nhập viện trong tình trạng vàng da nặng. Bệnh nhân có tiền căn ung thư đầu tụy, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, men gan cao. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc đường mật, sau khi xác định vị trí tắc, ê kíp phẫu thuật đã tiến hành đặt thành công stent thông đường mật qua da giúp bệnh nhân thoát khỏi giai đoạn nguy kịch.

Theo BS Nguyễn Đình Luân, Phó khoa Chẩn đoán Hình ảnh kiêm Trưởng đơn vị X-quang can thiệp, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định: Stent qua da có vai trò quan trọng trong việc điều trị giảm nhẹ đối với bệnh nhân ung thư, giúp tăng chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đây là kỹ thuật đơn giản, phẫu thuật viên sẽ thực hiện phương pháp xâm lấn qua da dưới hướng dẫn của hệ thống chụp mạch máu xóa nền để đặt stent vào vị trí bị tắc, tái lập đường mật cho bệnh nhân. Hầu hết nhóm bệnh nhân này là những ca ung thư giai đoạn cuối bị tắc đường mật đoạn xuống ruột.

Trước khi triển khai kỹ thuật này, những bệnh nhân ung thư bị tắc đường mật, sẽ được phẫu thuật đặt ống dẫn lưu ra ngoài cơ thể. Để dịch mật tiết ra được “tái sử dụng” cho việc tiêu hóa thức ăn, dịch mật sau khi dẫn lưu ra ngoài sẽ được nạp trở lại qua đường miệng của người bệnh.

Việc phẫu thuật đặt dẫn lưu vì thấy đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống của người bệnh đặc biệt là nhóm bệnh nhân ung thư. Khi đường mật bị tắc phải dẫn lưu dịch mật ra ngoài thì dịch mật không thể đi xuống ruột để giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn nên bệnh nhân ăn uống giảm sút, cơ thể suy nhược ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình điều trị ung thư, nguy cơ tử vong cao.

Phương pháp đơn giản tái thông đường mật cho bệnh nhân ung thư - 2
Đây là kỹ thuật đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao cho người bệnh đã được triển khai thường quy tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định

Kỹ thuật đặt Stent qua da được triển khai thành công đã tái thông đường mật, giúp dịch mật lưu thông từ gan xuống ruột để hấp thụ thức ăn như bình thường. Hệ tiêu hóa ổn định nên bệnh nhân ung thư ăn uống ngon miệng hơn, tăng chất lượng dinh dưỡng đáp ứng cho cơ thể, cải thiện thời gian sống còn của người bệnh. Khi stent đã hoàn thành sứ mệnh tái thông đường mật, các bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật lấy ra ngoài, tránh nguy cơ bị các mảng bám của dịch mật tạo sỏi gây tái hẹp hoặc tắc trở lại ngay tại vị trí stent.

Đến nay, tại khu vực phía Nam, Bệnh viện Nhân Dân Gia Định là nơi tiên phong, đã triển khai thường quy kỹ thuật đặt stent tái thông đường mật qua da cho hơn 200 bệnh nhân. Theo BS Luân, đây là kỹ thuật tương đối đơn giản nhưng đòi hỏi phải có máy DSA (hệ thống chụp mạch máu xóa nền) cùng sự phối hợp giữa bác sĩ Ngoại khoa Tiêu hóa, bác sĩ X-quang Can thiệp, bác sĩ Nội Tiêu hóa để chăm sóc sau can thiệp.

Tổng chi phí thực hiện kỹ thuật này tốn hơn 30 triệu đồng, hiện bảo hiểm y tế đã chi trả nên người bệnh chỉ phải thanh toán khoản tiền rất ít. Bác sĩ khuyến cáo, tất cả các bệnh nhân bị ung thư có vàng da, tắc mật mà không thực hiện được tái thông đường mật bằng các phương pháp khác thì nên thực hiện kỹ thuật này để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh lý nền, giúp cải thiện chất lượng sống.

Vân Sơn